Mỹ chi hơn 100 tỷ cho radar mới trên biên giới Nga

Tú Oanh |

Washington đang lên kế hoạch đầu tư 5 triệu USD (113 tỷ đồng) để xây dựng hệ thống radar mới tại song Narva, biên giới tự nhiên giữa Estonia và Nga.

RT đưa tin, chi phí dự án bao gồm các khoản cho thiết kế, xây dựng radar, đường tiếp cận và hệ thống an ninh ở cực đông của Estonia, thị trấn Narva, bên kia sông là thành phố Ivangorod của Nga.

"Sau khi hoàn thành, cơ sở sẽ giúp phát hiện ngay các hoạt động gần biên giới, cũng như xử lý tất cả sự cố xảy ra tại biên giới trong thời gian thực", Bộ trưởng Nội vụ Estonia Andres Anvelt cho biết hôm 6/10.

Radar do Mỹ tài trợ là một phần của dự án trị giá 82 triệu USD (hơn 1.800 tỷ đồng) để củng cố biên giới của Estonia với Nga, bao gồm việc trang bị kỹ thuật giám sát hiện đại theo dọc chiều dài đường ranh giới.

Ông Anvelt nói thêm, cơ sở radar mới cũng mang tầm quan trọng đối với các đồng minh của Estonia.

"Không chỉ có ý nghĩa với Estonia, việc xây dựng biên giới phía đông là điều quan trọng đối với toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đó là lý do tại sao, dự án cần phải được thực hiện triệt để và đúng cách để bảo đảm sự vững chắc trong nhiều thế hệ tiếp theo", ông Anvelt nói, đồng thời nhấn mạnh, Estonia hoan nghênh sự đóng góp của "các đối tác thân thiết từ bên ngoài".

Theo RT, Mỹ hỗ trợ cho Estonia xây dựng trạm giám sát ngay gần Nga để phù hợp với sự gia tăng quân sự của NATO áp sát Nga, động thái này có tần suất ngày càng dày đặc kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014.

Estonia cùng với các quốc gia Baltic và Ba Lan cũng nhiều lần kêu gọi sự hiện diện quân sự của NATO mạnh mẽ hơn để chống lại cái được gọi là "sự xâm lược của Nga".

Gần đây, bốn nhóm chiến đấu đa quốc gia bao gồm 4.500 lính NATO đã được triển khai tới Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan như là một phần kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự, mà theo NATO mô tả là "sức mạnh của liên minh xuyên Đại Tây Dương".

Tổ chức này còn liên tục tiến hành các "trò chơi chiến tranh" quy mô lớn gần biên giới Nga, trong đó các nước Baltic và Bắc Âu đi đầu tích cực.

Các hoạt động quân sự của NATO gần biên giới Nga bị Moscow chỉ trích nhiều lần. Điện Kremlin cáo buộc liên minh quốc tế phá hoại cân bằng an ninh bằng việc xâm lấn từ phía đông và các vụ khiêu khích quân sự.

"Phương Tây xây dựng chính sách của họ trên cơ sở nguyên tắc, ‘Nếu bạn không tham gia với chúng tôi, bạn đang chống lại chúng tôi", và tiến hành việc bành trướng đáng lên án của NATO về phía đông", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong phiên họp hồi tháng Chín.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại