Nga - Israel: "Nước sông không phạm nước giếng"

Phan Quân |

Chuyến thăm tháng 10 của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tới Tel Aviv được đánh giá sẽ là bước đi tích cực trong mối quan hệ đầy phức tạp này.

Ngày 24/9, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman cũng xác nhận sẽ gặp gỡ ông Shoigu trong thời gian sớm nhằm bàn bạc về hợp tác giữa quân đội hai bên tại Syria.

Bên cạnh đó, Tel Aviv và Moscow cũng được cho là sẽ thảo luận về vai trò can thiệp của Iran và việc Tehran được cho là "đã vận chuyển nhiều vũ khí tối tân cho Hezbollah thông qua Damascus".

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Shoigu tới Israel, đánh dấu sự trở lại của một Bộ trưởng Quốc phòng Nga tới quốc gia của người Do Thái sau nhiều năm.

Nhìn tổng thể, việc Moscow và Tel Aviv liên tục xích lại gần nhau, điển hình là cuộc gặp gỡ của hai nguyên thủ tại Sochi ngày 23/8, đã đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ song phương.

Nhiều người cho rằng Israel là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông, do đó động thái này của chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể khiến Washington lo lắng.

Trên thực tế, câu chuyện lại không hề đơn giản như vậy. Một quan chức ngoại giao kỳ cựu của Nga từng nhận định Moscow và Tel Aviv là "bạn-thù" tại Syria.

Yếu tố "thù" nhấn mạnh việc Israel và Nga có lợi ích đối lập trong cuộc chiến Syria. Moscow mong muốn Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể tiếp tục nắm quyền, dù điều đó đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho Iran và Hezbollah mở rộng ảnh hưởng.

Về phần mình, Tel Aviv lại đang làm mọi cách để đảm bảo Tehran và Hezbollah sẽ không "nhúng tay" vào quốc gia láng giềng.

Trong khi đó, chữ "bạn" ở đây đến từ việc cả hai nhà lãnh đạo đều nhận thức được sự khác biệt, nhưng vẫn tôn trọng lập trường của nhau. Trong cuộc gặp tại Sochi ngày 23/8, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều nhất trí dồn sức lực tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Quan trọng hơn, ông Netanyahu đã "trình bày chi tiết và cụ thể" với ông Putin về việc quét sạch ảnh hưởng của Tehran cũng như Hezbollah tại Damascus và Moscow tôn trọng điều này. Do đó, khi lực lượng đặc nhiệm của Israel đột kích và phá hủy một căn cứ quân sự nhạy cảm của Syria gần Masyaf ngày 7/9, phía Nga đã im lặng.

Đây có thể cho là sự thừa nhận của Moscow rằng tấn công bộ phận của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria, nơi được cho là chứa một số vũ khí hóa học và tên lửa đất đối đất, là một hành vi tự vệ chính đáng của chính quyền Thủ tướng Netanyahu.

Ngay cả khi muốn tỏ ra cứng rắn với Tel Aviv, phía Moscow cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Với tiềm lực quân sự hùng hậu, kinh nghiệm chiến đấu phong phú cùng trang thiết bị hiện đại, quân đội Israel luôn nằm trong danh sách đứng đầu thế giới.

Ông Putin thừa hiểu rằng Nga đang có quá nhiều thứ phải giải quyết và tìm kiếm thêm một đối thủ mạnh mẽ chưa bao giờ là khôn ngoan.

Trong khi đó, việc hợp tác với Tel Aviv không những giúp Moscow tránh khỏi rắc rối, mà còn giúp quốc gia này có thêm đồng minh trong cuộc chiến tiêu diệt IS, qua đó hoàn thành mục tiêu ổn định tình hình Syria và củng cố vị trí lãnh đạo của Tổng thống Bashar al-Assad.

Bởi vậy, không có gì khó đoán nếu trong thời gian tới, Nga và Israel sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu hảo, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quân sự tại Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại