Mỹ muốn duy trì lực lượng USFK tại Hàn Quốc để kiềm chế Trung Quốc?

Hồng Anh |

Nếu Hiệp ước Hòa bình giữa hai miền Triều Tiên được ký kết, Mỹ vẫn cần duy trì lực lượng tại Hàn Quốc để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.

Các nỗ lực ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và xây dựng một nền hòa bình lâu dài đối với Hàn Quốc và Triều Tiên đã đặt ra một loạt câu hỏi đối với sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, chẳng hạn như Mỹ có cần hiện diện quân sự tại Hàn Quốc nữa hay không và quân đội Mỹ sẽ đóng vai trò gì trong trường hợp hai miền Triều Tiên ký kết Hiệp ước Hòa bình?

Tranh cãi về số phận USFK

Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), gồm 28.500 binh sỹ được biết đến với vai trò bảo đảm an ninh Hàn Quốc, đã nổi lên như một chủ đề mới trong các cuộc tranh luận về chính trị kể từ khi hai miền Triều Tiên nhất trí tại Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra vào cuối tháng 4 về việc tìm kiếm một Hiệp ước Hòa bình chính thức để chấm dứt cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953).

Theo Hiệp ước Quốc phòng Mỹ-Hàn năm 1953, Mỹ triển khai lực lượng này tại Hàn Quốc, để ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên và cũng là để đảm bảo an ninh tại khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, đã có nhiều lo ngại về số phận của lực lượng này trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang ấm dần lên.

Hồi đầu tháng 5, khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Ngoại giao của Mỹ, cố vấn an ninh của Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Chung-in cho rằng, sẽ rất khó để "biện minh cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc sau khi Hiệp ước Hòa bình được ký kết".

Nhưng ngay sau đó, Tổng thống Moon Jae-in đã lên tiếng bác bỏ nguy cơ Mỹ rút quân, khẳng định USKF không liên quan đến Hiệp ước Hòa bình và đây là vấn đề riêng của liên minh Mỹ-Hàn.

Báo chí cũng tốn rất nhiều giấy mực để đưa ra giả thiết hoặc tìm giải pháp cho số phận của USFK. Một số ý kiến cho rằng Mỹ cần phải rút lực lượng này về nước, song cũng có ý kiến nhận định USFK nên ở lại Hàn Quốc, với vai trò là thực thể trung lập, nhằm giám sát một Hiệp ước Hòa bình (có thể được ký kết) trên Bán đảo Triều Tiên.

Nhiều học giả cho rằng, Mỹ có thể giảm thiểu quy mô hoặc tái cơ cấu, thay đổi nhiệm vụ của USFK, theo đó, USKF sẽ đóng vai trò cân bằng giữa các cường quốc lớn trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và có sức ảnh hướng lớn hơn trên bán đảo Triều Tiên trong dòng chảy địa chính trị tại Đông Bắc Á.

Vai trò của USFK

Nhiệm vụ hàng đầu của USFK là chống lại mối đe dọa của Triều Tiên theo cơ chế phòng vệ tập thể. Sự hiện diện của lực lượng quân đội được cho là mạnh nhất thế giới này đã tạo ra sự thay đổi tương quan lực lượng theo hướng có lợi cho Hàn Quốc và bất lợi đối với Triều Tiên.

Mặc dù Hiệp ước Quốc phòng Mỹ-Hàn không có điều khoản yêu cầu lực lượng này can thiệp "tự động" vào cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng trong trường hợp "có biến" USFK sẽ gửi cảnh báo đến quân đội Hàn Quốc tại thời điểm sớm nhất và hỗ trợ đồng minh.

Ngoài chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên, USFK còn là một phần của Bộ tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC), đóng vai trò then chốt trong giám sát việc thực thi Hiệp định Đình chiến giữa Hàn Quốc với Triều Tiên.

USFK hoạt động dựa trên các điều khoản trong hiệp ước liên minh, còn UNC dựa trên điều khoản của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên nhiều đơn vị của USFK tại Hàn Quốc đã tiến hành các nhiệm vụ theo chỉ đạo của cả hai bên.

Chiến lược của Mỹ

Hoạt động của USFK không chỉ gói gọn trên Bán đảo Triều Tiên mà còn có thể được mở rộng để phù hợp với chiến lược quân sự của Mỹ đó là duy trì năng lực chiến đấu và vị tế trong khu vực, bảo đảm các nguyên tắc quốc tế chẳng hạn như tự do hàng hải trên Biển Đông, kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.

Trong thời gian qua, Mỹ đã phát triển một loạt chiến lược và học thuyết quân sự, chặng hạn như "Khái niệm chung về Tiếp cận và Kiểm soát trong môi trường toàn cầu", "Chiến tranh đa miền’ hay "Phân phối sức mạnh".

Động thái này nhằm đối phó với chiến lược A2/AD (nghĩa là "chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực") mà Trung Quốc đang xây dựng ở khu vực Tây Thái Bình Dương nhằm đẩy lùi lực lượng Mỹ.

Theo các nhà phân tích, nếu Hiệp ước Hòa bình được ký kết sẽ giúp làm giảm gánh nặng cho USKF trong bảo đảm an ninh trên bán đảo Triều Tiên, do đó lực lượng này có thể linh hoạt hơn để phục vụ các chiến lược quân sự khác của Mỹ.

Giáo sư Kim Tae-hyun, tại Đại học Chung Ang, Hàn Quốc cho rằng: "Từ lâu, Mỹ đã cố gắng biến USFK thành một lực lượng cơ động để có thể dễ dàng triển khai mọi lúc mọi nơi, nhưng nỗ lực này đã bị cản trở bởi mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên".

Nhiều học giả nhận định, kế hoạch của Mỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc có thể tạo ra căng thẳng trong quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Vì không loại trừ khả năng, BBán đảo Triều Tiên có thể trở thành bệ đỡ cho các lực lượng Mỹ trong trường hợp xung đột xảy ra giữa hai cường quốc.

Ông Park Won-gon, chuyên gia an ninh tại Đại học Quốc tế Handong cho biết: "Hàn Quốc chắc chắn đã lường trước hậu quả nếu Mỹ sử dụng căn cứ Pyeongtaek hoặc căn cứ không quân Osan làm nơi triển khai quân đội trong trường hợp xung đột xảy ra tại Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, giải quyết thế nào là vấn đề đàm phán giữa hai đồng minh này."

Sứ mệnh của USFK nếu Hiệp ước Hòa bình được ký kết

Vào năm 1999, một cuộc tranh luận liên quan đến sự tồn tại của USFK đã nổ ra khi Tổng thống Kim Dae-jung thúc đẩy chính sách Ánh Dương, tăng cường đối thoại và viện trợ kinh tế cho Triều Tiên.

Tại thời điểm đó, ông Kim Dae-jung cũng quyết liệt bảo vệ vai trò của USFK, cho rằng, nếu lực lượng này rút khỏi bán đảo Triều Tiên, một cuộc chạy đua vũ trang giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể phát sinh, khi đó Hàn Quốc sẽ là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất.

Để hạ nhiệt tranh cãi, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc khi đó ra thông báo khẳng định sự hiện diện của USFK là vấn đề giữa Mỹ và Hàn Quốc và mong muốn lực lượng này ở lại bán đảo Triều Tiên nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định tại Đông Bắc Á.

Đó là thời điểm trước kia, còn giờ đây sau gần 10 năm, sự thay đổi môi trường an ninh tại Châu Á đã cho thấy sự cần thiết phải điều chỉnh cơ cấu hoạt động của USFK và nhiệm vụ của liên minh Mỹ-Hàn. Một trong những câu hỏi chính liên quan đến USFK là liệu lực lượng này có thể giữ vai trò trung lập sau khi Hiệp định Hòa bình được ký kết hay không.

Theo một số nhà quan sát, điều này có thể xảy ra bởi Hiệp ước Quốc phòng Mỹ-Hàn không nêu rõ Triều Tiên là đối thủ chung của liên minh.

Hiệp ước chỉ quy định các đồng minh có quyền bảo vệ nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công tại khu vực Thái Bình Dương hoặc tại các vùng lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của mỗi bên.

Đối với vai trò tương lai của USFK, gìn giữ hòa bình là nhiệm vụ được nói đến nhiều nhất. USFK có thể nắm vai trò đảm bảo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên một cách độc lập, hoặc hoạt động trong khuôn khổ một tổ chức đa quốc gia có hoặc không liên hệ với Liên Hợp Quốc. Ngoài trách nhiệm gìn giữ hòa bình, USFK giúp tạo thế cân bằng trong khu vực.

Đối với Seoul mà nói, việc Mỹ rút quân hoặc giảm sự hiện diện của USFK sẽ là mối longaij lớn, vì điều này sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực, thúc đẩy các cường quốc khác tranh giành ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại