Mỹ cảnh báo giờ là lúc phải hành động để ngăn chặn Triều Tiên

Trần Khánh |

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo, việc không kịp ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên sẽ “gây hậu quả nghiêm trọng”.

Mỹ cảnh báo nguy cơ

Theo Reuters, tuyên bố của ông Tillerson đưa ra trong cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên ngày 28/4. Tại cuộc họp, ông Tillerson bày tỏ thất vọng vì Hội đồng Bảo an vẫn chưa áp đặt được một lệnh trừng phạt đủ mạnh để ngăn chặn Triều Tiên.

Theo ông Tillerson, nếu Hội đồng Bảo an có thể hành động quyết liệt hơn, căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên có thể đã không leo thang đến mức nghiêm trọng như hiện nay.

Ngoại trưởng Mỹ cũng lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an cần hành động ngay để Triều Tiên “không kịp trở tay” và kêu gọi các quốc gia thành viên cắt đứt mọi mối quan hệ về ngoại giao và tài chính với Triều Tiên và áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa của Triều Tiên, đặc biệt là than đá.

“Nếu không hành động ngay để giải quyết vấn đề an ninh nghiêm trọng này có thể khiến thế giới phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc”, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cảnh báo.

Theo ông Tillerson, dù Mỹ không có ý định lật đổ chế độ tại Triều Tiên và vẫn kiên nhẫn tìm kiếm giải pháp hòa bình, Triều Tiên vẫn cần phải hiểu rằng, nước này nên dừng ngay chương trình hạt nhân và tên lửa lại.

“Mối đe dọa từ các vụ tấn công hạt nhân từ Triều Tiên vào Hàn Quốc và Nhật Bản là có thật. Việc khi nào Triều Tiên có thể phát triển được tên lửa đủ khả năng tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ chỉ là vấn đề thời gian”, ông Tillerson cảnh báo.

Ông Tillerson nhắc lại quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, Mỹ đã sẵn sàng tiến hành mọi biện pháp, kể cả quân sự, nếu Triều Tiên vẫn khăng khăng tiến hành tiếp các vụ thử hạt nhân và tên lửa.

Gáo nước lạnh từ Trung Quốc và Nga

Đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, việc "dọa dẫm Triều Tiên bằng vũ lực" sẽ không giải quyết được vấn đề. Cũng theo ông Vương Nghị, một mình Trung Quốc không thể ngăn chặn được Triều Tiên.

"Chìa khóa để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên không chỉ nằm riêng trong tay Trung Quốc", ông Vương Nghị tuyên bố. Cũng theo ông Vương Nghị: "Giờ là lúc đặt sang một bên những tranh cãi rằng, ai sẽ hành động trước cũng như chĩa mũi dùi vào nhau. Giờ là lúc cần phải cân nhắc nghiêm túc việc ngồi lại vào bàn đàm phán".

Đáp lại, ông Tillerson khẳng định: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận quay lại đàm phán từ đầu với Triều Tiên. Chúng tôi không thể "tưởng thưởng" cho hành vi vi phạm các nghị quyết trước đó của họ. Chúng tôi không thể "tưởng thưởng" cho việc họ đã từ chối đàm phán trước đó".

Tuy nhiên, ông Vương Nghị vẫn nhắc lại quan điểm rằng, đối thoại và đàm phán là "lối thoát duy nhất" và "việc sử dụng vũ lực sẽ không thể giải quyết được những khác biệt và chỉ dẫn đến những thảm họa lớn hơn".

Cùng chung quan điểm với ông Vương Nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cũng cảnh báo, việc sử dụng vũ lực trong vấn đề Triều Tiên là "không thể chấp nhận được".

"Những lời lẽ hiếu chiến cùng với những hành động phô trương sức mạnh một cách không cần thiết đã đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đến mức giờ đây cả thế giới phải bày tỏ quan ngại rằng, chiến tranh sắp xảy ra. Bất kỳ một tính toán sai lầm hoặc một sự hiểu lầm nào trong lúc này cũng sẽ dẫn đến hậu quả đáng sợ và đáng trách nhất", ông Gennady Gatilov tuyên bố.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida lại có quan điểm có chút cứng rắn hơn: "Để buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán, cộng đồng quốc tế cần phải gửi một thông điệp cứng rắn rằng mọi hành vi khiêu khích đều phải trả giá đắt.

"Tất nhiên, việc đối thoại là cần thiết, tuy nhiên, nếu xét đến tình hình hiện nay, khi Triều Tiên tiếp tục đẩy nhanh chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của mình thì việc đối thoại rõ ràng là khó có thể xảy ra".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại