Nếu bị ông Trump “hâm nóng”, Đông Ukraine sẽ “sôi sục”?

Phạm Khánh |

Hôm 4/2, ông Roland Oliphant, một bình luận viên có tiếng của tờ Telegraph cho rằng, cuộc xung đột đang “đóng băng” ở miền Đông Ukraine có nguy cơ bị “hâm nóng” trở lại khi xuất hiện thêm nhân tố mới – Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc giao tranh dữ dội diễn ra quanh thị trấn Avdiivka, thuộc tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine hồi cuối tuần qua đã cướp đi ít nhất 20 sinh mạng bao gồm cả thường dân.

Những loại vũ khí bị cấm từ nhiều tháng qua theo thỏa thuận Minsk 2 hiện đang được sử dụng công khai. Hàng ngàn thường dân đang bị sống trong cảnh không điện, không nhiên liệu để sưởi ấm và thiếu nước sạch.

Trên đây là những dấu hiệu cho thấy nguy cơ cuộc xung đột ở Đông Ukraine có thể một lần nữa vượt ngoài tầm kiểm soát. Nga, Mỹ và nhiều quốc gia khác đều đang bày tỏ lo ngại về điều đó. Giới chuyên gia cho rằng, những dấu hiệu đó là do có sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hôm 4/2, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, ông Trump hứa hẹn sẽ hợp tác với Nga và nhiều quốc gia liên quan nhằm tái thiết hòa bình cho miền Đông Ukraine.

Theo ông Oliphant, nếu ông Trump thực hiện tuyên bố trên, xung đột ở miền Đông Ukraine khó có thể giữ nguyên trạng. Sở dĩ, ông Oliphant lập luận như vậy bởi ông Trump đang có lập trường gần như trái ngược với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo đó, những chính sách của chính quyền mới về Ukraine sẽ hoàn toàn khác.

Trước đó, khi chưa nhậm chức, ông Trump khiến nhiều nhà lãnh đạo phương Tây sửng sốt khi cho biết có thể bỏ các lệnh trừng phạt Nga vì Ukraine để đối lấy các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga.

Còn trong cuộc gặp với Thủ tướng Anh Theresa May hồi tháng 1/2017, ông Trump dường như cố lảng tránh khi bà May nhắc lại lập trường của nước Anh rằng, Nga sẽ không được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nếu không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hòa bình về Ukraine – Minsk.

Trong khi đó, theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm hôm 3/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bàn về việc xây dựng lại mối quan hệ kinh tế và thương mại cùng có lợi giữa hai nước. Nhiều người nghĩ, đây là một tín hiệu cho thấy ông Trump đang tìm cách gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.

Ngay cả khi ông Trump chưa hành động gì, tình hình ở Ukraine cũng đã thay đổi theo những suy nghĩ xung quanh đó.

Cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Alexander Zakharchenko, người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng, đều cáo buộc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đứng đằng sau các cuộc giao tranh hồi cuối tuần qua để gây chú ý đối với ông Trump, ngăn chặn sự tái lập quan hệ Nga-Mỹ, và giảm khả năng Nga được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Hôm 2/2, ngay sau khi các các cuộc giao tranh nổ ra, ông Poroshenko đã nhấn mạnh rằng, tình hình bạo lực hiện nay ở miền Đông Ukraine đã chứng minh rằng, không thể gỡ bỏ trừng phạt đối với Nga. Ông cũng hứa hẹn sẽ sớm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Ukraine gia nhập NATO dù đó chỉ là một hành động tượng trưng bởi NATO chưa sẵn sàng sáp nhập Ukraine.

Trong khi đó, chính phủ Ukraine và những người ủng hộ phương Tây cho rằng lập trường mềm mỏng của ông Trump đối với Nga đã làm suy yếu sự răn đe đối với điện Kremlin.

Những người này tố cáo ngược lại rằng, Moscow và quân ly khai đã tiến hành các cuộc bắn phá ở Avdiivka để kiểm tra hoặc gây áp lực đối với chính phủ mới của Mỹ. Họ cho rằng, Nga làm vậy là để chuẩn bị hay để giành lợi thế trong các cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ về Ukraine.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột đóng băng ở miền Đông Ukraine vốn đã ẩn chứa những yếu tố bất ổn. Trong cuốn Everyone Loses, ông Samuel Charap, chuyên gia về Nga và Á - Âu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS - Anh), lập luận, các bên có liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine đều bị thua cuộc.

Theo ông, Nga bị mất cả tiền bạc và uy tín quốc tế khi không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận Minsk. Ukraine bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh đầy tốn kém và bất lực trong việc giành lại quyền kiểm soát Crimea hoặc Donbass (miền Đông Ukraine). Liên minh châu Âu cũng không thể kết nạp được Ukraine.

Tất cả những yếu tố trên đang “hâm nóng” cuộc xung đột “đóng băng” ở miền Đông Ukraine. Chính sách mới của Mỹ, những tính toán chính trị ở Moscow, Kiev, Washington khiến một cuộc giao tranh bất kỳ cũng rất dễ vượt ngoài tầm kiểm soát.

Trong khi đó, để khiến miền Đông đang “sôi sục” được bình thường trở lại không hề dễ bởi điều đó phụ thuộc vào việc khôi phục mối quan hệ Nga – Mỹ.

Trước đó, mối quan hệ Nga – Mỹ đã bị suy sụp nghiêm trọng do những mâu thuẫn không chỉ ở Ukraine mà còn ở Syria và nhiều vấn đề quốc tế khác. Nói tóm lại, nguyên nhân gây rạn nứt quan hệ Nga – Mỹ rất phức tạp.

Ngoài ra, theo ông Oliphant, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và cuộc xung đột ở Đông Ukraine còn liên quan đến tương lai của châu Âu, NATO, và toàn bộ kiến trúc an ninh toàn cầu. Moscow và Washington sẽ rất khó đi đến một thỏa thuận về Ukraine. Do vậy, nếu bị “hâm nóng” vào thời điểm hiện tại, cuộc xung đột Ukraine sẽ có rất ít cơ hội “nguội” trở lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại