Nga mời Mỹ hợp tác không kích IS: Gió đã đổi chiều?

Lương Sơn (tổng hợp) |

Nga vừa lên tiếng đề xuất Mỹ và liên quân tiến hành không kích không kích chung IS ở Syria dù trước đó đã nhiều lần cự tuyệt Washington.

Nga đề xuất Mỹ không kích chung ở Syria

Ngày 20/5, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã đề xuất liên quân do Mỹ đứng đầu nên phối hợp với Nga trong chiến dịch không kích chống tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria và Iraq.

“Chúng tôi gợi ý với Mỹ rằng bắt đầu từ ngày 25/5, Không quân Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu phối hợp lên kế hoạch và tiến hành không kích chống lại tổ chức khủng bố mặt trận Al-Nusra cũng như ngăn chặn vũ khí và các tay súng qua lại biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ”, Bộ trưởng Sergey Shoigu tuyên bố.

Ông Shoigu cảnh báo, bắt đầu từ thứ Tư tuần tới Nga sẽ tự do sử dụng máy bay chiến đấu để tấn công bất cứ tổ chức nào không tuân thủ lệnh ngừng bắn.

“Bắt đầu từ ngày 25/5, chúng tôi có quyền đơn phương tiến hành các cuộc không kích chống lại các tổ chức khủng bố quốc tế không tuân thủ lệnh ngừng bắn”, ông Shoigu  nói.

Ông Shoigu cho biết thêm đề xuất trên đã được bàn bạc với Chính phủ Syria và được thảo luận với các chuyên gia quân sự Mỹ ở thủ đô Amman của Jordan.

“Việc phối hợp không kích sẽ giảm nguy cơ tấn công nhầm dân thường”, ông Shoigu khẳng định.

Đáp lại lời đề nghị từ phía điện Kremlin, ngày 20/5, phát biểu trước báo giới, ông Jeff Davis, Người phát ngôn Lầu Năm Góc đã bác bỏ đề xuất hợp tác của Nga về việc tiến hành các cuộc không kích chung chống khủng bố ở Syria.

“Mỹ sẽ không hợp tác hay phối hợp với Nga trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào tại Syria”, ông Jeff Davis khẳng định.

Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga Rossiya 1, hôm 18/4, Tổng thống Putin từn tự tin khẳng định cho dù có những bất đồng về nhiều vấn đề trên trường quốc tế, Nga và Mỹ hiện vẫn đang chia sẻ nhiều lợi ích chung.

Theo ông Putin, làm cho kinh tế thế giới dân chủ hơn, đều đặn và cân bằng hơn, để trật tự thế giới được dân chủ hơn, là một trong những đề mục chung trong nghị trình Mỹ-Nga. 

Những lợi ích chung khác mà Washington và Moskva cùng chia sẻ là không phổ biến các loại vũ khí có sức hủy hoại lớn, chống tội ác có tổ chức, chống khủng bố và chống đói nghèo.

Gió đã đổi chiều?

Lời đề nghị của ông Shoigu cho thấy lập trường của Moskva đã dần thay đổi khi nhìn nhận về vai trò cũng như sức ảnh hưởng quân sự của Mỹ cũng như liên quân do nước này dẫn đầu.

Thực tế, Washington đã nhiều lần đưa ra những lời đề nghị tương tự với phía điện Kremlin nhưng nước này đều từ chối. Giới phân tích cho rằng, Nga đang tìm thêm sự ủng hộ của Mỹ khi bản thân nước này đang gặp phải nhiều khó khăn, bế tắc trong các vấn đề quốc tế.

Còn nhớ hôm 23/4, trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết nước này đã nêu đề xuất với Nga về việc lập một hệ thống mới nhằm giám sát thỏa thuận ngừng bắn 24/24 giờ tại Syria, đồng thời đề nghị Moskva phân định rõ vùng lãnh thổ không giao tranh.

“Chúng tôi thậm chí đã đề nghị xúc tiến định ra ranh giới tuyệt đối. Các vị đừng đến đó, chúng tôi sẽ không tới đây, còn tất cả mọi thứ ở giữa thuộc cách chơi trung thực”, ông Kerry nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông Kerry, thỏa thuận về đề nghị như vậy có thể đạt được vào tuần tới. “Phía Nga đang xem xét đề nghị này, tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ diễn ra sau khoảng một tuần”, ông nói thêm.

Trước đó, trong cuộc điện đàm ngày 18/4, Tổng thống  Obama đã kêu gọi nhà lãnh đạo Putin dùng sức ảnh hưởng của Moskva để chấm dứt giao tranh leo thang ở Syria.

Hồi đầu tháng 4 năm nay, Washington cũng đã lên tiếng đề nghị điện Kremlin yêu cầu quân chính phủ Syria dừng tấn công tại Aleppo nhằm đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa các bên được tuân thủ.

Tuy nhiên trước những thiện chí của Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Putin đã lần lượt từ chối.

Hôm 30/4, trong một tuyên bố phát đi, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva sẽ không đề nghị chính quyền Syria dừng các cuộc không kích tại Thành phố Aleppo, nơi hứng chịu các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ với quân ly khai trong tuần qua.

"Không, chúng tôi sẽ không gây sức ép lên Damascus bởi cần phải hiểu rằng những gì xảy ra ở Aleppo là một phần trong cuộc chiến chống lại khủng bố", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nói.

Thậm chí hôm 11/4, trước lời đề nghị từ phía Washington, Bộ Quốc phòng Nga còn thẳng thừng tuyên bố, những phần tử khủng bố đang có kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm cắt đứt con đường nối Aleppo với Damascus và do đó tất cả hành động của quân đội Syria và không quân Nga là nhằm mục đích phá vỡ kế hoạch này.

Tuy nhiên thời gian gần đây, tình hình trên chiến trường ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều mũi nhọn đang chĩa về phía điện Kremlin khiến nước này phải tìm cách để tự giải thoát mình.

Hôm 13/5, trong cuộc gặp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo của 5 nước Bắc Âu gồm Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland và Đan Mạch tại Washington, 

Tổng thống Obama khẳng định Mỹ và các nước Bắc Âu đã nhất trí sẽ vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đồng thời hỗ trợ Ukraine.

Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra trước khoảng 1 tháng khi các quốc gia EU tiến hành nhóm họp về lệnh trừng phạt kinh tế với Nga vào cuối tháng 6 tới.

Về phía NATO, tổ chức quân sự này cũng đang coi Moskva là mục tiêu số 1 đe dọa tình hình an ninh quốc phòng tại khu vực và sẵn sàng hành động đối phó.

Ngoài việc Mỹ cũng như phương Tây đang tìm mọi cách để gia tăng thêm các biện pháp cấm vận, trừng phạt vào nền kinh tế, điện Kremlin còn đang phải đối diện với những khó khăn mới khi Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine toan tính thành lập liên minh chồn-cáo nhằm đẩy mạnh các hoạt động quân sự, tạo thêm sức ép với điện Kremlin.

Rõ ràng trong bối cảnh bị bao vây tứ phía, việc Nga chủ động đưa ra lời đề nghị với Mỹ về việc tiến hành các cuộc không kích chung tại Syria là điều dễ hiểu. 

Có thêm sự ủng hộ và giúp sức của Nhà Trắng, Moskva sẽ dễ dàng đối phó với các âm mưu và các thế lực chống đối đang bủa vây xung quanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại