Nga yếu thế trong cuộc đua vũ khí

Xuân Thành |

Nga dù tuyên bố không để bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng thực tế cho thấy họ đang bị cuốn vào cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn.

Vũ khí hạt nhân đi trước

Giới phân tích Nga cũng phải thừa nhận một cuộc chạy đua vũ trang mới có thể trở nên phức tạp, tốn kém và nguy hiểm hơn cuộc chạy đua vũ trang trong thời Chiến tranh Lạnh.

Nga đang thực hiện tái trang bị vũ khí chiến lược theo Chương trình vũ khí quốc gia giai đoạn 2020 - 2025. Chương trình này thực chất mang yếu tố chạy đua với không quân, lục quân và hải quân các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nga yếu thế trong cuộc đua vũ khí - Ảnh 1.

Nga tuyên bố không để bị kéo vào cuộc đua vũ trang mới

Theo tờ Độc lập của Nga, hiện có 4 hướng cho thấy cuộc chạy đua này đang diễn ra.

Hướng đầu tiên là trong lĩnh vực tấn công hạt nhân chiến lược. 

Chương trình vũ khí quốc gia 2020 xem xét đến năm 2025 sẽ triển khai 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, 8 tàu ngầm tên lửa hạt nhân, xây dựng hệ thống máy bay ném bom hạng nặng mới trang bị tên lửa hành trình tầm xa đa mục tiêu Kh-101/102, còn trước đó - khôi phục sản xuất máy bay ném bom Tu-160 cải tiến.

Những hệ thống này thay thế các phương tiện đã lỗi thời, bị loại bỏ khỏi phiên chế quân đội, có nghĩa là theo đuổi mục tiêu đổi mới lực lượng chiến lược của Nga trong khuôn khổ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới năm 2010.

Theo niên hạn sử dụng của các hệ thống chiến lược, Mỹ sẽ bắt đầu đổi mới sau năm 2020. Dự kiến khoản chi cho việc tái trang bị bộ ba hạt nhân của Mỹ trong vòng 30 năm sẽ lên tới gần 1.000 tỷ USD.

Các chuyên gia Nga cho rằng Mỹ sẽ theo đuổi mục tiêu đối đầu với những hệ thống đang được Nga triển khai hiện nay. Đến lượt mình, Nga cần phản ứng lại bằng việc phát triển hơn nữa lực lượng hạt nhân chiến lược. Kết quả là một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân chiến lược giữa Nga và Mỹ.

Nga yếu thế trong cuộc đua vũ khí - Ảnh 2.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga

Cuộc chạy đua có thể sẽ được mở rộng bằng việc tăng cường tên lửa đối đất tầm trung nếu Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung ký năm 1987 bị hủy bỏ.

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sự đối đầu chủ yếu giữa hai siêu cường diễn ra theo hướng này, sự khác nhau chỉ ở chỗ là trong quá khứ sau năm 1972, cuộc chạy đua bị hạn chế bởi một loạt hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược (Hiệp ước về tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung; Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược và Hiệp ước cắt giảm tiềm lực tấn công chiến lược).

Trong tương lai, tất cả những hạn chế này có thể bị loại bỏ. Sau khi ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược năm 2010 và sau 6 năm đã không có bất cứ cuộc đàm phán nào vì lý do chính trị cũng như do các bên không thể vượt qua được các bất đồng về Hệ thống phòng thủ tên lửa và một số vấn đề khác.

Sau khi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược hiện nay hết hạn vào năm 2020, lần đầu tiên sau 45 năm có thể xuất hiện lỗ hổng lớn ở lĩnh vực trung tâm kiểm soát vũ khí hạt nhân. Toàn bộ hệ thống giải giáp và không phổ biến vũ khí hạt nhân được xây dựng nửa thế kỷ qua có thể sẽ biến mất.

Hướng chạy đua thứ hai đến năm 2020 là vũ khí hạt nhân tấn công của Nga chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Điều này chưa từng xảy ra trong Chiến tranh Lạnh, bởi vì trước năm 1972 chưa có bất cứ quốc gia nào sở hữu hệ thống phòng thủ như thế, còn sau năm 1972, hai cường quốc bị ràng buộc nghiêm ngặt bởi Hiệp ước phòng thủ tên lửa, mà Mỹ đã rút khỏi năm 2002.

Vũ khí tấn công hạt nhân mới nhất của Nga và các hệ thống đa mục tiêu (trong đó có hoạt động - chiến thuật) được sản xuất không chỉ để hiện đại hóa tiềm lực tấn công, chúng còn gánh vác thêm các phương tiện vượt qua được hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và các đồng minh.

Cuộc đua ồ ạt

Hướng chạy đua vũ khí thứ ba là những hệ thống tấn công độ chính xác cao có tầm xa lớn được trang bị bình thường, kể cả các phương tiện tốc độ (tên lửa hành trình) hiện nay và những phương tiện tên lửa siêu thanh trong tương lai.

Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đánh giá những hệ thống vũ khí như vậy có hiệu quả như vũ khí hạt nhân, nhưng dễ "chấp nhận" hơn về mặt chính trị và quân sự.

Nga yếu thế trong cuộc đua vũ khí - Ảnh 3.

Xe tăng tối tân T-14 Armata của Nga

Cuộc chạy đua theo hướng này rất tốn kém bởi những vũ khí tấn công đòi hỏi các hệ thống thông tin - điều khiển hoàn hảo, trong đó có căn cứ vũ trụ. Ngược lại, nó cũng thúc đẩy phát triển các phương tiện đối phó: thiết bị chống vệ tinh, vô tuyến điện tử, điều khiển học.

Hướng chạy đua thứ tư là Phòng không Vũ trụ Nga chống lại các phương tiện tấn công đường không - vũ trụ của Mỹ.

Vào tháng 6/2013, khi đi thăm nhà máy sản xuất tên lửa phòng không, Tổng thống Putin tuyên bố: "Phòng không Vũ trụ là sự đảm bảo tính bền vững của Lực lượng kiềm chế chiến lược của chúng ta, bảo vệ lãnh thổ đất nước khỏi những cuộc tấn công đường không - vũ trụ".

Các chuyên gia Nga thừa nhận nước này đang gặp bất lợi trong cuộc đua với Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Nga đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế. Bên cạnh đó, khác với Mỹ, Nga không thể trông cậy sự giúp đỡ đáng kể nào đó từ các đồng minh và đối tác.

Khác với trước đây, tham gia cuộc chạy đua này giờ đây sẽ không chỉ có Nga và Mỹ và còn có các nước như Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, Triều Tiên với việc tăng cường mạnh mẽ vũ khí tấn công hạt nhân. Trong khi đó các nước như Anh, Pháp và Israel đang cất giữ và hoàn thiện loại vũ khí giết người hàng loạt này.

Giới phân tích Nga đánh giá rất cao Trung Quốc khi nước này cũng đang phát triển các hệ thống siêu thanh chính xác cao trang bị thông thường, thậm chí phần nào đó đang vượt qua cả Nga lẫn Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại