Nghề xe ôm đêm và những nguy hiểm rình rập

Mạnh Đức - Mã Hải |

Những đối tượng thực hiện hành vi cướp xe ôm, dù biết các bác tài không có bao nhiêu tài sản trên người, “cần câu cơm” là chiếc xe gắn máy dù có cướp được đem bán cũng chẳng có giá trị lớn nhưng vẫn nhằm vào những nạn nhân này.

Bỡi lẽ, vì mưu sinh, vì miếng cơm manh áo cho gia đình nên các bác tài bất chấp mưa gió hay đêm tối, vẫn chạy khi khách yêu cầu. Nhắm vào tâm lý trên, bọn chúng thường tìm cách “điều” các bác tài đến những chỗ vắng để ra tay.

Qua nhiều vụ giết người, cướp xe ôm, đã đến lúc các bác tài cần có biện pháp tự bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, không vì một cuốc xe trong đêm tối mà bán mạng cho các đối tượng xấu.

Giả chết để tự cứu lấy mạng sống

Vết thương trên ngực và vùng hông vừa mới được phẫu thuật vẫn còn đau nhức nhưng bác xe ôm già Nguyễn Văn Phước, năm nay đã 65 tuổi, quê Trà Vinh, tạm trú quận 6, TP Hồ Chí Minh phải “xin” bệnh viện về nhà tự chữa trị vì gia cảnh khó khăn.

Trong căn phòng trọ ọp ẹp rộng chưa đầy 6m2, ông Phước được người vợ già lau rửa vết thương theo chỉ dẫn của bác sĩ. “Khổ lắm các anh ạ! Có cái cần câu cơm chạy kiếm tiền để hai vợ chồng già sống qua ngày vậy mà cũng bị tụi nó cướp mất.

Nhưng vẫn còn may là giữ lại được mạng sống. Nếu lúc ấy tôi không giả đò chết để hai thằng cướp không đâm tiếp thì chắc giờ này tôi… không còn ở đây nữa rồi!”- ông Phước buồn rầu.

Vẫn còn rùng mình khi kể lại cái đêm bị cướp kinh hoàng trên, ông Phước kể, cả ngày ngồi đón khách tại công viên Phú Lâm (quận 6) nhưng không có ai kêu xe nên ông Phước ráng nán lại để tìm cuốc cuối cùng rồi về nhà nghỉ.

Khoảng 1 giờ 45 phút ngày 13-4, hai thanh niên tìm tới yêu cầu ông Phước chở về khu Tên Lửa (quận Bình Tân). Dù thấy nghi nghi nhưng ông Phước vẫn bấm bụng chạy.

Hai thanh niên điều ông Phước chạy lòng vòng quanh khu vực Tên lửa và hai lần kêu ông Phước dừng lại rồi mượn điện thoại của ông gọi cho người nhà hỏi địa chỉ.

Đến lần thứ 3, khi đến đường số 8, phường An Lạc A, Bình Tân, hai đối tượng mượn điện thoại ông Phước gọi và cho biết đã tìm thấy nhà người thân ở cuối đường số 8 và kêu ông Phước chở vào sẽ bo thêm tiền.

Thấy con đường tối om, ông Phước không đồng ý mà xin tiền để về nhưng 2 đối tượng không đưa tiền buộc ông Phước phải tiếp tục chạy.

Khi vừa dừng xe ở cuối hẻm, một đối tượng kẹp cổ và dùng dao đâm một nhát trúng ngực ông Phước, nhát thứ 2, đối tượng thủ ác cố tình đâm vào hông của ông.

Đường tối, vắng người, biết rằng nếu truy hô sẽ bị 2 đối tượng lấy mạng nên ông Phước cắn răng im lặng giả vờ chết mặc cho máu từ 2 vết thương tuôn ra.

Thấy ông Phước bất động, 2 đối tượng lục người lấy tài sản rồi leo lên xe của ông tẩu thoát. Sau khi chờ 2 đối tượng đã đi xa, ông Phước mới ôm vết thương cố lết ra đường kêu cứu.

Từ lúc ông Phước bị cướp đâm trọng thương, bà Dương Thị Lẽ, năm nay cũng đã 55 tuổi, vợ ông Phước đã nghỉ công việc làm gia công ở nhà chăm sóc chồng.

Bà Lẽ kể, bà đến với ông Phước khi đã trải qua một lần đò. Hai người về sống chung với nhau tại căn phòng trọ tồi tàn chưa đầy 6m² với giá 700 ngàn đồng.

Ông Phước chạy xích lô còn bà Lẽ đi làm gia công cho một xưởng gần phòng trọ. Năm 2008, xích lô bị cấm chạy, ông Phước gom góp mua chiếc xe Trung Quốc giá 3,5 triệu để hành nghề xe ôm.

Chiếc cần câu cơm già nua “đua” không lại các xe khác nên ông Phước chọn chạy xe vào ban đêm để phụ bà Lẽ tiền cơm gạo.

“Có lẽ giờ vợ chồng tôi không mong gì hơn là có chiếc xe gắn máy khác, cũ cũng được để kiếm sống qua ngày! Chạy ban đêm biết khó tránh khỏi cướp nhưng lần này có chạy tôi cũng phải chú ý đến khách chứ không phải cứ trả giá cao là chạy” - Ông Phước thổ lộ.

Xe ôm đêm – nghề nguy hiểm!

Những vụ án cướp xe ôm xảy ra trong thời gian gần đây các đối tượng ra tay khá liều lĩnh với ý đồ tước đi mạng sống của người khác để cướp tài sản, trong khi cần câu cơm của các bác tài chạy đêm dù có cướp được đem bán cũng chẳng đáng bao nhiêu tiền.

Vậy vì sao các đối tượng cướp, giết người lại nhắm vào đối tượng chạy xe ôm?

Cũng vừa thoát khỏi lưỡi dao của đối tượng cướp xe, ông Võ Văn Hùng (55 tuổi, ngụ Thủ Đức) cho rằng:

“Chỉ có những con nghiện vã thuốc mới nhắm vào người chạy xe ôm như tôi để cướp. Chứ trong người tụi tôi nào có mấy tiền? Chiếc xe cướp được đem đi bán chỉ vài trăm đến 1 triệu là cùng!”.


Bác tài xe ôm Hùng vẫn còn rùng mình sau vụ cướp hụt.

Bác tài xe ôm Hùng vẫn còn rùng mình sau vụ cướp hụt.

Ôm vết thương trên cổ vừa được khâu 20 mũi, thuật lại câu chuyện bị cướp, ông Hùng bất giác rùng mình. Cũng may nhờ nhanh trí, ông Hùng khi bị khống chế giật chiếc chìa khóa xe ném đi và truy hô nên tên cướp không lấy được xe phải nhảy xuống sông bỏ trốn.

Ông Hùng kể, do mới đưa xe ra đậu, có khách mở hàng nên ông Hùng mới chạy. Đối tượng khoảng 30 tuổi, người nhỏ con nhìn như dân nghiện nhưng thấy nói chở về cầu Rạch Chiếc (đoạn đường nhiều phương tiện qua lại) nên ông Hùng an tâm chở.


Hiện trường nơi xảy ra vụ cướp xe ôm ở quận 9.

Hiện trường nơi xảy ra vụ cướp xe ôm ở quận 9.

Đến cầu Rạch Chiếc (phường Phước Long A, quận 9) đối tượng nhờ ông chở vào khu dân cư Saka - Bắc Rạch Chiếc và dừng trước một ngôi biệt thự trên con đường số 4 vẳng vẻ.

Khi vừa tắt máy xe để lấy tiền công bất giác đối tượng từ phía sau giật tóc lật ngược đầu ông ra phía sau và cầm con dao sắc lẹm cứa vào cổ.

Ông Hùng vùng vẫy khiến cả hai ngã khỏi xe. Biết gặp phải cướp, ông Hùng cố rút chìa khóa ném đi và ôm vết thương bỏ chạy kêu cứu.

Người dân trong khu dân cư chạy ra, đối tượng hoảng hốt chạy bộ xuống mé sông rồi nhảy xuống bơi đi mất dạng trong màn đêm...

Hàng loạt vụ giết người cướp tài sản nhắm vào những người chạy xe ôm vừa được Công an quận Bình Tân triệt phá, trong đó 2 đối tượng chính là Nguyễn Văn Cường, năm nay 27 tuổi, quê quán Bến Tre và Lê Hoàng Anh Vũ mới 19 tuổi, quê quán Thừa Thiên-Huế.

Cả hai đều là dân bụi đời và nghiện ma túy.

Chỉ trong thời gian ngắn, để thỏa mãn với những cơn phê ma túy, 2 đối tượng đã gây ra hàng loạt vụ cướp xe ôm, trong đó một nạn nhân xấu số là anh Trần Đình Cuộc ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh đã không qua khỏi.

Nạn nhân may mắn thoát khỏi lưỡi dao tử thần của 2 đối tượng là ông Hứa Văn Sỹ, 59 tuổi, ngụ quận 6, Tp Hồ Chí Minh.

Lần ấy, ông Sỹ đang đứng đón khách tại khu vực công viên Phú Lâm (quận 6) thì 2 đối tượng đến yêu cầu ông Sỹ chở về ngã tư Gò Mây, quận Bình Tân. Sau khi thỏa thuận giá cả, ông Sỹ chở hai đối tượng lưu thông trên QL1A, đến đoạn thuộc phường Bình Hưng Hòa B, Bình Tân, một trong 2 đối tượng kêu ông Sỹ dừng xe để đi tiểu.

Khi ông Sỹ vừa dừng xe thì một trong 2 đối tượng đã sử dụng hung khí tấn công ông Sỹ. Ông Sỹ ôm vết thương bỏ chạy và kêu cứu. Sợ bị lộ, 2 đối tượng bỏ xe chạy bộ thoát thân.

Tự cứu mình trước khi được cứu

Rất nhiều nạn nhân là các bác tài hành nghề xe ôm tại Công viên Phú Lâm (quận 6). Ông H, một tài xế xe ôm ở đây cho hay:

“Nhiều lần hành nghề đêm ở đây tôi được mấy đối tượng kêu chở đi xa nhưng nhìn bộ dạng của chúng tôi nghi chúng “phê” ma túy nên không nhận chở.

Chúng viện các lý do về nhà người thân để xin tiền tiêu xài khiến tôi càng nghi ngờ hơn. Bởi vậy cứ thấy “khách” nào có dấu hiệu khả nghi là tôi từ chối, dù chúng trả tiền cao hơn bình thường. Được vài đồng mà mất mạng không đáng!”.


Hai đối tượng gây ra hàng loạt vụ cướp xe ôm, nạn nhân đa phần là các bác tài hành nghề ở công viên Phú Lâm, quận 6.

Hai đối tượng gây ra hàng loạt vụ cướp xe ôm, nạn nhân đa phần là các bác tài hành nghề ở công viên Phú Lâm, quận 6.

Cũng theo ông H., Công viên Phú Lâm thời gian gần đây được chỉnh trang sáng sủa hơn nên nhiều bác tài xe ôm thường đến đây đón khách.

Khách ở đây đa phần là những người bắt xe để về Bến xe Miền Tây hay vừa xuống xe muốn tìm chỗ nghỉ chân, hoặc chở về nhà bà con ở khu quận 6, Bình Tân, Bình Chánh, quận 5…

Bởi vậy, nhiều lúc các bác tài cảnh giác các đối tượng nghiện hút nhưng vẫn bị lầm bởi nhiều đối tượng cướp giật dưới bộ dạng của khách vừa xuống xe, balô, túi xách lỉnh kỉnh nhờ chở về nhà người thân rồi ra tay cướp.

“Có cảnh giác mấy thì cũng hên xui thôi! Xui thì dính!” - ông H. cho biết.

Ông Lộc cũng ngụ quận 6, hành nghề xe ôm được hơn 15 năm nay cho hay, khung giờ mà các đối tượng cướp nhằm vào các tài xế xe ôm thường vào buổi trưa, đêm khuya và lúc rạng sáng bởi lúc này các bác tài muốn kiếm cuốc xe cuối để về nhà nghỉ ngơi, trong khi đó đường phố lại vắng vẻ dễ bề hành động.

“Dường như không có công thức chung nào để nhận diện đối tượng cướp xe ôm. Đa phần chỉ dựa vào linh cảm của mình là chính.

Có nhiều người ăn mặc nhếch nhác nhưng rất đàng hoàng, có người ăn mặc chỉn chu, quần áo, tóc tai gọn gàng nhìn như trí thức nhưng thực chất là là các đối tượng cướp giật giả dạng.

Bởi vậy, đa phần anh em chạy xe đều tự nâng cao ý thức cảnh giác là chính. Còn chuyện xui rủi, trời kêu ai nấy dạ!” - Ông Lộc bộc bạch.

Còn người thì mới còn của

Một trinh sát Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH-Công an TP Hồ Chí Minh cho hay, đa phần các đối tượng cướp tài sản nhắm vào người chạy xe ôm đều là các đối tượng túng quẫn, nghiện ma túy, cá độ, nghiện game cho nên khi thực hiện hành vi cướp, các đối tượng chỉ nảy ra ý định trong thời gian ngắn.

“Chủ yếu là chúng muốn cướp tài sản nhưng thường có tâm lý sợ bị lộ nên ra tay sát hại nạn nhân”.

Để đảm bảo an toàn cho tính mạng của mình, tài xế xe ôm cần cảnh giác với những đối tượng nghi vấn nghiện hút, có biểu hiện thất thường khi đặt vấn đề đi xe.

Nếu lỡ nhận khách rồi, cần phải quan sát biểu hiện của đối tượng trên đường đi, nếu thấy bất ổn hoặc bị khống chế từ phía sau, cần phải thắng gấp hoặc giả bộ ngã xe, cốt là để đối tượng càng sớm từ bỏ ý định ban đầu càng tốt.

Sau khi thoát được lưỡi dao hoặc hung khí khống chế của đối tượng hãy kêu cứu. Càng hoảng hốt càng khiến đối tượng dễ manh động bởi tâm lý chung của những tên kẻ cướp là bao giờ cũng muốn mọi sự trở nên nhanh gọn, tránh sự chú ý của mọi người.

Chạy xe ôm, nhất là xe ôm ban đêm là nghề mưu sinh của nhiều người lao động nhưng cũng là một nghề tiềm ẩn mối nguy hiểm, rủi ro cao.

Người hành nghề xe ôm thường phải đáp ứng nhu cầu của khách cho nên khó có thể nhận biết đâu là khách, đâu là các đối tượng đang có động cơ gây án giết người cướp tài sản.

Đa phần những đối tượng nhắm vào các bác tài xe ôm khi bị bắt đều là các con nghiện.

Bởi vậy, trong cuộc họp mới đây nhất tại TP Hồ Chí Minh, Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho hay, trong quí I năm 2016, nhìn chung là các vụ án hình sự giảm nhưng những vụ án xâm phạm tài sản trên đường phố vẫn còn tương đối cao, tội phạm xâm phạm thân nhân như giết người có chiều hướng gia tăng, đối tượng gây án ngày càng trẻ hóa và đa phần là con nghiện.

Trước tình trạng trên, Công an TP Hồ Chí Minh ngoài việc tăng cường công tác tuần tra mật phục, truy bắt thì còn phối hợp với các ban ngành địa phương tiến hành tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong công tác đấu tranh chống tội phạm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại