Mỹ loay hoay đối phó tàu ngầm Trung Quốc

Minh Thành |

Mỹ sẵn sàng chia sẻ bí mật với Ấn Độ và tăng cường hợp tác với Nhật Bản nhằm siết chặt thòng lọng đối phó tàu ngầm Trung Quốc.

Chia sẻ bí mật

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin quân sự cho biết, Ấn Độ và Mỹ đang thảo luận về việc giúp đỡ lẫn nhau truy tìm các tàu ngầm tại Ấn Độ Dương. Động thái này có thể giúp siết chặt quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn trước tình hình Trung Quốc tăng cường các hoạt động ngầm.

Cả Mỹ và Ấn Độ đang hết sức quan ngại trước khả năng và tham vọng của Hải quân Trung Quốc, ngày càng quyết đoán hơn tại Biển Đông và thách thức vị thế hiện nay của New Delhi ở Ấn Độ Dương.


Tàu ngầm lớp Scorpene của Ấn Độ thử nghiệm hôm 1/5

Tàu ngầm lớp Scorpene của Ấn Độ thử nghiệm hôm 1/5

Sau nhiều thập kỷ do dự không muốn ngả về phía Mỹ, rốt cuộc tháng trước Ấn Độ đã chấp nhận mở cửa các căn cứ quân sự cho Mỹ, để được chuyển giao công nghệ vũ khí nhằm rút ngắn khoảng cách với Trung Quốc.

Hai bên cũng cho biết Hải quân Mỹ - Ấn sẽ bàn thảo về việc chống tàu ngầm (ASW), một lĩnh vực công nghệ quân sự nhạy cảm và về mặt chiến thuật, chỉ có các đồng minh gần gũi mới chia sẻ cho nhau.

Giới chức Hải quân Ấn Độ nói rằng tàu ngầm Trung Quốc được phát hiện trung bình bốn lần/ba tháng.

Một số được trông thấy gần các đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, nối với eo biển Malacca, cửa ngõ vào Biển Đông vốn là tuyến đường trên 80% lượng nhiên liệu cung ứng cho Trung Quốc phải đi qua.

Mỹ và Ấn Độ từng tập trận hải quân chung, trong đó đều sử dụng máy bay săn ngầm thế hệ mới P-8, nên có thể chia sẻ dễ dàng hơn các thông tin siêu nhạy cảm về các hoạt động của tàu ngầm.

P-8 là vũ khí săn tàu ngầm hiện đại nhất của Mỹ, được trang bị các bộ cảm biến có thể truy tìm và nhận diện tàu ngầm bằng sóng siêu âm và các phương tiện khác.


Máy bay săn ngầm P-8 Poseidon của Mỹ

Máy bay săn ngầm P-8 Poseidon của Mỹ

Hải quân Ấn Độ từ chối đưa ra lời bình luận về vấn đề hợp tác chống ngầm giữa nước này với Mỹ, song Reuters dẫn một nguồn tin của quân chủng này cho biết mục tiêu sắp tới của cuộc tập trận chung sẽ diễn ra ở phía bắc Biển Philippines vào tháng 6 tới là nhằm chống tàu ngầm xâm nhập.

Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ và cũng đang truy lùng tàu ngầm Trung Quốc ở biển Hoa Đông, cũng sẽ tham gia.

Theo các chuyên gia, có hai nhân tố liên quan đến việc hợp tác. Viễn cảnh các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc tuần tra đã khiến các nước phải giám sát các hoạt động xung quanh căn cứ tàu ngầm của nước này ở đảo Hải Nam.

Trong khi đó, Ấn Độ đang chuẩn bị ra mắt tàu ngầm tự đóng đầu tiên, trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Trong khi Mỹ muốn truy tìm các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc ở Thái Bình Dương, thì Bắc Kinh cũng lên kế hoạch điều nhiều tàu ngầm tấn công hơn đến Ấn Độ Dương để theo dõi các động tĩnh của New Delhi.

Mỹ hiện dẫn đầu thế giới về việc chống tàu ngầm xâm nhập và theo các chuyên gia, việc hợp tác có thể mở rộng với Australia, một đồng minh khác của Mỹ vừa đặt mua 12 chiếc tàu ngầm tiên tiến.

Được hỏi về vấn đề hợp tác Mỹ - Ấn, bà Hoa Xuân Oánh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh “hy vọng sẽ là sự hợp tác bình thường, có ý nghĩa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Siết thòng lọng

Cùng với Ấn Độ, Mỹ cũng tăng cường hợp tác với Nhật Bản nhằm theo dõi tàu ngầm của Trung Quốc.

Các nguồn tin tình báo cho biết Mỹ đã lắp đặt hệ thống theo dõi tàu ngầm bằng sóng âm thanh (SOSUS) hiện đại nhất ở vùng biển Okinawa của Nhật Bản và quân đội hai nước Nhật - Mỹ cùng khai thác sử dụng để theo dõi mọi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc từ Biển Hoa Đông và Hoàng Hải ra Thái Bình Dương.

Mặc dù hệ thống này có thể giúp quân đội Mỹ phát hiện và tấn công tàu ngầm Trung Quốc, nhưng nó lại bị cho là vi phạm Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.

Hoạt động lắp đặt SOSUS nhằm theo dõi tàu ngầm Trung Quốc là dự án tối mật trong cơ chế bảo đảm an ninh Nhật - Mỹ.

Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản chỉ báo cáo sự việc này với hơn 10 quan chức cấp cao trong nội các, bao gồm cả Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatan.

SOSUS sử dụng Trạm quan trắc của Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản tại Uruma (thuộc Căn cứ Okinawa) làm cứ điểm.

Từ đó theo hai hướng Đông Bắc và Tây Nam lắp đặt hệ thống cáp điện dưới đáy biển, mỗi hướng dài hàng trăm km kéo dài đến tận Kyushu (Nhật Bản) và Eo biển Đài Loan, khiến vùng biển phía Tây Nam Thái Bình Dương trong đó bao gồm cả nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư đều nằm trong phạm vi theo dõi của SOSUS.

Các chuyên gia quân sự cho biết, SOSUS là hệ thống theo dõi bằng âm thanh hiện đại nhất của Mỹ hiện nay, với hệ thống dây cáp điện được lắp đặt các thiết bị cảm nhận sóng điện từ và sóng âm thanh dưới nước (mỗi thiết bị được gắn cách nhau khoảng 30 km).

SOSUS thu thập dữ liệu liên quan đến hoạt động của tàu ngầm và dữ liệu sẽ được truyền về bộ phận phân tích giải mã để quân đội Mỹ và Nhật Bản cùng sử dụng.


Mỹ gia tăng phát triển các hệ thống chống ngầm, trong đó có hệ thống di động Seaweb sử dụng các robot lặn không người lái.

Mỹ gia tăng phát triển các hệ thống chống ngầm, trong đó có hệ thống di động Seaweb sử dụng các robot lặn không người lái.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nhật Bản đã từng lắp đặt SOSUS tại Eo biển Tsugaru và Eo biển Tsushima nhằm theo dõi tàu ngầm của Liên Xô (cũ).

Đây là lần đầu tiên Mỹ và Nhật Bản lắp đặt hệ thống SOSUS theo dõi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc. Hơn nữa, SOSUS là hệ thống mới nhất, có mức độ cảm nhận sóng từ và âm thanh dưới nước siêu nhạy từ khoảng cách xa hàng trăm km.

Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng chính các tên lửa đạn đạo được bố trí trên tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc neo đậu ở khu vực ven biển có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ nước Mỹ đã buộc Washington phải tăng cường theo dõi mọi di biến động của tàu ngầm Trung Quốc.

Việc chia sẻ thông tin tình báo thu thập được qua SOSUS được coi là lĩnh vực hợp tác chặt chẽ hiếp thấy giữa Mỹ và Nhật Bản.

Với hệ thống này, một khi Eo biển Đài Loan bùng nổ xung đột quân sự, quân đội Mỹ hoàn toàn có thể căn cứ vào thông tin tình báo thu thập được qua SOSUS phát động tấn công chính xác nhằm vào tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.

Uy hiếp Trung Quốc

Mỹ ráo riết tiến hành các hoạt động nhằm đối phó tàu ngầm Trung Quốc trong bối cảnh hồi cuối năm ngoái, các nguồn tin phương Tây cho biết Hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã triển khai một tàu ngầm năng lượng hạt nhân đạn đạo lớp Type-094 nhằm mục đích răn đe hạt nhân.

Nếu thông tin này được xác thực thì đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai một tàu ngầm hạt nhân thực hiện nhiệm vụ tuần tra.

Do quân đội Trung Quốc luôn giữ bí mật các thông tin nên vẫn chưa thể xác nhận liệu chiếc tàu ngầm này có thực sự trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hay không.

Đô đốc bốn sao của Mỹ, Tướng Cecil Haney nhận định: "Trung Quốc có thể cài đặt tên lửa trong các cuộc tuần tra chiến lược của họ. Nếu có, đây sẽ là một bước tiến mới trong chiến lược hạt nhân của Bắc Kinh".

Theo giới chuyên gia, trong Chiến tranh Lạnh trước đây, phương pháp răn đe hạt nhân đã được xem là phương pháp hiệu quả để giữ cho căng thẳng giữa khối Hiệp ước Vácxava và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không bùng nổ thành chiến tranh.

Mặc dù phần lớn những lời bàn tán xung quanh học thuyết “đảm bảo tiêu hủy lẫn nhau”(MAD) đã biến mất cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, nhưng một số quốc gia vẫn giữ kho vũ khí hạt nhân khá lớn để ngăn cản những quốc gia khác tấn công họ.

Một phần quan trọng của phương pháp răn đe hạt nhân là phát triển "bộ ba hạt nhân". Bộ ba này gồm có năng lực hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển. Khả năng tấn công thứ hai tức là hạt nhân trên không được sử dụng trong trường hợp đối thủ tấn công phủ đầu.


Tàu ngầm của Trung Quốc tại căn cứ Thanh Đảo

Tàu ngầm của Trung Quốc tại căn cứ Thanh Đảo

Tàu ngầm và các phương tiện phóng cỡ nhỏ, di động trên đất được trang bị hạt nhân đạn đạo và đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV) là hai thành tố quan trọng trong cuộc tấn công hạt nhân trên không, vì chúng rất khó phát hiện và khó phá hủy.

Cùng thời gian này, Hải quân Mỹ đã điều 2 tàu chi viện cho tàu ngầm USS Emory.S.Land và USS Frank Cable hỗ trợ cho 4 tàu ngầm hạt nhân tấn công bố trí tại Guam và các tàu ngầm khác ở khu vực này.

Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định vai trò chủ yếu của tàu chi viện cho tàu ngầm là mở rộng phạm vi tác chiến và nâng cao hiệu quả tác chiến cho tàu ngầm hạt nhân.

Trong trường hợp tàu ngầm không thể trở về quân cảng hoặc căn cứ, tàu này có thể chi viện cho tàu ngầm trên biển như cứu chữa cho người bị thương trên tàu, cung cấp nước ngọt, đồ ăn, dược phẩm và hàng tiêu dùng.

Ngoài ra, tàu này còn có thể đổi vũ khí cho tàu ngầm hạt nhân, sửa chữa các thiết bị hư hại trên tàu ngầm. Sau khi được chi viện, hiệu quả tác chiến của tàu ngầm sẽ được nâng cao.


Tàu ngầm của Mỹ tại Guam

Tàu ngầm của Mỹ tại Guam

Tàu chi viện cho tàu ngầm bố trí ở Guam có thể chi viện cho tất cả các tàu ngầm khác của Mỹ hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm cả hai tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình.

Tàu chi viện còn giúp đảm bảo cho những tàu ngầm này có thể hoạt động trong thời gian lâu hơn.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, việc Mỹ bố trí 4 tàu ngầm hạt nhân tấn công ở Guam và điều động thêm hai tàu chi viện đến đây cho thấy Mỹ coi Guam là căn cứ quan trọng phát huy vai trò của tàu ngầm hạt nhân tấn công.

Theo đó, Mỹ không cho phép ở khu vực Thái Bình Dương có một nước nào có thể cạnh tranh với Mỹ trong khi Trung Quốc và Nga bị Mỹ coi là mối đe dọa tiềm tàng ở khu vực này.

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, trọng điểm chiến lược của Nga là châu Âu, vì vậy Mỹ chủ trương mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông để bao vây Nga, còn củng cố căn cứ quân sự ở Guam chủ yếu là để bao vây và uy hiếp Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại