Mỹ đầu tư 6 tỷ USD nâng cấp xe tăng chiến đấu M1 Abrams

THÙY LINH |

Mỹ sẽ đầu tư 6 tỷ USD vào việc nâng cấp xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams. Số tiền đầu tư này tăng gần gấp 2 lần so với khoản tiền mà chính quyền của người tiền nhiệm Barack Obama đã chi ra trong suốt 8 năm cầm quyền.

Phát biểu tại Nhà máy xe tăng quân đội Lima ở bang Ohio (Mỹ), Tổng thống Donald Trump cho biết, nước này sẽ đầu tư 6 tỷ USD vào chương trình hiện đại hóa xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams.

Trang web của Nhà Trắng dẫn tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ cho biết: “ Trong vòng 3 năm tới, chúng tôi sẽ đầu tư hơn 6 tỷ USD để nâng cấp và hiện đại hóa xe tăng M1 Abrams. Số tiền đầu tư này tăng gần gấp 2 lần so với khoản tiền mà chính quyền tiền nhiệm đã chi trong suốt 8 năm”.

Nền tảng lỗi thời

Nhà máy xe tăng quân đội Lima là đơn vị sản xuất xe tăng duy nhất của Mỹ. Nhà máy này được điều hành bởi Tập đoàn General Dynamics, nhưng thuộc quyền sở hữu của Lầu Năm Góc.

Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama, nhà máy này rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu các hợp đồng lớn. Cùng với đó, việc sản xuất hàng loạt xe tăng Abrams cho Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đã chấm dứt hơn 10 năm trước.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RT, chuyên gia quân sự, Tổng biên tập Tạp chí “ Kho vũ khí của Tổ quốc” Viktor Murakhovsky lưu ý, Mỹ rất có thể sẽ không nối lại việc sản xuất hàng loạt xe tăng Abrams.

Nhà máy xe tăng quân đội Lima cùng với các nhà máy khác sẽ tiến hành đại tu và cải tiến xe tăng, chuyên gia này giải thích. Hiện nay, Quân đội Mỹ đang có khoảng 7.900 xe tăng Abrams.

Cụ thể, trong số đó có 2/3 xe tăng phục vụ cho Lục quân và Thủy quân lục chiến, số còn lại đang nằm trong kho lưu trữ. “ Không có thông tin gì về việc Mỹ sẽ tăng số lượng xe tăng này. Hơn nữa, xe tăng Abrams là một nền tảng lỗi thời, có nhược điểm mà các xe tăng thế hệ trước vốn có”, chuyên gia Viktor Murakhovsky cho biết.

Về phần mình, chuyên gia khoa học quân sự Sergei Suvorov nhấn mạnh, hiện nay, Mỹ đang ở trong một tình huống khá khó khăn do thiếu khái niệm về xe tăng thế hệ mới. Việc hiện đại hóa xe tăng M1 Abrams là bắt buộc, chuyên gia Sergei Suvorov khẳng định.

Mỹ đã triển khai sản xuất hàng loạt xe tăng M1 Abrams vào năm 1981. Về trọng lượng, xe tăng Mỹ vượt trội đáng kể so với xe tăng của Nga. M1 Abrams có trọng lượng hơn 54 tấn, trong khi đó xe tăng T-72 và T-90 do Nga sản xuất có trọng lượng khoảng 44-46 tấn. M1 Abrams có chiều dài (với một khẩu pháo) là 9,8 m và chiều rộng là 3,65 m.

Vũ khí chủ lực của xe tăng M1 Abrams là pháo nòng trơn M256 cỡ nòng 120 mm. Trước đó, pháo nòng xoắn M68A1 cỡ nòng 105 mm đã được lắp đặt ở các phiên bản đầu tiên. Tuy nhiên, khẩu pháo này được đánh giá là thiếu uy lực, sức sát thương kém và chưa đủ để đối phó với giáp xe tăng hiện đại.

Đẩy nhanh công tác hiện đại hoá

M1 Abrams tham chiến lần đầu vào năm 1991 trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc. Trong cuộc xung đột này, Mỹ đã mất khoảng 20 chiếc M1 Abrams. Chúng đã bị phá hủy bởi hỏa lực của các xe tăng T-72 thuộc Quân đội Iraq. Một số xe bị trúng đạn của súng phóng lựu đạn cầm tay hoặc trúng mìn.

Ngoài ra, xe tăng M1 Abrams cũng được Quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 và chiến dịch tại Afghanistan từ năm 2001 đến 2014. Theo chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovsky, xe tăng M1 Abrams không chiến đấu xuất sắc ở Trung Đông.

Ông Viktor Murakhovsky cho biết: " Tôi không nói rằng M1 Abrams là một chiếc xe tăng tồi. Tôi có thể giải thích rằng, việc M1 Abrams không phát huy hiệu quả chiến đấu trên chiến trường chủ yếu là do sự thiếu chuyên nghiệp của kíp lái và sai lầm của chỉ huy trong chiến thuật sử dụng M1 Abrams”.

Trong thời gian gần đây, Mỹ thường xuyên tiến hành cải tiến M1 Abrams. Công tác hiện đại hóa mẫu xe tăng này chủ yếu liên quan đến đến phần thiết bị điện tử.

Vào tháng 7 -2018, Tập đoàn General Dynamics đã công bố ký kết hợp đồng với Lầu Năm Góc để nâng cấp 100 chiếc xe tăng M1A1 Abrams lên phiên bản M1A2 (M1A2C).

Tháng 1- 2019 General Dynamics tiếp tục nhận được đơn hàng nâng cấp thêm 174 xe tăng M1A1 Abrams nữa. Phiên bản mới M1A2 Abrams được trang bị các thiết bị máy tính, hệ thống radio, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thiết bị laser, máy quay video và các hệ thống khác nhằm tăng khả năng sống sót của xe tăng trên chiến trường.

Ngoài ra, M1A2 Abrams còn được trang bị tổ hợp phòng thủ chủ động Rafael Trophy của Israel , được thiết kế để đánh chặn đạn, lựu đạn và tên lửa. Về cấu trúc thiết kế, hệ thống Rafael Trophy có 1 radar phát hiện mục tiêu Elta EL/M-2133 cùng 4 anten mảng pha gắn cố định và 2 ống phóng đạn để tiêu diệt các đầu đạn của đối phương.

Hồi tháng 11 2018, trên Tạp chí Mỹ The National Interest, nhà phân tích người Mỹ Charlie Gao đã nhận định, lợi thế quan trọng nhất của dòng xe tăng Abrams so với các mẫu xe tăng của Nga là hệ thống định vị Blue Force Tracker.

Hệ thống này cho phép các chỉ huy phản ứng nhanh hơn với sự thay đổi điều kiện chiến đấu và phối hợp hành động hiệu quả hơn trên chiến trường. Theo các chuyên gia, thiết bị điện tử là thế mạnh của xe tăng phương Tây, bao gồm cả xe tăng của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại