Nghịch lý giao thông Hà Nội: Tắc đường dân kêu, cấm xe dân… than!

Tuấn Minh |

7h sáng, cầu Diễn, nằm trên trục đường quốc lộ 32 – một tuyến đường được xếp vào loại rộng ở Hà Nội, người và xe chen nhau nhích từng chút. Từ 2 năm nay, khi lòng đường bị quây tôn để xây dựng đường sắt đô thị thì cảnh ùn tắc xảy ra triền miên…

Có lẽ đến thời điểm này việc tắc đường đã trở nên quá quen thuộc với người dân ở Hà Nội.

Sở dĩ nói quen thuộc bởi nhiều người gần như đã nắm trong lòng bàn tay giờ nào ra đường thì bị tắc và đi tuyến phố nào thì có thể tránh được tắc đường.

Nỗi sợ hãi cảnh ùn tắc ở Hà Nội hiện nay đã không chỉ bó hẹp trong phạm vi thành phố mà đã lan sang cả nước ngoài khi các báo nước ngoài liên tục đăng những bài, ảnh về cảnh tắc đường kinh hoàng ở Thủ đô.

Trước vấn nạn trên, hàng chục năm nay, Hà Nội đã có nhiều biện pháp để hạ nhiệt tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Có thể thấy, sau những giải pháp đã được triển khai: “bịt ngã tư”, phân làn đường, xén vỉa hè mở rộng lòng đường, xây cầu vượt bằng thép tại các ngã tư… tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội có lúc, có nơi đã có chuyển biến.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trong khi hạ tầng giao thông của Thủ đô không được mở rộng và nhiều tuyến đường bị quây lại phục vụ xây dựng công trình đường sắt trên cao, cộng với tốc độ gia tăng chóng mặt của phương tiện cá nhân đã khiến hàng loạt tuyến phố của Hà Nội rơi vào cảnh ùn tắc kéo dài.

Từ 2 năm nay, sau khi lòng đường bị quây tôn để xây dựng đường sắt trên cao tuyến Nhổn – Ga Hà Nội, chỉ khoảng 4km đường từ Hồ Tùng Mậu – cầu Diễn (nằm trên quốc lộ 32 – một trong những tuyến đường được liệt vào dạng rộng của Hà Nội), xuất hiện 4-5 điểm ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm.

Hôm nào cũng vậy, mới 7 giờ sáng, tại khu vực cầu Diễn, người và xe chen nhau chật ních nhích từng chút ở cả dưới lòng đường và trên vỉa hè.

Mặc dù tại điểm cầu này, sáng nào cũng có 3-4 Cảnh sát giao thông, công an phường vất vả phân làn, điều tiết giao thông nhưng ùn tắc vẫn kéo dài hàng km.

Không chỉ có vậy, đã nhiều tháng nay, các tuyến đường: Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Sơn Tây, Chùa Bộc, Thái Hà, Nguyễn Trãi, Giải Phóng… cũng đều rơi vào cảnh ùn tắc kéo dài.

Tại các tuyến đường này, đầu giờ sáng, cuối giờ chiều, người và xe lại chen nhau nhích từng chút. Mặt ai cũng nhăn nhó, cố gắng điều khiển chiếc xe nhích từng chút.

Mặc dù, ra đường cứ bị ùn tắc thì người dân lại kêu, nhưng khi cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp cấm xe cá nhân để giải quyết tình trạng trên thì đều vấp phải sự ca thán, phản ứng của người dân và dư luận.

Đây được xem như một nghịch lý của giao thông ở Hà Nội.

Còn nhớ năm 2003, trước tình trạng số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng mạnh, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở khu vực nội đô, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra phương án hạn chế phương tiện cá nhân bằng quy định xe máy đi vào ngày chẵn/lẻ theo số cuối của biển số.

Riêng thứ Bảy, Chủ nhật lưu thông bình thường. Tuy nhiên, quy định này đã nhanh chóng bị “chết yểu” do không nhận được sự đồng thuận từ dư luận.

Sau giải pháp chẵn, lẻ do cơ quan chức năng đưa ra chết yểu, một số chuyên gia giao thông và người dân Thủ đô đã đưa ra các giải pháp “cấm xe máy ở nội đô theo giờ”, “cấm ô tô 5x5”…để góp phần giải bài toán ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, các đề xuất này cũng không thể thực hiện vì bị dư luận phản đối kịch liệt.

Mới đây, trước sức ép của tình trạng ùn tắc giao thông sắp diễn ra trong những năm tới, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với Viện Phát triển Chiến lược giao thông (Bộ GTVT) dự thảo đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố", trong đó đưa ra giải pháp cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội thành theo 3 giai đoạn.

Mặc dù mới được chắp bút để lấy ý kiến nhà khoa học, chuyên gia nhưng khi được báo chí đăng tải, đề án đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận, buộc Sở GTVT và Viện Phát triển Chiến lược giao thông phải lên tiếng giải thích và có điều chỉnh.

Vậy thì, các nhà quản lý cần làm gì để hạn chế tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông ở Thủ đô? Hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt xe máy có thực sự là một giải pháp tốt? Và nếu muốn cấm thì Hà Nội phải giải quyết các vấn đề gì song song đó.

Mời bạn đọc theo dõi Bài tiếp theo: Cấm xe máy vào nội đô, Hà Nội cần làm gì?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại