"Ngoại giao điện đàm" tiết lộ 4 cách ông Trump xử lý các vấn đề quốc tế

Lâm Oanh - Thủy Thu |

Sau khi chính thức nhậm chức (20/1), tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bận rộn với hàng loạt các cuộc điện đàm cùng những lãnh đạo cấp cao thế giới.

Cụ thể, ngày 28/1, Tổng thống Trump đã lần lượt điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Mekel, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.

Ngày 4/2 vừa qua, trong chuyến đi nghỉ cuối tuần tại bang Florida, tân Tổng thống Mỹ cũng không quên gọi điện trao đổi với Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni hay Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Truyền thống và phá lệ

Theo Phượng Hoàng (Hồng Kông), xét từ đối tượng - đồng minh chính trị, kinh tế của Washington, đặc biệt là các lãnh đạo thuộc nhóm G7 - và thứ tự các cuộc điện đàm cho thấy, ông Trump đang lặp lại thông lệ điện đàm từ những đời Tổng thống Mỹ sau khi mới nhậm chức trước đây.

Tuy nhiên, là một người "thiếu kinh nghiệm chính trị", Trump khiến các nước khó nắm bắt được những chính sách ngoại giao và chiến lược quan hệ song phương của ông. Vì thế, "ngoại giao điện đàm" của ông sau khi nhậm chức đã đặc biệt thu hút dư luận và truyền thông.

Tờ này nhận định, trong lượt điện đàm đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng, "yếu tố thực chất" đã vượt qua "lễ nghi ngoại giao" thông thường khiến giới phân tích vô cùng bất ngờ.

Đồng thời, cuộc điện đàm của tân Tổng thống Mỹ còn mang sắc thái "khẳng định lập trường hứa là làm".

Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã từng đề xuất khoảng hơn 220 cam kết và truyền thông Mỹ khi đó dự đoán rất nhiều trong số cam kết này sẽ bị hủy bỏ sau khi ông lên nhậm chức.

Nhưng việc Trump ngay sau khi nhậm chức đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay ban hành sắc lệnh cấm nhập cư đã gây không ít chấn động.

Tương tự như vậy, những cuộc điện đàm vừa qua chính là lời khẳng định cho lập trường của Tổng thống Mỹ được thể hiện trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, Phượng Hoàng nhấn mạnh.

Ngoại giao điện đàm tiết lộ 4 cách ông Trump xử lý các vấn đề quốc tế - Ảnh 1.

Những cuộc điện đàm của Tổng thống Donald Trump được đánh giá là vừa đi theo thông lệ truyền thống những cũng có những nét phá cách riêng. Ảnh: Getty.

"Ngoại giao điện đàm" của Trump tính cho đến thời điểm hiện tại mang 4 đặc điểm sau:

Nhẹ nhàng với đối thủ

Tổng thống Mỹ đã có cuộc điện đàm lịch sử với người đồng cấp Nga Putin trong bối cảnh quan hệ hai nước đang rất căng thẳng.

Kết thúc điện đàm, cả hai bên đều khẳng định, cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong bầu không khí tích cực và đi vào thực chất.

Hai bên đã thể hiện mong muốn đưa quan hệ Mỹ - Nga trở về quỹ đạo ổn định và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực như ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố hay tăng cường hợp tác thương mại.

Ngoài vấn đề nhạy cảm là những lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, có thể nói cuộc điện đàm này chính là lần đối thoại tích cực nhất từ trước đến nay giữa lãnh đạo của hai nước có quan hệ "tồi tệ nhất".

Lạnh nhạt với đối tác

Cuộc điện đàm với người láng giềng Mexico diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto vừa hủy bỏ chuyến thăm Mỹ sau những tuyên bố về xây dựng hàng rào ngăn biên giới và tăng thuế nhập khẩu từ nước này của Washington.

Chủ đề chính của cuộc đối thoại vẫn là vấn đề người Mexico nhập cư trái phép vào Mỹ, dù được tiến hành trong không khí hữu nghị nhưng giữa hai bên đã xuất hiện những mâu thuẫn rõ rệt.

Còn trong cuộc đối thoại với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, ông Trump được cho đã tỏ rõ thái độ không hài lòng khi bất ngờ cúp máy giữa cuộc gọi và cho rằng đây là cuộc điện thoại "tồi tệ nhất cho đến giờ".

Dù sau đó, ông Turnbull đã lên tiếng "chữa cháy" và khẳng định cuộc điện đàm kết thúc một cách hết sức lịch thiệp thì dư luận và giới truyền thống vẫn dấy lên những tranh luận trái chiều.

Thờ ơ với châu Âu

Quan điểm của dư luận châu Âu thời gian qua chủ yếu cho rằng, ông chủ Nhà Trắng ít quan tâm đến vấn đề chính trị, an ninh và kinh tế của Liên minh châu Âu (EU).

Dù cho Thủ tướng Anh Theresa May là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên gặp mặt Tổng thống Trump hay việc ông Trump lần lượt điện đàm với lãnh đạo của ba nước trụ cột EU gồm Đức, Pháp và Ý thì chừng đó là chưa đủ để người dân EU tin vào một tương lai tươi sáng trong quan hệ với Mỹ, đặc biệt sau khi Trump ban hành sắc lệnh nhập cư.

Thận trọng với Trung Quốc

Kể từ khi chính thức lên nhậm chức lên nhậm chức (20/1), tân Tổng thống Mỹ đã có hàng loạt các cuộc điện đàm với nhiều nguyên thủ trên thế giới nhưng lại "bỏ qua" nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng mới đây đã gây bất ngờ cho dư luận và giới truyền thông khi gửi lời chúc tết Nguyên tiêu tới Bắc Kinh hôm 8/2 và  điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình vào sáng 10/2 (giờ Bắc Kinh).

Đây được coi là động thái làm giảm căng thẳng trước những bình luận nói rằng ông "lạnh nhạt" với người đồng cấp Trung Quốc thời gian qua.

Theo Đa chiều (Mỹ), lý do giải thích cho sự chậm trễ của cuộc điện đàm này có thể đến từ thái độ và lập trường về chính sách "một Trung Quốc" của ông Trump.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định rằng, "duy trì nguyên tắc 'một Trung Quốc' có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển quan hệ Trung-Mỹ".

Một số ý kiến cho rằng, cuộc điện đàm diễn ra đã gỡ thế bí, giúp quan hệ Trung-Mỹ dễ được dự đoán hơn trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại