Na Uy đang chế tạo tên lửa lợi hại nhất cho tiêm kích F-35 của Mỹ

Anh Tuấn |

Trong bối cảnh Quân đội Trung Quốc và Nga đang ngày càng phát triển, Mỹ và một số nước đang cần một loại tên lửa chống hạm mới. Một trong số các loại tên lửa do hãng Kongsberg của Na Uy chế tạo đang được xem xét.

Tạp chí National Interest viết, tên lửa Naval Strike Missile (NSM) của hãng Kongsberg được coi là “tên lửa chính xác tầm xa thế hệ thứ năm duy nhất đang tồn tại trên thế giới”. 

NSM được phóng đi từ một trực thăng hoặc tàu chiến, sau khi đạt độ cao và tốc độ lý tưởng nó sẽ khởi động động cơ phản lực để giữ nguyên tốc độ và hướng thẳng đến mục tiêu. Tầm bắn tối đa của NSM chỉ vào khoảng hơn 160 km.

Na Uy đang chế tạo tên lửa lợi hại nhất cho tiêm kích F-35 của Mỹ  - Ảnh 1.

Tên lửa NSM được phóng thử từ tàu USS Colorado của Hải quân Mỹ

Khác với các loại tên lửa như P-800 Oniks của Nga, có thể đạt tốc độ Mach 2.5, NSM không có tốc độ siêu thanh. Một đại diện của hãng Kongsberg cho biết hãng này tin rằng “tên lửa thông minh sẽ hiệu quả hơn tên lửa nhanh”. 

Thay vì cố vượt qua lưới phòng không của đối phương nhờ tốc độ cao, Kongsberg chọn giải pháp củng cố bề ngoài của tên lửa để nó có thể "tàng hình" trước rađa đối phương. Cộng thêm việc tên lửa sẽ bay ngang mặt nước biển sau khi được phóng đi, nó sẽ rất khó bị vô hiệu hóa.

Phần lớn các tên lửa chống hạm trên thế giới ngày nay sử dụng một thiết bị rađa chủ động để định vị mục tiêu. Mặc dù rất hiệu quả, song việc tên lửa phát sóng vô tuyến khi nhằm vào mục tiêu sẽ khiến nó bị các thiết bị điện tử phát hiện. 

Để khắc phục điểm yếu này, NSM sử dụng hệ thống cảm biến tia hồng ngoại. Ngoài ra, NSM sẽ chủ động đối hướng bay lên cao để tránh các loại vũ khí phòng vệ tầm gần của các tàu chiến.

Trước khi đến được mục tiêu, Hệ thống Nhận dạng Mục tiêu Tự động của tên lửa NSM sẽ tự xác định điểm yếu của mục tiêu để tấn công. Các thủy thủ cũng có thể lập trình NSM để tên lửa bắn vào một vị trí quan trọng trên tàu chiến của đối phương. 

Tên lửa được lắp đặt một đầu đạn nổ nặng 125 kg, có vỏ ngoài làm bằng titan, khiến nó có thể xuyên phá mạn tàu chiến đối phương tương đối dễ dàng.

NSM hiện đang được trang bị cho các tàu khu trục của Hải quân Na Uy, ngoài ra các xe quân sự của Ba Lan cũng đang sử dụng loại vũ khí này. Mỹ đang rất quan tâm đến NSM, khi họ đang tìm cách để thay thế tên lửa Harpoon đã cũ. 

Nếu được chọn, nó sẽ được trang bị cho các trực thăng Seahawk, tàu chiến và các tàu cận bờ LCS của Hải quân Mỹ. 

Năm 2014, NSM được phóng thử từ tàu USS Coronado và bắn chính xác một mục tiêu di động. Hãng Kongsberg tin rằng NSM sẽ rất có tương lai ở Mỹ và đã có kế hoạch thiết lập nhà máy lắp ráp tên lửa này tại bang Kentucky.

Ngoài ra, hãng Kongsberg cũng đã phát triển một phiên bản khác của tên lửa NSM mang tên Joint Strike Missile (JSM). JSM được dùng để tấn công các tàu chiến và mục tiêu trên bộ từ ở tầm xa, và được thiết kế để có thể đặt trong khoang chứa bên trong của máy bay F-35

Mặc dù NSM vẫn chưa được đưa vào sử dụng rộng rãi trên thế giới, song đây là loại vũ khí rất có triển vọng. Khả năng Mỹ sẽ mua loại tên lửa này cho F-35 là rất cao, và một khi điều này xảy ra, rất nhiều nước sẽ bày tỏ sự quan tâm đối với NSM và đặt mua nó với số lượng lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại