Nga bơm vũ khí cực lớn cho Serbia: Xung kích chống NATO?

Lê Vũ |

Theo tạp chí quân sự Jane’s, Nga đã đồng ý thông qua gói viện trợ vũ khí lớn nhất từ trước tới nay cho Serbia kể từ khi Liên Xô tan rã.

Gói viện trợ nói trên được Thủ tướng Serbia Aleksandar Vučić và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ký kết tại Moscow vào hôm 23/12.

Sự kiện này đánh dấu sự trở lại của Nga tại Serbia, một lần nữa chứng minh mối quan hệ gắn kết giữa hai nước sau một loạt biến động chính trị trong những năm 1990.

Dự kiến, tổng số vũ khí Nga sẽ chuyển giao cho Beograd ít nhất 6 tiêm kích MiG-29 đã qua sử dụng, 30 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và 30 xe trinh sát bọc thép BRDM-2.

Ngoài ra hai bên cũng đang xem xét khả năng mở rộng các gói viện trợ quân sự mà Nga dành cho Serbia với việc bổ sung thêm các tổ hợp vũ khí phòng không như Buk-M2 và 2K22 Tunguska.

Dĩ nhiên với các gói viện trợ quân sự này, các công ty quốc phòng Nga cũng sẽ chính thức trở lại Serbia với các hợp đồng nâng cấp hoặc duy tu số vũ khí Moscow mới tặng cho Beograd. Toàn bộ số vũ khí nói trên sẽ được Nga chuyển giao cho Quân đội Serbia trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2018

Hiện tại số MiG-29 mà Nga sắp chuyển giao cho Serbia đã được rút khỏi biên chế của Không quân Nga để chuẩn bị bàn giao cho Không quân Serbia vào năm 2017. Những chiếc MiG-29 trên gồm một chiếc MiG-29A (9.12A), ba chiếc MiG-29S (9.13) và hai chiếc MiG-29UB và số máy bay này vẫn có thể hoạt động đến tận năm 2030 sau khi trải qua quá trình đại tu.

Khả năng chiến đấu của Không quân Serbia hiện tại gần như là bằng không khi họ chỉ có ba chiếc MiG-21UM và ba chiếc MiG-29B/UB - tất cả đều có thời gian phục vụ đã khá lớn, còn dòng chiến đấu cơ chủ lực của Serbia là Soko J-22 Orao chỉ thiên về khả năng tấn công mặt đất hơn là không chiến

Còn đối với số xe tăng T-72 và xe bọc thép BRDM-2, nhiều khả năng chúng sẽ được lấy ra từ các kho vũ khí dự trữ chiến lược của Quân đội Nga hiện tại vốn luôn được duy trì với số lượng lên tới hàng ngàn chiếc.

Được biết Quân đội Serbia hiện tại cũng được trang bị những chiếc T-72 và biến thể của nó là M-84 vốn do Nam Tư chế tạo trước đây, tuy nhiên số lượng T-72 của Serbia chỉ khoảng hơn 10 chiếc và chúng hầu như không được nâng cấp gì nhiều. Do đó dưới sự hỗ trợ của Nga số xe tăng trên nhiều khả năng sẽ được nâng cấp đồng bộ với số T-72 Nga sắp bàn giao cho Serbia.

Điều Serbia mong đợi

Trước đó, khi Nga vừa bày tỏ ý định giúp đỡ Serbia nâng cao chất lượng không quân bằng việc tặng nước này các thiết bị quân sự trị giá 80 triệu USD hồi giữa tháng 11, giới chuyên gia Serbia đã nhận định rằng:

Thỏa thuận mua tên lửa phòng không và máy bay Nga sẽ trở thành điểm tựa cho cho Chính phủ nước này thực hiện kế hoạch ấp ủ đã nhiều năm, là đổi mới triệt để lực lượng không quân, hiện đang được đánh giá thuộc loại yếu nhất ở châu Âu.

Chuyên viên phân tích Miroslav Lazanski của báo Politika cho rằng, đây là điều quá thuận lợi cho Serbia, thậm chí chẳng có gì cần bàn luận.

Chuyên viên Miroslav Lazanski nhấn mạnh, sẽ rất tốt nếu Serbia nhận được những chiếc MiG-29, vì các phi công của nước này sẽ tiếp tục tập luyện trên máy bay cùng thế hệ. Như vậy sẽ không thất thoát đội ngũ phi công giàu kinh nghiệm, điều mà nếu xảy ra sẽ không sao bù đắp nổi.

Tất nhiên, số lượng máy bay này không đủ cho một cuộc chiến tranh, nhưng lại hoàn toàn đủ để kiểm soát không phận và để ít nhiều duy trì thế đồng đẳng với các quốc gia láng giềng. Ngoài ra, trong tương lai Nga cũng có thể cung cấp thêm cho nước này những máy bay dự trữ trong kho với giá rẻ.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền dành riêng cho Sputnik vào giữa tháng 11, Tổng thống Serbia Tomislav Nikolich đã khẳng định rằng, việc nước Nga ra tay giúp đỡ Serbia nâng cao chất lượng quân đội là dấu hiệu của sự hợp tác chân thành, niềm tin và tình hữu nghị.

Nhà lãnh đạo Serbia khẳng định, đất nước ông hiện nay ''có những người bạn sẵn sàng giúp đỡ không hề ngại ngần và ngược lại, Serbia cũng sẵn sàng hợp tác mà không hề phải e ngại điều gì cả''.

Việc Nga cũng cấp các loại vũ khí tối tân cho Serbia và việc 2 nước ký kết các văn bản hợp tác toàn diện diễn ra sau khi chính quyền Belgrad đã có những hành động ủng hộ Nga rõ rệt, khi tuyên bố NATO không nên phong toả biên giới Nga, đồng thời cũng không ủng hộ cấm vận Nga.

Serbia tuyên bố, Nga không hề có bất kỳ mối đe dọa nào cho an ninh quốc tế, trong khi đó cuộc đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố hiện đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, nên Mỹ và NATO cần tập trung vào lĩnh vực đó.

Trong thời gian qua, Liên minh châu Âu và NATO đang tăng cường các động thái ngoại giao, kinh tế và quân sự nhằm lôi kéo chính quyền Belgrade ngả về phía mình, tạo dựng ''một khu vực Balkan không ảnh hưởng của Nga''.

Do đó, Nga cũng tăng cường đầu tư kinh tế, viện trợ quân sự, kết hợp với các hoạt động ngoại giao nhằm lôi kéo nước này thoát khỏi vòng vòng tay của EU và NATO.

Việc Nga thông qua một gói viện trợ vũ khí lớn nhất từ trước tới nay dành cho Serbia là dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai nước đang ngày càng khăng khít hơn nữa. Điều này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh một số quan chức Serbia đang có xu hướng cắt đứt quan hệ với Moscow để gia nhập NATO.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại