Mỹ không muốn chạm trán với tàu ngầm tàng hình của Nga

Thùy Linh |

Tàu ngầm dự án 877 (NATO gọi là lớp Kilo) được coi là một trong những tàu ngầm tốt nhất trong lớp diesel-điện và cũng là đối thủ mà Hải quân Mỹ không hề muốn chạm trán hay đối đầu.

Đó là nhận định được cây bút chuyên về lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia Kyle Mizokami đưa ra trong một bài viết mới đây đăng trên Tạp chí National Interest với tiêu đề "The Russian Stealth Submarine No Nation Wants to Fight (Especially America)", tạm dịch: "Không nước nào muốn chạm trán với tàu ngầm tàng hình của Nga, đặc biệt là Mỹ".

Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin giới thiệu nội dung chính trong bài viết.

Tàu ngầm lớp Kilo từng là một sản phẩm rất thành công của Nga cả về mặt kỹ thuật lẫn về phương diện xuất khẩu.

Con tàu này gần như đã trở thành huyền thoại trong mắt NATO khi xuất hiện không chỉ ở Liên Xô mà còn ở các nước đồng minh của mình. 53 tàu ngầm lớp Kilo đã được chế tạo trong vòng 33 năm qua, giúp các xưởng đóng tàu nước này vẫn liên tục hoạt động kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay.

Không giống Hải quân Mỹ phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng hạt nhân, Nga vẫn duy trì hạm đội tàu ngầm chạy bằng cả diesel lẫn năng lượng hạt nhân. Với sức mạnh trên bộ bao quanh phần lớn Á - Âu, tàu ngầm của Nga luôn trong tình trạng sẵn sàng hành động hơn tàu ngầm của Mỹ.

Trong khi Nga vẫn duy trì tàu ngầm hạt nhân để thực hiện các cuộc tuần tra ngoài khơi xa, hạm đội tàu ngầm diesel của nước này cũng đủ để hỗ trợ Nga trong các cuộc xung đột ở châu Âu, Trung Đông và các khu vực gần kề Nga.

Mỹ không muốn chạm trán với tàu ngầm tàng hình của Nga - Ảnh 1.

Tàu ngầm lớp Kilo dự án 877. Nguồn: National Interest

Giữ vai trò chủ chốt trong hạm đội tàu ngầm của hải quân Nga là tàu ngầm dự án 877 chạy bằng diesel hay còn được NATO gọi là tàu ngầm lớp Kilo.

Được Hải quân Mỹ mệnh danh là "lỗ đen trên biển", tàu Kilo gây ra rất ít tiếng ồn. Tàu ngầm lớp Kilo này hoạt động rất êm, được chế tạo liên tục trong khoảng 30 năm qua, đây có thể coi là minh chứng cho tính hiệu quả của tàu ngầm này.

Tàu lớp Kilo ban đầu được thiết kế để các quốc gia trong khối "Hiệp ước Warsawa" cũ sử dụng, nó sẽ thay thế cho các tàu dự án 613 và 641 cũ. Tàu chỉ có chiều dài 72 m, rộng 10 m và có trọng lượng 3.076 tấn. Tàu được vận hành bởi một đội ngũ gồm 12 sĩ quan và 41 thủy thủ và có thể hoạt động trên biển trong vòng 45 ngày trước khi nạp nhiên liệu.

Tàu có hai động cơ diesel cùng một máy phát điện, giúp có thể đạt tốc độ 10 hải lý/giờ khi nổi và 17 hải lý/giờ khi lặn. Tầm hoạt động của tàu vào khoảng 6.000 đến 7.500 hải lý, có nghĩa là từ trụ sở Hạm đội phía bắc của Nga, tàu Kilo có thể tuần tra cả ngàn hải lý và sau đó tiến thẳng tới Cuba.

Điểm đáng chú ý nhất của tàu ngầm lớp Kilo đó là khả năng hoạt động bí mật. Thân tàu có hình dáng giọt nước, nhờ đó giảm sức cản dưới nước khi lặn so với các tàu trong Thế chiến II. Khoang động cơ được thiết kế tách biệt, bản thân tàu cũng được ốp một lớp cao su đặc biệt nhằm ngăn chặn các tiếng ồn trong tàu phát ra bên ngoài.

Hệ thống tái tạo khí trên tàu có thể cung cấp đủ khí ôxy cho thủy thủ đoàn trong vòng 260 tiếng, khiến tàu Kilo có thể chạy dưới nước trong hai tuần.

Mỹ không muốn chạm trán với tàu ngầm tàng hình của Nga - Ảnh 2.

Tàu ngầm lớp Kilo " Varshavyanka" thuộc dự án 636.3. Nguồn: inosmi

Tính năng quan trọng nhất của loại tàu ngầm này chính là hệ thống Sonar (hệ thống dò tìm mục tiêu dưới nước), nhà bình luận quân sự Kyle Mizokami cho biết. Tàu lớp Kilo được trang bị các hệ thống radar tần số thấp MGK-400 Rubikon, cùng radar tần số cao MG519 để tăng khả năng xác định mục tiêu và tránh thủy lôi đối phương gài dưới biển.

Để dò đường và tìm kiếm các vật thể quan trọng dưới biển, tàu Kilo cũng được lắp đặt radar MRK-50 Albatros. Còn về vũ khí, mỗi tàu lớp Kilo có 6 ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn có đường kính 533mm và mang theo thủy lôi định hướng cùng 18 tên lửa chống tàu ngầm SS-N-15A Starfish.

Trên những con tàu được chế tạo gần đây của dự án này, có hai trong số các ống phóng ngư lôi có khả năng phóng ngư lôi dẫn đường bằng dây dẫn. Một điểm đặc biệt nữa đối với tàu ngầm lớp này là được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không Igla.

Vào thời Liên Xô, đã có 24 tàu ngầm lớp Kilo được đưa vào sử dụng, trong đó có 11 tàu đến nay vẫn được Nga sử dụng.

Một tàu Kilo được bán cho Ba Lan và đến nay vẫn hoạt động, 1 chiếc khác bán cho Romani và đã ngừng sử dụng. 10 tàu Kilo đã bán cho Ấn Độ, trong đó 9 tàu vẫn được sử dụng, tàu còn lại gặp hỏa hoạn và chìm vào tháng 8/2013. Iran có 3 tàu lớp Kilo, trong khi đó Algeria có 2 tàu. Trung Quốc cũng có 2 tàu lớp Kilo được mua về sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Tàu ngầm là một trong những tàu đầu tiên mà các xưởng đóng tàu Nga bắt tay vào chế tạo sau khi Liên Xô sụp đổ Một phiên bản cải tiến của tàu ngầm Kilo có tên là tàu ngầm lớp Kilo "Varshavyanka" thuộc dự án 636.3 được chế tạo để khôi phục sức mạnh quân sự của Hải quân Nga cũng như để xuất khẩu ra nước ngoài.

Tàu ngầm Kilo 636.3 là phiên bản nâng cấp toàn diện. Kích thước của con tàu này hoàn toàn giống phiên bản cũ nhưng mũi tàu đã được thiết kế lại để có thể dễ dàng hoạt động dưới nước hơn. Nó giúp con tàu hoạt động cực kỳ êm ái và hầu như không tạo tiếng ồn nhờ việc đưa các bộ phận máy móc đến những khu vực không tạo ra nhiều tiếng ồn.

Con tàu này cũng có phạm vi hoạt động lớn hơn 25% so với các phiên bản trước đây. Tuy nhiên các hệ thống sonar lớn này phần lớn đều giống với phiên bản ban đầu.

Một nâng cấp lớn của tàu ngầm Kilo 636.3 là khả năng phóng tên lửa hành trình Kalibr. Kalibr là một loại tên lửa cực kỳ linh hoạt với phiên bản tác chiến tấn công mặt đất, chống tàu và chống tàu ngầm. Vào tháng 12/2016, tàu ngầm Rostov-on-Don của Nga đã phóng tên lửa tấn công mặt đất Kalibr giáng đòn vào phiến quân IS ở Syria.

Trung Quốc là khách hàng đầu tiên mua tàu 636.3 khi vào năm 1990 nước này đã mua về 10 tàu loại này. Algeria cũng đã mua hai tàu 636.3 để hỗ trợ cho hai tàu ngầm lớp Kilo mà họ đã mua của Nga trước đó.

National Interest ghi nhận, Việt Nam cũng đã mua 6 tàu lớp Kilo hiện đại, là hạt nhân trong lực lượng chống tiếp cận chống lại kẻ thù tiềm năng. Số tiền Việt Nam bỏ ra để mua 6 tàu ngầm này là 1,8 tỷ USD, và hiện 5 chiếc đã được bàn giao.

Cuối cùng, Nga để 6 chiếc tàu ngầm Kilo 636.3 để bảo vệ đội tàu ngầm của mình. Chiếc cuối cùng mang tên Kolpino được xây dựng ở xưởng đóng tàu Admiralty ở St. Petersburg vào tháng 2/2017.

Tàu Kolpino sẽ phục vụ trong Hạm đội Biển Đen, nơi nó có thể thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào các mục tiêu IS. Nga dường như đã ngừng đóng thêm tàu ngầm lớp Kilo để chuyển sang tàu ngầm lớp Lada.

Hiện nay, các hoạt động của Nga chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cùng những căng thẳng ở Biển Đông đang làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ hải quân, và rất có thể thế giới sẽ được chứng kiến khả năng thật sự của tàu ngầm lớp Kilo ở các vùng biển châu Á./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại