Mỹ điều khu trục hạm theo dõi tàu sân bay Trung Quốc

Phạm Nghĩa |

Hải quân Mỹ đã triển khai tàu khu trục lớp Arleigh Burke theo dõi tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan vào tuần trước.

Báo China Times ngày 18-7 cho biết tàu khu trục của hải quân Mỹ cùng với chiến hạm của Đài Loan đã theo dõi tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc từ phía vùng lãnh thổ Đài Loan.

Ngoài tàu khu trục, hải quân Mỹ còn triển khai một tàu ngầm hạt nhân tại vùng biển gần Đài Loan để thu thập thông tin tình báo. Tuy nhiên, tàu ngầm này không đi vào eo biển Đài Loan do mực nước tại đây khá nông.

Đầu tháng này, tàu sân bay Liêu Ninh ghé cảng Hồng Kông trong vòng 5 ngày để kỷ niệm 20 năm ngày Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc. Quân đội Đài Loan cho hay tàu Liêu Ninh đi vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo để tới Hồng Kông, sau đó quay lại căn cứ ở miền Bắc Trung Quốc.

Đây là lần thứ ba tàu sân bay Liêu Ninh đi qua đường phân tách ở eo biển Đài Loan. Đường phân tách này do Mỹ thiết lập vào những năm 1950 để phân định các khu vực do Bắc Kinh và Đài Bắc kiểm soát. Hai lần trước tàu sân bay Liêu Ninh đi qua đây là vào tháng 11-2013 và tháng 1 năm nay.

Trong khi đó, China Times nói rằng tàu hải quân Mỹ hiếm khi tiến vào eo biển Đài Loan (rộng khoảng 160 km, chia cách Đài Loan và đại lục). Tờ báo nhận định đây là động thái "mang ý nghĩa quân sự và chính trị".

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc chính thức biên chế hồi tháng 12-2012. Doanh nhân Hồng Kông Xu Zengping – người sở hữu Công ty Chong Lot Travel Agency, trụ sở tại Macau - ban đầu mua lại tàu sân bay Varyag (do Liên Xô cũ sản xuất) tại một cuộc đấu giá ở Ukraine với giá 20 triệu USD tháng 4-1998, sau đó bán lại cho chính phủ Trung Quốc với giá 30 triệu USD.

Chiếc tàu này được sửa sang và đổi tên thành Liêu Ninh rồi bàn giao cho PLA vào ngày 25-9-2012.

Theo trang web Boxun (Hồng Kông), ông Xu được cho là "chọc giận" Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vì khoe khoang mình có mối liên hệ với quân đội, đồng thời đề cập vai trò của bản thân trong việc giúp Trung Quốc mua tàu sân bay Liêu Ninh. Tháng 11 năm ngoái, Boxun đưa tin ông Xu đã bị bắt giam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại