Nếu Bộ không quyết liệt, sẽ đua nhau chọi trâu

TOAN TOAN (thực hiện) |

Nhìn lại mùa lễ hội 2018, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trao đổi với Tiền Phong xung quanh công tác tổ chức lễ hội, đặc biệt là điểm nóng như chọi trâu Đồ Sơn sắp tới. “Vừa qua, nếu Bộ không quyết liệt thì nhiều địa phương trong cả nước tổ chức chọi trâu, có nơi còn sử dụng cả trường học để làm nơi bán thịt trâu” - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết.

Không thương mại hóa

Thứ trưởng có thể đánh giá về công tác tổ chức các lễ hội diễn ra trong đợt cao điểm tháng Giêng vừa rồi?

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018 diễn ra an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa.

Từ lễ hội có quy mô lớn đến các lễ hội quy mô nhỏ, phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính, phần hội phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm.

Tuy nhiên, ở một số lễ hội vẫn còn để xảy ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội, Bộ VHTTDL có văn bản chỉ đạo địa phương kịp thời khắc phục.

Bộ có nhiều văn bản chấn chỉnh công tác tổ chức và quản lý lễ hội, trong đó có các lễ hội chọi trâu-theo nhiều chuyên gia hiện nay biến tướng và thương mại hoá quá nhiều. Quan điểm của Bộ về các lễ hội chọi trâu hiện nay như thế nào thưa bà?

Ngay từ đầu năm, Bộ có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát, quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống, vì mục đích thương mại trục lợi cá nhân.

Nhìn chung, một số lễ hội chọi trâu xuân Mậu Tuất 2018 diễn ra an toàn, đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Bộ.

Hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ), Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn, hạn chế giết mổ trâu chọi, không bán vé thu tiền người tham dự lễ hội.

Với một số nơi manh nha ý định tổ chức hội chọi trâu, Bộ hướng dẫn thực hiện theo văn bản của Bộ VHTTDL và Chính phủ đúng tinh thần “không thương mại hoá lễ hội, hạn chế hoạt động phản cảm, bạo lực, tranh cướp”.

Nếu Bộ không quyết liệt thì nhiều địa phương trong cả nước tổ chức chọi trâu, có nơi còn sử dụng cả trường học để làm nơi bán thịt trâu.

Chọi trâu Đồ Sơn: Không tổ chức đấu loại

Bộ yêu cầu BTC lễ hội chọi trâu Đồ Sơn gửi đề án tổ chức lễ hội năm 2018 về Bộ trong tháng 3 này, trong đó Bộ có những yêu cầu cụ thể ra sao đối với ban tổ chức về quy mô, cách thức tổ chức?

Về việc này, lãnh đạo Bộ có Thông báo kết luận tại buổi Tọa đàm về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức Lễ hội Chọi trâu-Đồ Sơn, Hải Phòng hồi tháng 9/2017, theo đó đề nghị UBND quận Đồ Sơn xây dựng đề án đổi mới công tác tổ chức lễ hội chọi trâu.

Bộ đề nghị điều chỉnh về quy mô lễ hội-tổ chức lễ hội truyền thống gắn với không gian văn hóa cộng đồng- giảm số lượng trâu tham gia chọi theo hướng mỗi phường một cặp trâu chọi, không tổ chức vòng đấu loại, chỉ tổ chức một vòng thi chọi duy nhất vào ngày chính hội; nâng cao vai trò cộng đồng trong quản lý, tổ chức, thực hành di sản văn hóa phi vật thể theo đúng cam kết tại Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cục Văn hoá Cơ sở nhiều lần gửi công văn đốc thúc địa phương sớm hoàn thiện đề án để báo cáo lãnh đạo Bộ.

Quan điểm của Bộ là quyết liệt chấn chỉnh bức xúc của dư luận-kiểm soát trâu chọi bán thịt.

Bộ chuẩn bị tổ chức hội nghị sơ kết công tác tổ chức lễ hội để tiếp tục chấn chỉnh việc cấp phép, phục dựng lễ hội đảm bảo đúng mục đích, ý nghĩa, giá trị nhân văn của lễ hội theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Cuối năm 2017 và đầu năm 2018, Bộ có rất nhiều văn bản gửi các địa phương chấn chỉnh lễ hội, tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng Bộ đang dùng quá nhiều mệnh lệnh hành chính đối với lễ hội. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về điều này?

Cuối năm 2017 và đầu năm 2018, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở các địa phương phát sinh nhiều điểm nóng có nguy cơ gây phản cảm, mất an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội.

Nhằm hạn chế và khắc phục những vấn đề này, Bộ có văn bản nhắc nhở và hướng dẫn cụ thể, kịp thời đối với từng địa phương, từng lễ hội.

Việc ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương trước mỗi mùa lễ hội là rất cần thiết, nhằm tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo các hoạt động lễ hội đúng những quy định của nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của nhân dân và du khách trong dịp đầu năm mới.

Cảm ơn Thứ trưởng.

Bộ VHTTDL hoàn thành Dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2018.

Sau khi Nghị định được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội được thực hiện thống nhất, khắc phục, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội như: Giảm tần suất tổ chức lễ hội, giảm chi phí tài chính, tiết kiệm các nguồn lực xã hội; phân loại lễ hội, phân cấp trách nhiệm quản lý của Bộ VHTTDL, các cơ quan thuộc Chính phủ,

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ban tổ chức lễ hội cũng như quyền lợi, trách nhiệm của người tham gia lễ hội; đơn giản hóa thủ tục hành chính chuyển từ cấp phép sang hình thức đăng ký và thông báo.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại