Mỹ phục chế thành công MiG-17 vì ngưỡng mộ

Tuấn Hưng |

Mỹ vừa phục chế thành công chiếc tiêm kích MiG-17 huyền thoại trong Không quân Việt Nam, một quyết định khá bất ngờ nhưng hoàn toàn dễ hiểu.

Quá trình đại tu sửa chữa một chiếc máy bay chiến đấu là điều không hề dễ dàng nhất là khi bạn phải đại tu một chiếc tiêm kích MiG-17F ngay trên đất Mỹ. 

Đa phần các mẫu chiến đấu cơ phản lực như MiG-17 tại Mỹ đều có nguồn gốc từ các quốc gia Đông Âu do đó quá trình thu mua chúng cũng dễ dàng hơn, bên cạnh đó các công ty hàng không Đông Âu cũng cho phép người Mỹ có thể tự tiến hành các đợt sửa chữa và đại tu máy bay.

Theo Sputnik, việc Mỹ phục chế và trưng bày chiến đấu cơ phản lực do Liên Xô sản xuất đã không còn là chuyện hiếm gặp, đặc biệt là những nguyên mẫu máy bay từng phục vụ trong Không quân Việt Nam. Thông tấn Nga cho rằng điều đó xuất phát từ sự ngưỡng mộ.

Đặc biệt khi MiG-17 đã hạ gục hàng loạt F-105 của Không lực Mỹ hiện đại hơn rất nhiều trên bầu trời Bắc Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Chiến đấu cơ MiG-17 là máy bay chiếm ưu thế trên không do Phòng thiết kế Mikyoan phát triển cho Không quân Liên Xô vào năm 1950.

 Mỹ phục chế thành công MiG-17 vì ngưỡng mộ  - Ảnh 1.

Mỹ phục chế chiếc MiG-17

MiG-17 sử dụng động cơ phản lực KV-1, nhược điểm của MiG-17 cũng như các hậu duệ của nó là MiG-19 và MiG-21 là cửa hút không khí cho động cơ nằm ngay mũi máy bay. Điều này khiến máy bay thiếu radar tầm xa ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng chiến đấu.

Một hạn chế khác là MiG-17 chỉ được trang bị pháo với 1 khẩu 37 mm và 2 khẩu 23 mm hoặc rocket không điều khiển hay bom rơi tự do. Biến thể đời đầu của MiG-17 thiếu bộ ngắm bằng radar cho pháo, các biến thể nâng cấp về sau mới được bổ sung thêm bộ phận này. MiG-17 chỉ có tốc độ cận âm, tốc độ tối đa khoảng 1.145 km/h.

Trong khi đó F-105 Thunderchief là một máy bay chiến đấu tốc độ siêu âm. Nó thực hiện chiến chuyến bay đầu tiên vào năm 1955, đi vào phục vụ trong Không quân Mỹ từ năm 1958. F-105 sử dụng động cơ phản lực J57-P-25, cửa hút không khí bố trí hai bên gốc cánh. Phần mũi của nó lắp radar AN/APG-31.

F-105 có thể đạt tốc độ tối đa gấp 2 lần vận tốc âm thanh (khoảng 2.208 km/h). Người ta trang bị cho nó đậm đặc các thiết bị điện tử cho phép thực hiện nhiệm vụ trong môi trường đe dọa cao. 

Một biến thể Wild Weasel chuyên dùng cho áp chế phòng không đối phương SEAD cũng được Mỹ cho ra đời sau các cuộc chạm trán với phòng không Bắc Việt Nam. Về vũ khí, F-105 có thể mang bom, tên lửa với tổng tải trọng 6,4 tấn. Ngoài ra, nó còn có một pháo 20 mm cùng 1.028 viên đạn.

Xét về tính năng, F-105 vượt trội hơn rất nhiều so với MiG-17 cổ lỗ, nhưng không vì thế mà nó là máy bay bất khả chiến bại trên bầu trời. Sau thời gian nghiên cứu đặc tính hoạt động của F-105 tại chiến trường Việt Nam cho thấy. F-105 thường bay vào đánh phá miền Bắc với 8 quả bom Mk 117 250 kg cùng 2 thùng dầu phụ có dung tích 1.700 hoặc 1.500 lít.

Với tải trọng vũ khí và nhiên liệu lớn như vậy nên F-105 mất đi khả năng cơ động. Một hạn chế khác về mặt chiến thuật là những rất nhiều chiếc F-105 nhận nhiệm vụ ném bom vào cùng một mục tiêu nên chúng phải thường bay vòng chờ tới lượt ném bom.

Khi vào đội hình vòng chờ ném bom (Orbit), những chiếc F-105 đều bay ở tốc độ 600 - 650 km/h, đây là tốc độ rất bất lợi khi chuyển sang không chiến. Đây là thời điểm thuận lợi nhất để những chiếc MiG-17 nhanh nhẹn công kích đội hình F-105.

Đúng 10h20 ngày 4/4/1965, Trung đoàn không quân 921 giao cho biên đội gồm phi công Lê Trọng Long, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương cất cánh làm nhiêm vụ nghi binh thu hút tiêm kích Mỹ ở độ cao 8.000 m. Biên đội tấn công gồm số 1 Trần Hanh, số 2 Phạm Giấy, số 3 Lê Minh Huân và số 4 Trần Nguyên Năm cất cánh sau đó khoảng 2 phút.

Đến 10h30, số 1 Trần Hanh phát hiện tốp 4 chiếc F-105D đang kéo lên cao sau khi cắt bom nên hoàn toàn rơi vào thế bất lợi. Biên đội MiG-17 của Trần Hanh khéo léo chen vào giữa tốp F-105D và F-100D để chiếm vị trí công kích. 

Chiếc MiG-17 của phi công Hanh bám theo một chiếc F-105D (mật danh Zin 01), đến cự ly 400 m, phi công Hanh bắn 3 loạt đạn, chiếc F-105D bốc cháy và rơi cách Thanh Hóa 30 km.

Đây là chiếc F-105 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Bắc Việt Nam. Cùng lúc đó, số 3 Lê Minh Huân tiếp cận vị trí thuận lợi và bắn cháy chiếc F-105D (Zin 02). 

Sau khi hạ 2 chiếc F-105D, biên đội MiG-17 được lệnh nhanh chóng thoát ly khỏi khu vực chiến đấu. Nhận thấy những chiếc MiG-17 công kích biên đội F-105, biên đội F-100D vội vã quay lại hộ tống nhưng tốp MiG-17 đã nhanh chóng cơ động thoát khỏi khu vực.

Trận không chiến ngày 4/4/1965 cho thấy rằng, với chiến thuật hợp lý cùng sự khéo léo của phi công, những chiếc MiG-17 lạc hậu vẫn hoàn toàn có thể bắn hạ những chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ thời đó. 

Không chỉ F-105 mà sau này các phi công MiG-17 của Không quân Nhân dân Việt Nam còn lập công bắn hạ cả loại siêu tiêm kích mạnh nhất Mỹ lúc bấy giờ - F-4 Phantom II.

Được biết, ngoài MiG-17, người Mỹ lưu giữ khá nhiều máy bay tiêm kích MiG-19 và MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam trong các bảo tàng trên khắp đất nước cờ hoa.

Tuy nhiên, những máy bay này không phải là những tiêm kích từng phục vụ trong Không quân Nhân dân Việt Nam. Đó chỉ là những chiếc cùng loại, có thể được mua hoặc sưu tầm từ các nước Đông Âu, được sơn màu, phù hiệu Không quân Nhân dân Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại