Nga-Ấn Độ ký hợp đồng mua bán S-400

Hoàng Hải |

Hãng tin Spuntik của Nga ngày 27/4 đưa tin cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rao Inderdzhit Singh đã lên tiếng xác nhận việc nước này đã ký thỏa thuận mua các tổ hợp tên lửa S-400 với Nga.

Ấn Độ muốn mua 5 trung đoàn S-400 và 6.000 tên lửa trị giá khoảng 6 tỷ USD. Hãng tin Spuntik của Nga ngày 27/4 đưa tin cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rao Inderdzhit Singh đã lên tiếng xác nhận việc nước này đã ký thỏa thuận mua các tổ hợp tên lửa S-400 với Nga.

"Chúng tôi đã ký kết thỏa thuận này", ông Singh nói trong một cuộc họp báo.

Tuy nhiên, các chi tiết cụ thể về hợp đồng cũng như thời gian Ấn Độ nhận được các hệ thống này không được tiết lộ.

Trong tháng 3/2016, Phó Thủ trưởng Cơ quan Liên bang Nga về Hợp tác Kỹ thuật-quân sự Vladimir Dzhozhzhov tuyên bố rằng Nga đã chuẩn bị dự thảo thỏa thuận về việc bàn giao S-400 và chuyển tài liệu để phía Ấn Độ đặt chữ ký.

Trước đó, hồi tháng 12/2015, truyền thông Ấn Độ đưa tin nói rằng các cơ quan quân sự của đất nước đã phê chuẩn việc mua 5 trung đoàn S-400 và 6.000 tên lửa trị giá khoảng 6 tỷ USD.

Tổ hợp phòng không S-400 được thiết kế để đạt hiệu suất cao khi tiêu diệt máy bay của không quân chiến lược và chiến thuật, tên lửa đạn đạo, các mục tiêu siêu thanh và những phương tiện khác của tấn công đường không.


Tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Tên lửa phòng không S-400 của Nga.

S-400, do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey, Nga, phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300.

Hệ thống có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.

Nó cũng có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và bắn hạ 36 mục tiêu cùng lúc. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.

Nó có thể hạ mục tiêu như chiến đấu cơ ở độ cao 27 km hoặc các mục tiêu tầm thấp, cách mặt đất chỉ từ 5 - 10 m. Đây là đặc điểm mà không hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất kỳ quốc gia nào làm được.

S-400 được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy - điều khiển. Nó có thể khai hỏa 5 loại tên lửa để tạo nên cơ chế phòng thủ phân lớp.

Trước đó, giới chức công nghiệp quốc phòng Nga xác nhận đã bán các hệ thống S-400 cho Trung Quốc. Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên sở hữu hệ thống phòng không tiên tiến này.

Động thái này đã làm dấy lên các lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng S-400 để mở rộng quyền kiểm soát (trái phép) không phận ở Biển Đông và thậm chí là thúc đẩy cái gọi là "khu nhận diện phòng không" trong vùng biển tranh chấp này.

Động thái này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng cứng rắn hơn trong việc thực thi các tuyên bố chủ quyền (phi pháp) của mình ở Biển Đông.

Trong khi đó, giới bình luận Nga bày tỏ quan ngại rằng quyết định bán S-400 cho Trung Quốc giống như tự "lấy đá ghè chân mình" bởi không loại trừ nguy cơ chúng sẽ được Bắc Kinh sao chép hàng loạt trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại