Mỹ có “thợ săn biển” có thể làm Nga và Trung Quốc khiếp sợ?

Anh Tuấn |

Theo tạp chí National Interest, Hải quân Mỹ đang phát triển một loại tàu ngầm không người lái có khả năng sử dụng vũ khí và dùng các thiết bị điện tử để ngăn chặn tàu đối phương.

Loại tàu mang tên “Thợ săn Biển” (Sea Hunter) của Cơ quan Nghiên cứu Các dự án Phòng thủ Tối tân Mỹ (DARPA) đã được nghiên cứu phát triển từ năm 2010. “Thợ săn Biển” có thể được vận hành qua một hệ thống điều khiển từ xa. 

Tuy nhiên khi công nghệ ngày càng phát triển, các thuật toán lập trình đã cho phép các tàu không người lái có thể hoạt động tự động dễ dàng hơn trước. Vì vậy, Hải quân Mỹ đã có ý tưởng nâng cấp để tàu có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn.

Mỹ có “thợ săn biển” có thể làm Nga và Trung Quốc khiếp sợ? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa tàu ngầm "Thợ săn Biển" của Mỹ, còn có tên khác là ACTUV

“Hiện tại, tiềm năng của tàu là không giới hạn, nhưng chúng ta cần phải chế tạo được một hệ thống tự động có thể tự vận hành và thay đổi vị trí tùy vào tình huống”, Đại úy Jon Rucker, Giám đốc phụ trách dự án “Thợ săn Biển” cho biết.

Con tàu được thiết kế để có tầm hoạt động lên đến hơn 16.000 km và được lắp đặt các hệ thống cảm biến hiện đại để xác định vị trí của thủy lôi và các tàu ngầm của đối phương. 

Thiết bị sonar của tàu có thể phát đi những âm thanh “ping” để xác định sóng âm dội ngược dưới nước, qua đó xác định hình dáng, kích cỡ, tốc độ và đặc điểm của bất kỳ loại tàu nào. Nếu cần, “Thợ săn Biển” có thể theo dõi tàu của đối phương trong nhiều tháng.

Trong tương lai, “Thợ săn Biển” có thể được trang bị thêm nhiều hệ thống thăm dò, thiết bị gây nhiễu và các loại vũ khí hiện đại. “Nó sẽ có thể phối hợp với các đội tàu trên biển, tự đưa ra quyết định tác chiến và điều tra”, ông Rucker cho biết. DARPA cũng đang nghiên cứu để kéo dài thời gian hoạt động của “Thợ săn Biển” lên thành 90 ngày.

Trong bối cảnh công nghệ quân sự đang ngày càng phát triển, Hải quân Mỹ có kế hoạch sẽ cải tạo nó để có thể tự động thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau mà không cần người giám sát. Tuy nhiên, ông Rucker nói rằng: “Chúng ta vẫn chưa đạt đến mức có thể chế tạo một khí tài quân sự hoạt động tự động hoàn toàn”.

Vào cuối năm ngoái, DARPA đã kỹ kết một hợp đồng kéo dài thời hạn hợp tác với hãng Leidos, đặt trụ sở chính tại Reston, bang Virginia (Mỹ). Theo đó, hãng sẽ tiếp tục tham gia chế tạo tàu không người lái trong giai đoạn thử nghiệm.

Theo các quan chức DARPA, mục tiêu của chương trình phát triển “Thợ săn Biển” là nhằm tạo ra một mẫu tàu hiện đại có thể đối đầu với các loại tàu ngầm chạy bằng diesel với chi phí phải chăng. 

Các tàu chạy bằng diesel thường rất khó phát hiện. Theo Chuẩn đô đốc Frank Drennan, chỉ huy lực lượng chống tàu ngầm, việc tìm kiếm các tàu ngầm diesel “giống như dò tìm tiếng của động cơ xe hơi trong một thành phố náo nhiệt”.

Bên cạnh đó, hệ thống sonar trên các tàu ngầm không người lái cũng được thiết kế để giảm bớt ảnh hưởng đối với hệ sinh thái biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại