Lý giải nguyên nhân người Kurd tại Syria bỏ Mỹ, theo Nga

Đức Huy |

Trong bối cảnh cả Nga lẫn Mỹ đều tìm cách tranh giành ảnh hưởng với người Kurd tại Syria, họ sẽ còn định "đu dây" đến bao giờ, nhà báo Cengiz Candar đặt câu hỏi trên al-Monitor.

Trước hết, hãy quan sát tranh chấp này từ góc nhìn của Mỹ.

Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công khai chỉ trích chính sách của Mỹ đối với người Kurd tại Syria.

Cụ thể, ông Erdogan nhắc đến phát biểu của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby rằng, Washington không coi đảng Hội đồng Dân chủ người Kurd tại Syria (PYD), hay các Lực lượng Bảo vệ người Kurd (YPG) là các tổ chức khủng bố.

Trong buổi họp báo hôm 28/4 vừa qua, sau khi bị phóng viên gạn hỏi về quan điểm của Mỹ về vấn đề người Kurd, ông Kirby dường như có phần mất bình tĩnh, và đã phải nhấn mạnh: "Quan điểm của chúng tôi về đảng Lao động người Kurd (PKK) và YPG không hề thay đổi".

Phải nói thêm rằng, trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã úp mở về một "mối liên kết" giữa PKK và YPG. Tuy nhiên, ông Kirby vẫn khẳng định, Washington coi PKK là một tổ chức khủng bố, còn YPG thì không.


Với Washington, PKK là một tổ chức khủng bố. Ảnh: TasnimNews

Với Washington, PKK là một tổ chức khủng bố. Ảnh: TasnimNews

Câu trả lời của ông Kirby không thể khiến Ankara hài lòng, nhưng trong khi Mỹ đang muốn giữ quan hệ với người Kurd tại Syria như hiện nay, đó là một sự "hi sinh" cần thiết.

Trong mắt Washington, người Kurd luôn là lực lượng trên bộ đáng tin cậy nhất trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.

Sau khi Nga phát động chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria, Mỹ đã lo ngại việc mất về tay Nga một trong những đồng minh giá trị nhất của họ trong cuộc chiến chống IS.

Nhìn từ phía Nga, mối quan hệ của nước này với người Kurd có vẻ rõ nét hơn. Để thêm phần khách quan cho luận điểm này, xin được trích dẫn phát biểu một bên thứ ba, cụ thể là Ngoại trưởng Anh Philip Hammond.

Trước Nghị viện, ông Hammond nói: "Những gì chúng ta đã thấy trong vài tuần qua là những bằng chứng khó nuốt về sự hợp tác giữa các lực lượng người Kurd tại Syria, chính phủ Syria, và không quân Nga, khiến chúng ta đương nhiên phải lo ngại về vai trò thực sự của người Kurd".

Đáng nói, ông Hammond phát biểu như vậy không lâu sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu "huỵch toẹt" rằng người Kurd tại Syria chẳng khác gì "lính đánh thuê" của Nga.

"PYD và YPG là những con rối của Nga, và là những tổ chức đánh thuê được chính phủ Assad tàn bạo và Nga điều khiển" - ông Davutoglu phát biểu.

Gọi người Kurd là "con rối" của Nga thì có phần hơi quá, song không thể phủ nhận sợi dây liên kết giữa Nga và lực lượng này tại Syria.

Vài tháng trước, tại Sulaimaniyah, khu vực người Kurd tại Iraq (Kurdistan), một nguồn tin thân cận của al-Monitor cho biết, bên trong đại bản doanh của PKK tại Dãy núi Qandil bấy giờ có rất nhiều cố vấn quân sự người Nga.

Khi được phóng viên al-Monitor (một người Thổ Nhĩ Kỳ) từ khi nào lại có chuyện như vậy, nguồn tin đáp lại mỉa mai: "Từ khi người Thổ các anh bắn rơi máy bay Nga".

Có thể thấy, lý do Nga kết thân với người Kurd đã quá rõ.

---

Tất nhiên, dù công nhận sự giúp đỡ từ phía Nga, người Kurd cũng không dại gì mà khiến Mỹ phật ý để rồi đánh mất những hỗ trợ từ chính phủ Washington.


Người Kurd vẫn nhận được nhiều sự trợ giúp của Mỹ.

Người Kurd vẫn nhận được nhiều sự trợ giúp của Mỹ.

Tuy vậy, phải nói rằng nếu phải lựa chọn chỉ một trong hai, họ sẽ nghiêng về phía Nga nhiều hơn.

Trả lời phỏng vấn al-Monitor, lãnh đạo PYD Salih Muslim khẳng định, người Mỹ cần thẳng thắn hơn. Ông Muslim nói rằng nếu Mỹ thực sự muốn lấy lại Raqqa, thì bắt buộc phải đánh chiếm Manbji để cắt đường tiếp tế từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Washington vẫn chần chừ.

Trong khi đó, khi nói về Nga, lãnh đạo PYD lại không hề có bất kì một lời chỉ trích nào.

Hồi tháng 2 vừa qua, người Kurd tại Syria đã mở một văn phòng đại diện ngay tại Moscow, và ông Muslim kể từ đó đến nay vẫn thường xuyên tới thăm thủ đô nước Nga.

Ngoài ra, quan điểm của Nga khác hẳn với Mỹ hay EU, không chỉ về PYD mà cả PKK. Cụ thể, Moscow không liệt PKK vào danh sách các tổ chức khủng bố. Điều này đã được chính Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Andrey Karlov, khẳng định hồi tháng 10 năm ngoái.

"Cả Nga cũng như Hội đồng Bảo an LHQ đều không coi PKK và PYD là các tổ chức khủng bố" - ông Karlov phát biểu trên Ria Novosti.

Nhìn lại lịch sử, cũng có thể thấy quan hệ Nga-Kurd đã được thiết lập từ lâu, cụ thể là từ thế kỉ 19, khi Đế quốc Nga ủng hộ các cuộc khởi nghĩa và phong trào dân tộc của người Kurd do dòng tộc nhà Badrkhan lãnh đạo.

Thế hệ sau của dòng tộc này, Abdurrezzak, còn được biết đến với tư cách lãnh tụ (emir) người Kurd cuối cùng của Cizre, cũng là một người thân Nga.

Trong Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô mở rộng ảnh hưởng sang các chính phủ người Baath tại Syria và Iraq, quan hệ giữa Moscow và người Kurd có bớt nồng ấm đi đôi chút, song chưa từng mất hẳn.

Ngoài ra, theo al-Monitor, trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, cựu Tổng thống người Kurd của Iraq Jalal Talabani từng lệnh cho đặc phái viên tới gặp cựu Thủ tướng Nga Yevgeny Primakov, bấy giờ là giám đốc tình báo Liên Xô/Nga, để tham khảo cách thiết lập quan hệ với chính phủ Saddam Hussein ở Baghdad.


Yevgeny Primakov hội đàm cùng Saddam Hussein. Ảnh: arabyat.ru

Yevgeny Primakov hội đàm cùng Saddam Hussein. Ảnh: arabyat.ru

Ông Primakov đã nhận lời làm trung gian giữa người Kurd và Tổng thống Hussein, đồng thời công khai ủng hộ quyền tự trị dành cho người Kurd.

Nay, với việc lợi ích quốc gia lại xoay quanh người Kurd, một phần vì quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi sau giao tranh tại Syria, người Nga một lần nữa đã trở thành một thế lực Trung Đông giống như Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh trước đây, nhờ bắt tay được với người Kurd.

Còn với người Mỹ, họ lo ngại không hề thừa, nhưng dường như kể cả khi đã không ngần ngại "hi sinh" quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ để vừa lòng người Kurd, thì nếu bắt buộc phải chọn, người Kurd có lẽ vẫn sẽ bỏ Mỹ, theo Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại