Nghệ An: Chủ tịch huyện cũng bức xúc vụ "dân còng lưng gánh quỹ"

Ngọc Tú |

"Nhiều người rất bức xúc và kể cả tôi cũng bức xúc. Lãnh đạo tỉnh cũng rất bức xúc. Huyện đã cho kiểm tra và sẽ làm nhanh có kết quả sớm để chấn chỉnh, khắc phục".

> Mời xem cả loạt bài dân nghèo Nghệ An "còng lưng gánhh quỹ" TẠI ĐÂY

Chủ tịch huyện bức xúc khi xã thu của cả người tàn tật

Liên quan đến thông tin nhiều hộ dân xã Nghi Thái (Nghi Lộc, Nghệ An) "còng lưng" gánh nhiều loại quỹ cao, chiều 20/8, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết, hiện huyện đã nhận được chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An để kiểm tra làm rõ.

Theo đó, cùng ngày, sau khi nhận được phản ánh từ Báo điện tử Trí Thức Trẻ về loạt bài phản ánh người dân khốn đốn khi phải đóng hàng loạt loại phí, quỹ, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An - Nguyễn Đắc Vinh đã chỉ đạo huyện Nghi Lộc lập tức kiểm tra để xử lý vấn đề Báo nêu.

Nghệ An: Chủ tịch huyện cũng bức xúc vụ dân còng lưng gánh quỹ - Ảnh 1.

Tờ phương án các khoản thu đóng góp hàng năm của 1 hộ gia đình ở xóm Thái Học với khoảng 23 khoản thu các loại.

Ông Dũng cho biết thêm, trước đó nhiều ngày phía huyện cũng đã nhận được thông tin phản ánh tình trạng thu chi của các xã trên địa bàn toàn huyện nên đã lập đoàn thanh tra kiểm tra chung về những vấn đề thu, chi và những vấn đề liên quan khác của nông thôn mới...

"Chúng tôi đã nhận được chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ. Trước đó thì nhận được chỉ đạo của tỉnh nên huyện cũng đã thành lập đoàn tổng kiểm tra các xã trên địa bàn huyện chứ không riêng gì mỗi Nghi Thái. Liên quan đến cả nông thôn mới, huy động dân và nhiều vấn đề khác nữa.

Xin cảm ơn những phản ánh đúng của Báo về tình trạng thu tại xã Nghi Thái. Hiện tại, huyện sẽ giao cho ngạch chức năng kiểm tra lại toàn bộ các khoản thu, rà xoát lại xem khoản nào cấp trên quy định, khoản nào cấp xã quy định, khoản nào do xóm quy định.

Kiểm tra xem cái nào tuân thủ chuẩn theo hướng dẫn. Ví dụ cái nào huy động thông qua dân chủ... có nghị quyết hội đồng. cái nào thì theo của xóm", ông Dũng thông tin.

Nghệ An: Chủ tịch huyện cũng bức xúc vụ dân còng lưng gánh quỹ - Ảnh 2.

Cuốn sổ theo dõi được ban hành để theo dõi quá trình đóng góp của dân. Nếu chưa đóng đủ, một số giao dịch của người dân với xã sẽ gặp khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã phản ánh trước đó về việc nhiều xóm thu của cả những người tàn tật, những người mù và những người già cả, đau yếu, ông Dũng khẳng định sẽ cho kiểm tra lại, nếu thu sai sẽ phải trả lại cho người dân.

"Nếu như có những vấn đề như Báo nêu thì theo anh nghĩ là không nên và cũng thấy rất phản cảm.

Nhiều người rất bức xúc và kể cả tôi cũng bức xúc. Lãnh đạo tỉnh cũng rất bức xúc. Huyện đã cho kiểm tra và sẽ làm nhanh có kết quả sớm để chấn chỉnh, khắc phục. Thu sai sẽ phải trả lại.

Chúng tôi cũng đã giao cho các ngạch chức năng để kiểm tra. Cái gì sai phải sửa và có vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm theo pháp luật chứ không để thế được", ông Dũng chia sẻ.

Nghệ An: Chủ tịch huyện cũng bức xúc vụ dân còng lưng gánh quỹ - Ảnh 3.

Nhiều người sống đơn thân nghèo khó nhưng vẫn phải "còng lưng gánh quỹ"

"Đại hội tới tôi đề xuất để xã thu chứ xóm không thu khoản nào nữa!"

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hà - Xóm trưởng xóm Thái Học (xã Nghi Thái) cho biết, những ngày qua ông cũng đã đọc báo phản ánh về tình trạng thu tại xóm cũng như xã mình.

Tuy nhiên, ông Hà cho biết ông chưa khi nào nhận được phản ánh của người dân về việc "không đủ sức" đóng các khoản quỹ, phí. Vì "Nếu như hộ nào chưa nộp thì họ nợ lại chứ có ai phản ánh gì đâu?!" - ông Hà phân trần.

Nói về những khoản do xóm đề ra thu, ông Hà cho biết, những khoản thu này đều được dân bàn bạc, còn xóm chỉ như "trọng tài" thu tiền để trả giúp công việc xóm mà thôi.

Nghệ An: Chủ tịch huyện cũng bức xúc vụ dân còng lưng gánh quỹ - Ảnh 4.

Gia đình ông Sửu đã nợ chính quyền gần 10 triệu đồng của nhiều năm chưa đóng góp các khoản quỹ, phí.

"Cứ 2 năm một nhiệm kỳ, trước khi đại hội thì xóm trình ra hoặc dân đề nghị, có những khoản thu như xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường cho dân đi, làm mương.

Sau đó dân bàn đề xuất thu mỗi hộ bao nhiêu tiền đó. Xóm chỉ là trọng tài thu tiền, trả hộ cho họ.

Đến kỳ đại hội mới sẽ tiếp tục họp rồi trình ra để bàn xem dừng hay thu tiếp. Đóng góp ở xóm thì 1 hộ là 300 nghìn đồng", ông Hà thông tin.

Chia sẻ về hộ anh Vương Đình Dùng thuộc diện bảo trợ xã hội, tàn tật, 1 mình nuôi con nhưng vẫn phải đóng nhiều loại quỹ cao, ông Hà cho biết anh Dũng thuộc đối tượng bảo trợ xã hội nên được miễn một số khoản.

Tuy nhiên, khi PV liệt kê ra loạt danh sách tiền quỹ, phí của xóm và xã mà anh Dũng phải đóng lên đến gần 1 triệu đồng, ông Hà cho biết, anh Dũng là người tàn tật nên chỉ được miễn các khoản của người tàn tật còn các khoản khác vẫn phải đóng.

Nghệ An: Chủ tịch huyện cũng bức xúc vụ dân còng lưng gánh quỹ - Ảnh 5.

Anh Dũng tàn tật, sống một mình nuôi con còn nhỏ nhưng hàng năm vẫ phải đóng gần 1 triệu đồng tiền quỹ, phí của xóm và xã.

Khi PV hỏi về khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã anh Dũng được miễn, nhưng tại sao ở xóm không được miễn, ông Hà cho biết do đất đai của anh Dũng cũng như những người khác và hưởng lợi như nhau.

"Ở trên xã, chế độ bảo trợ và theo chương trình hội đồng họp bàn rồi họ quyết miễn chứ dưới xóm không có chương trình đó nên chịu.

Lúc họp không ai đề ra miễn. Nếu họ đề ra miễn mà mình không miễn thì mình sai, còn mà không đề ra miễn mà mình không thu đúng thì mình lại có tội?!

Trước khi vào vụ thu các khoản đóng góp thì xóm phải làm phương án báo cáo ra trước mặt trận rồi chi bộ, rồi trước dân. Dân nhất trí thì sẽ làm phương án cho họ đối chiếu 5 đến 7 ngày.

Khi họ nhất trí các khoản thì họ sẽ đến nộp, còn không đúng thì họ đến họ thắc mắc", ông Hà phân trần việc thu các loại quỹ, phí của anh Dũng như những người bình thường, lành lặn khác và cũng do không có người đề xuất miễn nên anh Dũng phải nộp quỹ bình thường.

Nghệ An: Chủ tịch huyện cũng bức xúc vụ dân còng lưng gánh quỹ - Ảnh 6.

Do không đủ tiền đóng nên năm nào anh Dũng cũng phải ký nợ chính quyền.

Riêng về hộ anh Trần Văn Tình bị ung thư phải đi viện chữa trị cả tháng trời không thể làm ăn, ông Hà cho biết gia đình anh Tình mới phát bệnh vào năm nay nên chưa kịp đề xuất để miễn giảm. Sắp tới sẽ căn cứ để đề xuất miễn giảm vì theo ông Hà thì "đau ốm ai thu làm gì?!".

Khi PV hỏi về khoản thu tiền "Chế độ gián tiếp cán bộ" mà người dân hiểu là đóng tiền để "trả lương", "nuôi" cán bộ xóm, ông Hà cho biết mỗi năm xóm thu khoản này được từ 22-23 triệu đồng.

Ông Hà giải thích, do cán bộ ở xóm Thái Học có khoảng 20 người thường xuyên phải đảm nhiệm nhiều công việc. Tuy nhiên, chỉ 8 người trong số đó được nhận trợ cấp từ cấp trên với hơn 1 triệu đồng/1 tháng.

Còn lại 12 cán bộ không có phụ cấp nên xóm đã thu tiền này để hỗ trợ thêm cho cán bộ làm việc không có hỗ trợ và phụ cấp thêm cho các cán bộ khác.

"Một đơn vị xóm rộng lớn mà hoạt động thì thường xuyên như 1 chính quyền thu nhỏ.

Cấp phó trở xuống hoạt động cả năm trời việc gì cũng phải làm, ma chay hiếu hỉ mà không có tiền thì không làm được việc.

Nên thu để trích 1 tháng cho họ ít chục để trả công cho họ", ông Hà phân trần về khoản thu gián tiếp cán bộ nhưng ông cũng thừa nhận phải nên miễn cho các đối tượng tàn tật, cụ già và trẻ nhỏ.

Nghệ An: Chủ tịch huyện cũng bức xúc vụ dân còng lưng gánh quỹ - Ảnh 7.

Trong khi thuộc diện người cao tuổi nhưng cụ Lâm vẫn phải đóng tiền phụng dưỡng người cao tuổi.

Tuy nhiên, ông Hà cho biết việc miễn hay không còn phụ thuộc vào dân đề nghị và bàn bạc. "Quan điểm tôi là miễn là đúng. Tàn tật, người già thì miễn là đúng, họ làm gì ra tiền để đóng đâu", ông Hà nói tiếp.

Ông Hà chia sẻ thêm, do sự việc quá căng thẳng về vấn đề thu chi tại xóm nên trong kỳ đại hội tới, ông sẽ đề nghị xã trực tiếp về thu của người dân chứ xóm sẽ không thu khoản nào để tránh những điều không mong muốn.

Như trước đó đã thông tin, nhiều năm qua người dân các xóm ở xã Nghi Thái phản ánh bất bình về nhiều khoản thu của xã, xóm đề ra quá cao và có phần bất hợp lý.

Chính quyền không chỉ thu của cả những trẻ mới sinh, người già cả mà những người tàn tật, mù loà cũng thu.

Nghệ An: Chủ tịch huyện cũng bức xúc vụ dân còng lưng gánh quỹ - Ảnh 8.

Hiện huyện đã thành lập đoàn thanh tra về vấn đề thu chi để làm rõ và xử lý nghiêm sự việc.

Và để quản lý các khoản thu trên, xã đã phát cho các hộ dân 1 cuốn sổ theo dõi. Nếu không được phê "đã hoàn thành các khoản đóng góp" thì việc giao dịch với xã sẽ gặp khó khăn.

Cuối năm 2015, xã đã huỷ bỏ cuốn sổ theo dõi này. Tuy nhiên mới đây, xã Nghi Thái tiếp tục họp bàn và đề xuất ban hành cuốn sổ theo dõi để quản lý việc đóng góp của người dân khiến nhiều người lại thêm lo lắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại