Ngày tàn của vũ lực, bình minh của đàm phán tại Syria

Danh Tuyên |

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút khỏi Syria có thể là khởi đầu của một thời kỳ hoàn toàn mới ở Trung Đông.

Quyết định đó đưa liên quân quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào một tình thế khó khăn, cùng với đó là các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), Iran, Israel và Saudi Arabia.

Một số trong đó ủng hộ Mỹ, một số khác phản đối, nhưng điểm chung là sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria theo cách nào đó biện minh cho sự hiện diện của họ ở quốc gia Trung Đông này.

Tất cả những quốc gia/lực lượng nêu trên đã phải trải qua thời gian dài đi tìm lý do tại sao họ muốn ở lại Syria, thậm chí sau khi Mỹ đã rút quân.

Bên cạnh đó, việc Washington rời đi còn làm dấy lên nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ, sẽ tiến hành một cuộc chiến toàn diện chống lại YPG, lực lượng cũng được Washington hỗ trợ.

Tương tự, việc Mỹ rời đi cũng cho thấy khả năng Thổ Nhĩ Kỳ - một đối tác chiến lược của Nga ở Syria, phải đối đầu với quân Chính phủ Syria – đồng minh của Moscow.

Hơn nữa, các quốc gia châu Âu – những nước nghĩ rằng họ sẽ được lợi từ việc Mỹ rút quân, hiện đang cố gắng hoạt động tích cực hơn ở quốc gia Trung Đông này. Trên thực tế, hầu hết các nước châu Âu này đều phải thừa nhận rằng Nga là quốc gia duy nhất có thể quyết định tương lai của cuộc khủng hoảng tại Syria.

Khi ông Trump nhận ra rằng quyết định của ông có thể kích hoạt xung đột giữa các bên, ông đã đột ngột đưa ra tuyên bố sẽ làm chậm quá trình đó lại. Tuyên bố đó tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán trong tương lai đối với các khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và các vùng hiện do YPG kiểm soát.

Các cuộc đàm phán này chủ yếu liên quan tới Nga và Mỹ. Trên thực tế, những người phải chịu nhiều hậu quả nhất từ tình hình hiện tại ở những khu vực đó lại là người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Hai quốc gia này đang tìm kiếm sự ổn định và an toàn cho tương lai, trong khi hai cường quốc đang tìm cách bảo toàn những gì họ có ở Syria.

Những bên liên quan tới tình hình Syria có những kỳ vọng khác nhau nhưng họ đều đồng ý với lộ trình chung tại quốc gia này.

Phần khó khăn nhất của các cuộc đàm phán là làm thế nào để đảm bảo các khu vực biên giới theo cách mà Ankara cảm thấy hài lòng. Mỗi bên có thể tìm thấy những biện pháp khác nhau để giữ an ninh cho khu vực đó, như thiết lập khu phi quân sự hay các vùng đệm.

Ngày tàn của vũ lực, bình minh của đàm phán tại Syria - Ảnh 1.

Sự hiện diện của Mỹ ở Syria.


Có vẻ như Mỹ và Nga cuối cùng sẽ đồng ý về việc thành lập một chính quyền trung ương ở Syria. Chính phủ này sẽ phải giữ thế cân bằng giữa Saudi Arabia và Iran, người Kurd và người Ả Rập, người Alawite và người Sunni...

Nếu một mô hình như vậy có thể được tạo ra và nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể chứng minh được năng lực điều hành mô hình đó thì ông sẽ có khả năng duy trì quyền lực. Nếu không, ông sẽ bị thay thế.

Theo một nghĩa nào đó, bất kể ai ngồi ở vị trí quyền lực tại Damascus thì toàn bộ Syria vẫn là một vùng đệm lớn ở giữa khu vực.

Syria sẽ được chia thành các khu vực ảnh hưởng khác nhau, như ở Ukraine. Tờ Daily Sabah cho hay, ở Ukraine, một số tỉnh hiện đang nằm dưới sự ảnh hưởng của Nga, trong khi số còn lại chịu ảnh hưởng bởi phương Tây, chủ yếu là Đức và Mỹ.

Một tương lai tương tự có thể sẽ lặp lại ở Syria. Ở Iraq, Mỹ có ảnh hưởng hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Nhưng ở Syria, Nga sẽ có quyền quyết định. Israel sẽ vẫn được phép giữ an ninh ở vùng biên giới của mình, trong khi Saudi và Iran sẽ được đề nghị rời khỏi. Trong tình thế đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò giữ cân bằng.

Sự hiện diện của các lực lượng bộ binh tại Syria giúp các bên trên bàn đàm phán, và sau cùng, các vấn đề cũng được giải quyết thông qua thảo luận chứ không phải các trận chiến. Có lẽ đó là lý do vì sao quyết định bất ngờ của ông Trump sẽ mở ra một giai đoạn mới, trong đó đàm phán, không phải vũ lực, sẽ là trung tâm của chính trị Trung Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại