Nga tăng tàu chiến, quyết "hất cẳng" Mỹ và NATO khỏi tuyến hàng hải phương Bắc

Đức Trí |

Nga đang đẩy mạnh chế tạo tàu mặt nước và tàu ngầm để khống chế hoàn toàn tuyến hàng hải Bắc Cực, ngăn chặn Mỹ và NATO can dự vào khu vực chiến lược này.

Nga đang đẩy mạnh chế tạo tàu mặt nước và tàu ngầm để khống chế hoàn toàn tuyến hàng hải Bắc Cực, ngăn chặn Mỹ và NATO can dự vào khu vực chiến lược này.

Theo báo cáo của truyền thông Nga, hướng phát triển quan trọng của Hải quân Nga là tăng cường tiềm năng của vũ khí thông thường có độ chính xác cao từ tàu, để tiêu diệt các mục tiêu của đối phương bằng các phương tiện phi hạt nhân.

Hiện, Nga đang sản xuất hàng loạt thế hệ tàu mặt nước và tàu ngầm mới, đồng thời liên tục nâng cấp và thay thế các thiết bị cũ, ngoài ra cũng khởi động kế hoạch chế tạo nhiều tàu ngầm và tàu mặt nước thế hệ tiếp theo.

Giám đốc Trung tâm khoa học quốc gia Nga, ông Krylov, dự kiến rằng tất cả các tàu mặt nước và tàu ngầm hiện đang được sản xuất hàng loạt sẽ hoàn thành vào năm 2025, muộn nhất là năm 2028. Ngoài ra, thế hệ tiếp theo của tàu mặt nước và tàu ngầm cũng có thể bắt đầu chế tạo trong khoảng thời gian này.

Chúng cơ bản được cải tiến từ thế hệ tàu mặt nước và tàu ngầm hiện tại, điều này sẽ đảm bảo việc kế thừa các công nghệ khác nhau hiện nay, đồng thời cũng giảm chi phí chế tạo mà vẫn nâng cao được tính năng kỹ chiến thuật của các con tàu thế hệ mới.

Nhiệm vụ mới của Hải quân Nga là đảm bảo hoạt động ở vùng biển Bắc Cực, ngăn chặn triệt để sự can dự của Mỹ và các nước NATO tại khu vực này. Theo đó, Nga cần các tàu chiến đặc biệt phù hợp để sử dụng ở vùng biển Bắc Cực.

Những tàu chiến này trước tiên phải có hiệu suất phá băng mạnh mẽ. Tiếp theo, nó phải có khả năng sinh tồn ở môi trường khắc nghiệt tại Bắc Cực, trong đó tập trung vào khả năng sử dụng lâu dài và neo đậu trong môi trường Bắc Cực để tiến hành sửa chữa và nâng cấp mà không làm tăng chi phí.

Tàu ngầm

Hướng phát triển của tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Nga gần giống với phương Tây. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển tàu ngầm hạt nhân đa năng, Nga đã chú trọng vào khả năng sử dụng tên lửa để tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu trên bờ và trên biển, đây là điểm khác biệt của Nga.

Ngoài ra, Nga cũng đã bắt đầu chế tạo tàu ngầm hạt nhân đa năng theo lớp, như Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt tàu ngầm hạt nhân cải tiến lớp 885M sau lớp 885 (lớp Yasen), con tàu đầu tiên mang tên Severodvinsk.

Sau khi chế tạo 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược 955 (lớp Borei, chiếc đầu tiên mang tên Yuri Dolgoruky), Nga cũng tiến hành sản xuất một số tàu ngầm hạt nhân cải tiến 995A (tàu đầu tiên là Grand Duke Vladimir). Phương hướng phát triển chính của các tàu ngầm thông thường Nga là hỗ trợ việc triển khai các tàu ngầm hạt nhân và tên lửa chiến lược, đồng thời tấn công hiệu quả các mục tiêu trên bờ và trên biển.

Tàu sân bay

Sau khi tổng kết kinh nghiệm của việc sử dụng tàu sân bay tham gia các hoạt động quân sự, Hải quân Nga tin rằng việc giữ lại tàu sân bay là một quyết định hợp lý. Thiết kế của tàu sân bay nội địa có hai hướng: một là chế tạo tàu sân bay đa năng cỡ lớn, và thứ hai là chế tạo tàu sân bay "hạng nhẹ" với lượng giãn nước khoảng 50.000 tấn.

Theo đánh giá của các nhà máy đóng tàu Nga, hướng đi khả thi nhất là chế tạo tàu sân bay "hạng nhẹ" trước năm 2030.

Nga tăng tàu chiến, quyết hất cẳng Mỹ và NATO khỏi tuyến hàng hải phương Bắc - Ảnh 1.

Mô hình tàu sân bay mới có 2 thân dễ dàng "biến hóa" của Nga. Nguồn: ifeng.

Tàu chiến đa năng

Hiện, tàu khu trục tên lửa tương lai lớp Projekt 23560E Shkval của Nga vẫn đang được thiết kế. Đây là lớp tàu được đánh giá là vượt trội đáng kể các tàu khu trục tương tự của phương Tây về lượng giãn nước và uy lực của hệ thống vũ khí tên lửa trên tàu. Ngoài ra, việc chế tạo tàu khu trục dự án 22350 , 20380, 20385 và 20386 cũng đã bắt đầu.

Mặc dù Nga đang trong quá trình chế tạo nhiều tàu khu trục hiện đại nhưng vẫn đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu thiết kế tàu khu trục thế hệ mới, nguyên nhân của vấn đề này được lý giải là nhằm phát triển lực lượng chiến đấu đa năng trên biển với khả năng tự duy trì mạnh mẽ, được trang bị một số lượng lớn tên lửa và hệ thống phòng không hiện đại.

Việc chế tạo tàu khu trục đa năng này đã trở thành một hướng đi quan trọng cho sự phát triển của Hải quân Nga.

Ngoài tàu khu trục và tàu hộ vệ, Nga cũng đang chế tạo tàu tuần tra dự án 23550 có thể hành trình ở vùng biển Bắc Cực. Đây là lớp tàu được chuyển đổi từ tàu biên phòng cỡ lớn dự án 22160, hiện lớp tàu này cũng đã được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Điều đáng nói là Nga đã sử dụng thành công nhiều loại tàu tên lửa nhỏ được trang bị tên lửa hành trình tầm xa Kalibr trong chiến đấu thực tế. Các con tàu này đã trải qua thực chiến ở Syria và hiện Nga đang đẩy mạnh chế tạo các con tàu loại này.

Tàu đổ bộ

Việc chế tạo tàu đổ bộ của Nga được chia thành ba hướng: Thứ nhất là tàu đổ bộ quy mô lớn dự án 11711 và thế hệ tiếp theo. Thứ hai là thiết kế và xây dựng tàu đổ bộ đa năng hoàn toàn nội địa, 2 con tàu loại này đã được bắt đầu chế tạo từ ngày 20/7. Thứ ba là chế tạo tàu đổ bộ tốc độ cao trên cơ sở tàu đổ bộ loại nhỏ dự án 2322 và 12601.

Tàu quét mìn

Nga hiện có thể sản xuất tàu quét mìn dự án 12700, vỏ tàu làm bằng vật liệu composite, được trang bị vũ khí quét mìn và hệ thống tìm kiếm không người lái dưới nước.

Định hướng phát triển trong tương lai của Nga đối với tàu quét mìn là có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như nhiệm vụ cứu trợ trên biển, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Nga, chống buôn lậu.

Ý tưởng cơ bản cho tàu quét mìn trong tương lai của Nga là nó có thể sử dụng tên lửa và tàu pháo của Hải quân để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trên biển và trên không, nó cũng có thể sử dụng các thiết bị không người lái để hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm và phá mìn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại