Nga-Trung tập trận chiếm đảo trên biển Đông: Lý do hay ngụy biện?

Thiên Nam |

Trang web của Sputnik/Nga vừa có bài viết tiêu đề: “Liệu Nga có thể cùng Việt Nam tấn công Trung Quốc?”, nêu quan điểm sai lầm của một chuyên gia Nga.

Chuyên gia Nga “sốc” vì sự quan tâm đến cuộc tập trận chung Nga-Trung

Ngày 26/8/2016, trên trang web của Đài phát thanh Sputnik phiên bản tiếng Việt vừa có một bài viết mang tiêu đề: “Liệu Nga có thể cùng Việt Nam tấn công Trung Quốc?” của tác giả Alexei Syunnerberg - nguyên Trưởng ban Việt ngữ của đài này.

Trong bài viết, ông Alexei Syunnerberg đã trích dẫn nhiều quan điểm của Nhà khoa học chính trị Nga Vladimir Kolotov - thành viên Hội đồng hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương (Nga), bình luận về những ý kiến xoay quanh cuộc tập trận chung Nga-Trung Quốc trên Biển Đông vào tháng 9 tới.

Theo tuyên bố của giới chức lãnh đạo quốc phòng Nga và Trung Quốc, từ ngày 12 đến ngày 19 tháng 9, lực lượng hải quân hai nước này sẽ tiến hành cuộc tập trận chung “Liên hợp trên biển 2016” (Joint Sea 2016), hay còn gọi là “Tương tác biển” (Naval Interaction) ở khu vực Biển Đông.

Các quan chức Nga và Trung Quốc cũng đã tuyên bố rõ ràng rằng, trong cuộc tập trận lần này sẽ có khoa mục tác chiến đổ bộ đánh chiếm đảo và chúng không hề nhằm vào bất cứ nước thứ 3 nào và cũng không có giả định đối tượng tác chiến cụ thể.

Bài viết trên Sputnik mô tả, sau khi xem xét các tài liệu trên mạng Internet bình luận thông tin chính thức ngắn gọn này của Nga và Trung Quốc, Giáo sư, tiến sĩ sử học Vladimir Kolotov cảm thấy “bị sốc” (theo lời ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik).

Vị chuyên gia Nga cho biết, hiện nay chưa có thông tin ngay cả về khu vực cụ thể ở Biển Đông, nơi sẽ tiến hành cuộc tập trận Nga-Trung. Ngoài ra, theo truyền thông hai nước này, thông tin về các khoa mục tập trận cũng vẫn còn chưa được xác định chi tiết.

Ông Kolotov cho rằng, việc giới truyền thông và dư luận quan tâm đến cuộc tập trận Nga-Trung là một hành động “làm rùm beng” thông tin này, trong “cơn cuồng loạn” và nhấn mạnh rằng, đây là một hành động sai lầm, phi logic và không dựa trên cơ sở thực tiễn.

Nga-Trung tập trận chiếm đảo trên biển Đông: Lý do hay ngụy biện? - Ảnh 1.

Nga và Trung Quốc đã mời một số quốc gia tham dự tập trận chung trên Biển Đông

Vị tiến sĩ khoa học chính trị Nga liên hệ với việc, bắt đầu từ giữa thế kỷ XX, các nhà phân tích phương Tây đã “nhìn thấy” khối Xô-Trung không tồn tại trên thực tế dường như có tham vọng xâm chiếm toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Quan điểm này còn được bảo lưu trong suốt một thời gian dài.

Phần tiếp theo của bài viết, vị chuyên gia Nga đã đưa ra một số lập luận để bảo vệ quan điểm hai nước này tổ chức tập trận hải quân là theo kế hoạch đã định cách đây rất lâu và không nhằm vào ai, không gây hại đến ai.

Tuy nhiên, trong những nhận định của ông Kolotov có cả những mệnh đề nêu không chính xác, những nhận định không đúng bản chất và những bình luận mang tính chất ngụy biện.

Thứ nhất: Về mệnh đề “tranh chấp trong vùng biển gần bờ Trung Quốc”

Ông Kolotov đưa ra ý kiến rằng, hiện “Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với các nước khác trong hầu hết các vùng biển gần bờ Trung Quốc” (trích nguyên văn đoạn tiếng Việt trên Sputnik).

Do đó, ông này nhận định là: Xét theo ý kiến của cái gọi là "giới chuyên gia về chính trị" (hàm ý chỉ những người chỉ trích cuộc tập trận Nga-Trung), Trung Quốc trên thực tế không thể thực hiện cuộc tập trận hải quân ở bất cứ nơi nào.

Có thể nhận định rằng, đây là một nhận định sai lầm về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Thứ nhất là hiện không ai tranh chấp những lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc mà chỉ có Bắc Kinh là bên đang đòi chủ quyền trái phép đối với các đảo, bãi đá mà các nước khác đã tuyên bố chủ quyền và đã trình ra các “bằng chứng lịch sử không thể chối cãi”, khác với các yêu sách phi lý của Trung Quốc đã chính thức bị Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) - một cơ cấu luật pháp quốc tế được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) bác bỏ vào ngày 12/7/2016.

Thứ hai là mệnh đề được ông Kolotov nêu ra: "Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với các nước khác trong hầu hết các vùng biển gần bờ Trung Quốc" là điều hoàn toàn không đúng.

Trung Quốc hiện đang đòi chủ quyền tới khoảng 90% diện tích Biển Đông, với bản đồ "Đường lưỡi bò" (hay còn gọi là "Đường 9 đoạn"). Trong khi đó, các đảo và quần đảo mà họ tuyên bố chủ quyền gần lãnh thổ Đại Lục như đảo Hải Nam, quần đảo Trung Sa và Đông Sa không hề có tranh chấp với ai.

Thực tế ở đây là Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), một phần quần đảo Trường Sa (Nam Sa) của Việt Nam, dùng sức mạnh để kiểm soát thực tế bãi cạn Scarborough (Scarborough Shoal) của Philippines hay đòi chủ quyền đối với quần đảo Natuna (Natuna islands) của Indonesia…

Tất cả những thực thể trên Biển Đông này đều nằm rất gần các quốc gia khác, cách rất xa lãnh thổ Đại Lục, có những vùng xa hàng ngàn dặm. Thế nhưng, chúng đã được vị chuyên gia Nga nhập nhằng biến thành các "vùng biển gần bờ Trung Quốc.

Thứ hai: Về tính chất của cuộc tập trận Nga-Trung

Giáo sư Kolotov cho biết, ông đã xem xét danh sách các cuộc tập trận mà nước Nga tổ chức trong năm nay với sự tham gia của nước ngoài. Trong bản danh sách này có các bài tập quân sự với Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Mông Cổ, có cả cuộc tập trận với Việt Nam ở trên lãnh thổ Nga.

Từ đó, ông này cho rằng, đó là điều hết sức bình thường và đặt vấn đề là "liệu chúng ta có thể rút ra kết luận rằng, Nga đang lên kế hoạch cùng với Ấn Độ tấn công Pakistan, cùng với Pakistan tấn công Ấn Độ? Hoặc cùng với Việt Nam tấn công Trung Quốc"?

Vị Tiến sĩ Nga cho rằng, theo ý kiến của bản thân ông, không nên thổi phồng vấn đề, đặc biệt nếu không có lý do gì để làm như vậy. Lực lượng vũ trang sống theo kế hoạch, tương tác ở các vùng khí hậu khác nhau. Moscow đã và sẽ tổ chức các bài tập quân sự trong những khu vực khác nhau cùng với các nước mà Nga đã ký thỏa thuận về nội dung này.

Nga-Trung tập trận chiếm đảo trên biển Đông: Lý do hay ngụy biện? - Ảnh 2.

Lực lượng quân sự Nga-Trung trong một cuộc tập trận chung

Tuy nhiên, đây là một quan điểm mang tính chất ngụy biện, làm sai lệch tính chất của sự việc và bản chất của sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về cuộc tập trận này. Bản thân các cuộc tập trận không có lỗi gì nếu chúng được tiến hành đúng theo với luật lệ quốc tế và không gây phương hại đến ai.

Ông Kolotov dường như đang cố tình hiểu sai vấn đề? Điều mà cộng đồng quốc tế quan tâm về cuộc tập trận Nga-Trung không phải xuất phát từ vấn đề quan hệ Nga-Trung hay Nga-Việt hoặc Việt-Trung, mà là cuộc tập trận này được tổ chức ở đâu, trong bối cảnh nào?

Moscow có quyền tổ chức tập trận chung với bất cứ ai, việc Nga tập trận với các nước trên lãnh thổ của mình là điều rất bình thường nhưng nếu Nga tổ chức diễn tập hoặc tham gia cuộc tập trận do một nước tiến hành trái phép trên lãnh thổ nước khác hoặc trong khu vực đang có tranh chấp với nước khác thì tính chất của chúng đã khác nhau hoàn toàn.

Trong thời gian qua, việc Hải quân Mỹ-NATO tập trận trong hải phận quốc tế ở Biển Đen (vùng không tranh chấp) đã khiến Nga "nhảy dựng" lên, giả sử hiện nay Nhật Bản mời Mỹ vào tập trận ở khu vực Quần đảo Kuril đang có tranh chấp với Nga thì liệu Moscow sẽ nghĩ sao?

Hiện một mình Trung Quốc đang đòi chủ quyền phi pháp hầu như toàn bộ Biển Đông (90%), "cướp đoạt" lãnh thổ của 5 quốc gia ASEAN (gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, chỉ được Bắc Kinh "nhường" lại 10% diện tích Biển Đông), bất chấp những phản đối của các nước này và sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Nếu Nga tham dự cuộc tập trận do Trung Quốc tổ chức trong các khu vực được quốc tế công nhận thuộc lãnh thổ của Nga hay Trung Quốc thì đó là điều bình thường nhưng nếu đó là các khu vực Trung Quốc đã xâm chiếm trái phép của các nước thì sẽ là bất bình thường.

Giáo sư Kolotov cho rằng, cuộc tập trận Nga-Trung sắp tới đã được lên kế hoạch từ trước và không có liên quan gì đến phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague vừa đưa ra hồi tháng 7 vừa qua, mà Bắc Kinh được coi là bên đã "thua kiện" Philippines.

Ông này cho rằng, hai bên đã công bố thông tin về cuộc tập trận trước khi tòa án ra phán quyết, và cuộc tập trận chung đã được lên kế hoạch từ sớm hơn nữa - ít nhất một năm trước đây. Đáng tiếc, những "nhà phân tích" không có hiểu biết đầy đủ về quá trình lập kế hoạch trong các lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đều biết rằng, thông tin về thời điểm Tòa án Trọng tài Thường trực ra phán quyết Biển Đông cũng đã được thông báo từ trước đó rất lâu, chắc chắn là trước thời điểm Nga và Trung Quốc chốt thời gian tổ chức tập trận.

Bất cứ một kế hoạch chưa diễn ra thì đều có thể điều chỉnh được. Nga có thể không quan tâm đến thời gian và địa điểm tổ chức tập trận nhưng Trung Quốc thì chắc chắn là có. Bắc Kinh muốn thông qua cuộc tập trận trên Biển Đông để tỏ thái độ phủ nhận phán quyết PCA.

Nhìn lại 4 cuộc tập trận Naval Interaction thời gian gần đây nhất chúng ta thấy rõ rằng chúng không bị buộc phải tổ chức trong một khoảng thời gian bất biến. Naval Interaction-2013 được tổ chức vào tháng 7, Naval Interaction-2014 được tổ chức vào giữa tháng 5, Naval Interaction-2015 được tổ chức vào cuối tháng 5-đầu tháng 6, còn năm nay là vào giữa tháng 9.

Nếu nhạy cảm về chính trị Nga có thể tìm lí do để đề xuất địa điểm phù hợp, tổ chức sớm hoặc muộn hơn thời điểm này, tránh để Trung Quốc lợi dụng tuyên truyền rằng, hành động của Nga là sự ủng hộ đối với Bắc Kinh trong vấn đề tranh đoạt chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.

Nga-Trung tập trận chiếm đảo trên biển Đông: Lý do hay ngụy biện? - Ảnh 3.

Hải quân đánh bộ Trung Quốc trong một cuộc tập trận

Thứ ba: Về tôn chỉ của cuộc tập trận

Trong phần kết luận ông Kolotov đưa ra 2 vấn đề đáng chú ý. Một là tuyên bố "Tôi muốn thu hút sự chú ý tới tuyên bố chính thức của phía Nga rằng, cuộc tập trận không nhằm chống lại nước thứ ba" (nguyên văn bản tiếng Việt của Sputnik).

Vấn đề thứ 2 là ông Kolitov lưu ý đến thực tế rằng, Biển Đông với tất cả vấn đề của nó còn là một nơi lộng hành của bọn hải tặc. Và cho đến nay, các quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông đều thể hiện sự quan tâm đến việc chấm dứt sự đe dọa này.

Vị chuyên gia Nga đưa ra một câu hỏi tu từ rằng, "có lẽ sẽ tốt hơn nếu các nước trong khu vực cùng nhau tham gia cuộc tập trận Nga-Trung để loại bỏ tội phạm cướp biển ở vùng này"?

Những vấn đề vị chuyên gia Nga nêu ra đều đúng theo tôn chỉ chung của các cuộc tập trận trên thế giới, nhưng nếu vận dụng nó vào vấn đề Biển Đông thì có lẽ là hơi khiên cưỡng hoặc nói thẳng ra là đánh lạc hướng dư luận về mối ưu tiên hàng đầu của các nước trên Biển Đông.

Các quan chức Nga và Trung Quốc đều nhấn mạnh rằng, về mục đích, nội dung và các khoa mục diễn tập tác chiến đổ bộ, đánh chiếm đảo trên Biển Đông lần này được cho là "không nhằm vào bất cứ nước thứ 3 nào, không có giả định đối tượng tác chiến cụ thể".

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự đều nhận định rằng, bất cứ một cuộc tập trận nào cũng đều có những mục đích, yêu cầu rõ ràng, phải xuất phát từ một kẻ địch cụ thể, một kịch bản tác chiến cụ thể. Không ai xây dựng kế hoạch tập trận để tấn công hay phòng thủ trước một đối thủ "vô hình".

Ngay cả đối với các cuộc tập trận phòng thủ, ít nhất cũng phải xác định là đối thủ tác chiến là ai, đánh vào hướng nào, bằng phương tiện gì, thời gian và địa điểm dự đoán sẽ bị tấn công, từ đó mới xác định được phương án phòng thủ.

Còn đối với các cuộc tập trận tấn công, chắc chắn là trong kế hoạch tác chiến giả định phải xác định đầu tiên là đánh vào mục tiêu nào, của ai, thực lực như thế nào và đánh bằng bằng loại vũ khí gì. Do đó, đối tượng tác chiến phải là điều được hoạch định đầu tiên, sau đó đến mục tiêu tác chiến.

Hiện Trung Quốc đang đòi chủ quyền phi pháp với hầu hết các đảo, bãi đá ngầm và các rạn san hô trên Biển Đông. Ngay cả những người "ngây thơ" nhất về mặt chính trị cũng nhận thức được rằng, việc quân đội nước này tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo không thể là một khoa mục "vu vơ".

Hiện nay, tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều quan tâm và đang chung tay nỗ lực với cộng đồng quốc tế trong vấn đề chống cướp biển.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, vấn đề bảo vệ chủ quyền mới là sự quan tâm hàng đầu của họ, nếu không bảo vệ được mục đích số 1 đối với mỗi quốc gia là sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thì việc diệt trừ hải tặc quốc tế liệu có ý nghĩa gì?

Các nước Đông Nam Á không từ chối các cuộc diễn tập quân sự chung vì mục đích hòa bình nhưng liệu họ có thể tham gia tập trận chung "chống hải tặc" với Nga và Trung Quốc, do Trung Quốc tổ chức trái phép trên vùng biển mà mình tuyên bố chủ quyền, hơn nữa, trong đó lại có cả khoa mục đổ bộ đánh chiếm đảo (của ai?)?

Kết luận

Dư luận quốc tế không thổi phồng sự việc, Nga nên xem lại hành động của mình. Việc khi tham gia tập trận chung với Trung Quốc trên vùng Biển Đông, trong bối cảnh những yêu sách chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc vừa bị Tòa án PCA bác bỏ, mới là điều cộng đồng quốc tế ngỡ ngàng.

Nga-Trung tập trận chiếm đảo trên biển Đông: Lý do hay ngụy biện? - Ảnh 4.

Binh sĩ Nga và Trung Quốc trong một cuộc tập trận chung

Nga là một cường quốc thế giới, một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Phán quyết PCA được đưa ra trên cơ sở Công ước 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và điều đó phải được Moscow tôn trọng.

Vào tháng 7/2014, cuộc tập trận chung Nga-Trung diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang bị cả thế giới phản đối. Sự việc đó đã phải rất lâu sau mới "lắng đọng" trở lại nhưng đã gây ảnh hưởng không ít đến uy tín của Moscow đối với khu vực Đông Nam Á. .

Không ai buộc Moscow phải lạnh nhạt với Bắc Kinh để mất đi những lợi ích chiến lược của mình, trong bối cảnh đang bị Mỹ và EU bao vây, cấm vận, nhưng hy vọng rằng, Nga sẽ có sự điều chỉnh trong hành động của mình để làm hài hòa mối quan hệ Nga-ASEAN và Nga-Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại