Nghiến răng khi ngủ - thói quen làm phiền người xung quanh

BS.CKII. HOÀNG HẢI |

Không quá gây hại cho bản thân, tuy nhiên thói quen xấu khiến những người ngủ cùng phải khó chịu dẫn đến người mắc chứng nghiến răng cũng ái ngại tự ti.

Nghiến răng là thói quen cắn chặt hai hàm răng hoặc nghiến răng ra trước hay sang bên phải hay trái. Nghiến răng được xem là một thói quen xấu, thường không gây hại. Tuy nhiên trong một số trường hợp có thể có thể gây vấn đề cho sức khỏe răng miệng.

Người nghiến răng thường không biết và chỉ đi khám khi có người thân than phiền hoặc khi có biến chứng như hư hại răng, mô nha chu, khớp thái dương hàm, cơ hàm. Nghiến răng có thể xảy ra ở trẻ em cũng như người lớn, trên cả hai giới.

Nghiến răng khi ngủ - thói quen làm phiền người xung quanh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Những nguyên nhân

Nguyên nhân của nghiến răng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Một số nguyên nhân thường được đề cập nhiều như sau:

- Stress:

Hầu như nhiều nhà nghiên cứu cho là stress là nguyên nhân chính của tật nghiến răng lúc ngủ. Stress có thể gây rối loạn giấc ngủ và phản xạ co cơ nhai kéo răng hai hàm nghiến răng vào nhau vô ý thức và ngắt quãng.

Một số tác giả cho là nghiến răng là sự đáp ứng với stress đã diễn ra vào ban ngày, liên quan với những người làm việc căng thẳng, lo lắng, kìm nén, sợ hãi, sinh viên trong mùa thi…

Tuy nhiên một vài tác giả khác lại xem nghiến răng khi ngủ là chỉ một phản xạ vô ý thức của hệ thần kinh trung ương gây co cơ nhai, không liên quan gì với stress.

Cắn chặt răng cũng có thể xảy ra vào ban ngày trong khi tập trung làm việc, suy nghĩ, làm việc gắng sức như khiêng vác nặng hoặc giận dữ. Dần dần việc cắn chặt răng hoặc xiết chặt răng có liên quan đến cảm xúc này trở thành thói quen xấu.

- Yếu tố toàn thân:

Một số nghiên cứu cho thấy có mối liên quan trực tiếp giữa tắc nghẽn đường thở khi ngủ và nghiến răng lúc ngủ. Rối loạn giấc ngủ, khó thở khi ngủ, mất cân bằng hoạt chất trong não như thấp lượng serotonin trong não gây kích hoạt nghiến răng khi ngủ.

Trầm cảm, xúc động và mệt mỏi thể chất cũng làm gia tăng hay khởi phát lại tật nghiến răng hay cắn chặt răng, Sử dụng rượu, ma túy, caffein, thuốc chống trầm cảm, các thuốc có ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương được cho là yếu tố gây nghiến răng.

Bệnh nhân bị Parkinson hoặc Huntington có thể nghiến răng suốt ngày hay suốt đêm.

Nhiễm giun sán, ký sinh trùng đường ruột là nguyên nhân gây nghiến răng ở trẻ em. Ngoài ra nhiều yếu tố khác được nhắc đến như rối loạn dinh dưỡng, tiết niệu, nội tiết, thiếu vitamin, mất cân bằng enzyme…

- Yếu tố tại răng:

Một số nghiên cứu cho là xiết chặt răng là hoạt động của hệ thần kinh trung ương, còn nghiến răng ra trước hay qua phải, trái hầu như là hậu quả của chức năng răng không phù hợp như mối tương quan kém giữa răng, khớp cắn, tương quan giữa hai hàm và những phần khác của bộ máy nhai - đường thở, sự ổn định hàm khi nuốt và nền sọ.

Một hoặc vài điểm không hài hòa giữa hai hàm răng có thể tạo điểm khởi phát nghiến và dần thành thói quen.

Trẻ em khi mọc răng có cảm giác ngứa nướu gây thích nghiến răng. Răng trên, dưới trong quá trình mọc có tiếp xúc chưa hoàn hảo gây cho trẻ nghiến răng để tìm sự hài hòa hai hàm.

Những phiền toái

Kiều, tần số, lực nghiến, tính chất của thói quen nghiến răng, độ cứng của men răng và khả năng thích ứng của mỗi người sẽ quyết định một số hậu quả sau:

- Hư hại răng:

Cấu trúc bị ảnh hưởng đầu tiên dĩ nhiên là răng. Khi răng trên và dưới nghiến vào nhau với lực mạnh gấp nhiều lần so với lực nhai và nuốt sẽ gây hư hại cho bề mặt răng như mòn răng, nứt răng, gãy răng, ê buốt răng với thức ăn lạnh, chua, nóng. Ngoài ra nghiến răng với lực mạnh có thể làm thương tổn mô nha chu tiến triển và răng lung lay.

Nghiến răng lâu ngày làm răng mòn và trở nên sắc nhọn, kêu kót két khi nhai. Lúc đó người nghiến răng sẽ cố gắng thay đổi cách nhai để sử dụng những phần răng không bị hư hại. Điều này ảnh hưởng đến vấn đề nhai và cảm giác ngon miệng.

- Đau đầu, đau mặt mạn tính:

Sự co cơ trong thời gian dài do nghiến răng gây ứ đọng các sản phẩm chuyển hóa của quá trình trao đổi chất trong mô cơ, gây nên các triệu chứng mỏi, đau và co thắt. Ngoài ra đau đầu thường kết hợp với stress, và stress là nguyên nhân chính của nghiến răng gây hậu quả nhức đầu nhiều hơn.

Sau một thời gian hoạt động quá mức, hệ thống cơ có thể có biểu hiện tăng khối lượng, tăng trương lực cơ. Lúc đó cơ má sẽ to ra ở một bên hay hai bên. Hơn nữa lực căng cơ lâu dài gây nếp nhăn trên da hoặc làm da mặt chảy xệ xuống.

- Rối loạn khớp thái dương hàm:

Nghiến răng thường xuyên với lực quá mức có thể đưa đến sự thay đổi và rối loạn cấu trúc mô khớp. Cắn chặt răng thường chỉ gây đau cơ và ít gây ra nhiều vấn đề khác. Nghiến răng có thể gây đau và hư hại khớp hàm, đau cơ như đau đầu, đau cổ, đau mặt, đôi khi khó nuốt và ư hại răng, khớp cắn.

Nghiến răng khi ngủ - thói quen làm phiền người xung quanh - Ảnh 2.

Khí cụ bảo vệ răng bằng cao su bán sẵn được đeo khi ngủ

Điều trị

Việc điều trị nghiến răng phụ thuộc vào yếu tố gây bệnh. Việc co thắt thường xuyên của các cơ nâng hàm có thể gây lực quá tải cho răng, cấu trúc nâng đỡ răng, và khớp thái dương hàm. Tuy nhiên nếu các lực tuy thường xuyên nhưng được phân bố đồng đều trong quá trình tiếp xúc răng - răng có thể ít gây hư hại cho các thành phần của bộ máy nhai. Nói cách khác tật nghiến răng trong một số trường hợp có thể đem lại nhiều mức độ hư hại khác nhau cho một hoặc vài cấu trúc nêu trên.

Ở trẻ em ít đặt vấn đề điều trị nghiến răng, vì thói quen này liên quan đến vấn đề tăng trưởng và phát triển. Tương tự vấn đề điều trị cho người lớn ít được đề nghị trừ các trường hợp có hư hại cho một hoặc vài thành phần của bộ máy nhai.

- Xử lý stress:

Sau khi thăm khám và trao đổi một số câu hỏi, nếu bác sĩ cho vấn đề stress là nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể chuyển bệnh nhân đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để kiểm soát và giải tỏa stress..

- Dùng các dụng cụ bảo vệ răng:

Khí cụ bảo vệ răng bằng cao su bán sẵn được đeo khi ngủ. Tuy nhiên ở một số người khí cụ có thể rơi ra khi ngủ say. Máng nhai được xem là hiệu quả trong giảm nghiến răng nhờ loại bỏ tiếp xúc quá mức và tạo sự nâng đỡ hàm tốt nhất với sự tiếp xúc trên bề mặt nhai láng và nhẵn với các răng ở hàm đối diện. Máng nhai nếu làm đúng kỹ thuật và điều chỉnh tốt trong từng buổi hẹn tái khám có thể giúp giảm đau, ổn định khớp hàm và cơ nhai, và cuối cùng giúp xác định nguyên nhân của thói quen gây hại này.

- Điều trị răng:

Mài chỉnh khớp cắn được cho là hiệu quả cao trong điều trị hoạt động cận chức năng này. Ở một số người thậm chí một tiếp xúc chạm sớm nhẹ trên răng cũng đủ gây nên sự co thắt của cơ chân bướm ngoài và gây mất đồng bộ hoạt động cơ nâng hàm.Việc loại trừ những yếu tố gây cản trở khớp cắn một cách tỉ mỉ và cẩn thận giúp các bề mặt răng ăn khớp vào nhau hài hòa giúp ổn định cơ và khớp hàm và có thể làm biến mgiảm nghiến răng.

Ngoài ra việc trám răng, bọc mão, làm phục hình răng để tái tạo lại bề mặt nhai tốt hơn và giảm do nhạy cảm ê buốt răng. Tuy nhiên các điều trị này với mục đích điều trị các hư hỏng răng do nghiến răng gây ra, nhưng không bảo đảm chắc chắn loại trừ hẳn thói quen nghiến răng. Chỉnh nha cũng giúp cải thiện tương quan giữa hai hàm.

- Thay đổi thói quen:

Để tránh thói quen siết chặt răng hoặc nghiến răng, ban ngày có thể tập thói quen đặt nhẹ đầu lưỡi giữa hai hàm răng khi nuốt và khi nghỉ (khi không nhai). Lâu dần động tác này sẽ trở thành thói quen hay nói cách khác là một hoạt động vô thức để từ bỏ thói quen nghiến răng.

Ngoài ra nên tránh hoặc giảm bớt những thức ăn, nước uống chứa caffeine như cà phê, sôcôla, rượu. Nhiều nghiên cứu cho thấy nghiến tăng lên sau khi dùng rượu bia. Không nên nhai bút viết, hoặc bất cứ vật gì không phải là thức ăn. Khi bị nghiến răng nên tránh nhai kẹo gôm (chewing gum) vì làm tăng sự cắn chặt răng và thói quen nghiến răng. Có thể thư giãn các cơ hàm bằng cách đắp nước ấm lên vùng má phía trước tai.

- Sử dụng thuốc:

Điều trị các triệu chứng để làm giảm đau cấp ở cơ và khớp, điều trị chống co thắt cơ… là những đòi hỏi thường gặp. Nghiến răng là thói quen không tốt, được điều trị khi có hư hại các yếu tố của bộ máy nhai. Có nhiều nguyên nhân gây nghiến răng, nhưng cho dù là do nguyên nhân nào việc điều trị sẽ hiệu quả nhất khi tạo tương quan hoàn hảo giữa hai hàm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại