Muốn khỏe mạnh sống lâu đừng dùng túi nilon, đây mới là thứ tốt nhất để tích trữ rau củ

Như Loan |

Khi nhắc đến tích trữ thực phẩm bằng túi hút chân không người ta hay nghĩ đến thực phẩm nguồn gốc động vật. Vậy thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau, củ, quả thì sao? Dùng túi nilon, túi giấy hay túi hút chân không?

Chúng ta vẫn thường thấy, nhiều bà nội trợ có thói quen để rau vào túi nilon rồi cho vào tủ lạnh. Mà họ không biết được rằng cách làm này sẽ khiến rau dễ bị thối, vì túi nilon khó thoát hơi nước.

Muốn khỏe mạnh sống lâu đừng dùng túi nilon, đây mới là thứ tốt nhất để tích trữ rau củ - Ảnh 1.

Bên cạnh đó cũng có những người phụ nữ thông thái, chọn túi giấy để bảo quản rau hoặc đặt tờ giấy ăn bên dưới hộp đựng hay bên trong túi để hút bớt nước, giúp rau tươi và để được lâu hơn.

Cùng lắng nghe những chia sẻ khoa học của PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam để tìm được câu trả lời thuyết phục nhất về vấn đề nêu trên.

PV: Là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực y học ứng dụng, theo ông, giữa túi giấy và túi nilon, đâu là thứ bảo quản rau – củ - quả tươi ngon tự nhiên nhất?

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh: Túi nilon hoặc hút chân không về cơ bản đều được chế tạo từ sợi nhựa tổng hợp với nhiều loại phổ biến như túi HD, túi PE, túi PP.

Các loại túi nilon/túi nhựa, đặc biệt là túi hút chân không có rất nhiều ưu điểm so với túi giấy, đặc biệt là trong việc giúp bảo vệ thực phẩm tránh khỏi nhiễm bẩn và nhiễm khuẩn trong khi túi giấy thông thường không thể thực hiện được việc này.

Khác với thực phẩm có nguồn gốc động vật cần được bảo quản ở nhiệt độ thấp trong tủ lạnh với túi hút chân không, trái cây và rau củ lại có những phương pháp bảo quản khác.

Tuy nhiên, có một lưu ý chung là không nên bảo quản trái cây và rau củ trong túi hút chân không, do trái cây và rau củ vẫn cần được "hô hấp". Do đó, lựa chọn túi giấy có lỗ để đảm bảo trái cây và rau củ được hấp thụ độ ẩm trong không khí và hô hấp.

PV: Cụ thể trong trường hợp lựa chọn túi giấy để bảo quản trái cây và rau củ là như nào, thưa ông?

Muốn khỏe mạnh sống lâu đừng dùng túi nilon, đây mới là thứ tốt nhất để tích trữ rau củ - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh: Đối với những thực phẩm nhạy cảm với nhiệt độ thấp như khoai tây, hành tây và tỏi thì cần được bảo quản ngoài tủ lạnh trong những nơi tối và mát mẻ.

Những loại trái cây như táo, mơ và dưa khi chín sẽ tiết ra ethylene có thể làm hỏng các loại rau, do đó, chúng cần được bảo quản trong túi có lỗ và để tách biệt với rau trong tủ lạnh.

Rau củ, nho, chuối rất dễ bị mốc và héo nên được bảo quản riêng biệt trong tủ lạnh, được cuốn trong giấy ăn và bảo quản trong túi có lỗ.

PV: Hiện nay, phần lớn bà nội trợ vẫn có thói quen dùng túi nilon để tích trữ hơn là túi giấy, phải chăng họ chưa nhận thức được công dụng của túi giấy?

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh: Túi giấy đã bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ 18 ở châu Âu. Tuy nhiên, cho tới nay tại Việt Nam túi giấy vẫn chưa trở nên phổ biến.

Cá nhân tôi cho rằng, không hẳn là các bà nội trợ chưa nhận thức được công dụng của túi giấy và tác hại của túi nilon, bởi trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây, các phương tiện truyền thông đưa ra rất nhiều thông tin về tác hại của túi nilon và lợi ích của túi giấy.

PV:Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến các bà các mẹ cho rằng túi nilon luôn là lựa chọn hàng đầu, chứ không phải là túi giấy?

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh: Việc các bà nội trợ vẫn "ưa chuộng" túi nilon hơn có rất nhiều lý do:

- Nguyên nhân xuất phát từ người bán hàng: Đa số những người bán hàng đều lựa chọn sử dụng túi nilon để đựng mặt hàng mà mình bán. Do vậy, dù không muốn, nhưng những bà nội trợ - những người mua hàng không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng túi nilon.

- Túi nilon có giá thành rẻ hơn nhiều lần so với túi giấy: Túi nilon chỉ có giá khoảng vài chục ngàn một kilogram, tức là giá thành rất rẻ chỉ vài trăm đồng một chiếc, trong khi một chiếc túi giấy có thể có giá lên tới vài ngàn một chiếc.

Do vậy, không thể tránh khỏi việc những người bán hàng vì lợi nhuận, sẽ lựa chọn sử dụng túi nilon, và từ đó, như đã phân tích ở trên, người tiêu dùng sẽ không còn lựa chọn nào khác là dùng túi nilon

- Túi nilon tiện dụng hơn túi giấy: Hiện nay, tại Việt Nam có thể rất dễ dàng để mua được túi nilon, nhưng để mua được túi giấy, sẽ khó khăn hơn một chút. Ngoài ra, túi giấy sẽ không thể đựng được đồ ăn, thực phẩm ướt, có nước hoặc những vật nặng vì có thể sẽ bị rách, trong khi đó, túi nilon lại có thể đựng được những vật này.

- Bên cạnh đó, hiện tại trên thị trường có rất nhiều loại túi giấy được bày bán nhưng chưa có bất cứ quy chuẩn nào về chất liệu của túi giấy an toàn cho bảo quản thực phẩm nên rất khó để người tiêu dùng có thể lựa chọn đúng loại túi thực sự an toàn.

Có lẽ bởi vì những lý do này mà hiện nay việc sử dụng túi giấy chưa được phổ biến tại Việt Nam.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng các sản phẩm rau-củ-quả tươi nếu để trong túi giấy thì để được hơn 1 tháng. Còn túi nilon thì thời gian bảo quản ngắn hơn? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh: Ý kiến cho rằng rau củ quả để trong túi giấy có thể bảo quản lâu hơn túi nilon chủ yếu là do việc sản xuất khí ethylen của rau quả chín.

Khi bảo quản rau củ, đặc biệt là nếu để lẫn trái cây – rau củ với nhau, thì khi trái cây chín, sẽ sinh ra khí ethylene. Nếu được bao gói kín, khí ethylene sẽ không lưu thông được, không thoát ra ngoài, sẽ làm cho các loại rau xung quanh dễ bị phân hủy hơn bình thường, hoa quả đặt cạnh cũng sẽ chín nhanh hơn.

Túi nilon thường sẽ kín hơn túi giấy, khả năng thông khí cũng sẽ kém hơn, do vậy, rau củ, trái cây đựng trong túi nilon sẽ nhanh hỏng hơn. 

Ngoài ra, cũng do việc túi nilon thường kín hơn túi giấy, nên trong những ngày nắng nóng như những ngày vừa qua tại Hà Nội, việc dùng túi nilon bảo quản rau củ quả, đặc biệt là nếu buộc kín túi nilon, sẽ gây ra hiện tượng giống như "hiệu ứng nhà kính", làm nhiệt độ bên trong túi nilon tăng cao, khiến rau củ quả tươi sẽ nhanh héo, hỏng hơn.

Do vậy, muốn bảo quản rau củ quả tươi lâu, nên để rau củ quả trong túi giấy đục lỗ hoặc nếu đựng trong túi nilon, cũng nên đục lỗ túi nilon để đảm bảo lưu thông không khí.

PV: Được biết, túi nilon được làm từ những chất khó phân huỷ, không ít bà nội trợ đang cảm thấy lo lắng rằng, "Nếu bảo quản thực phẩm, rau củ trong môi trường túi nilon sẽ độc hại hơn túi giấy rất nhiều"? Quan điểm này liệu có đúng?

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh: Tôi cho rằng, quan điểm này không sai. Bởi các loại túi nilon hiện nay đa phần được làm từ nhựa dẻo chủ yếu là các hóa chất cao phân tử như PP, PE…

Nguyên liệu đầu vào để làm túi nilon là dầu mỏ và khí đốt, ngoài ra còn được bổ sung thêm các chất phụ gia như chất hóa dẻo, kim loại nặng, phẩm màu…

PV:Các hóa chất cao phân tử có ảnh hưởng đến sức khỏe con người cụ thể ra sao? Ông có thể phân tích cụ thể?

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh: Thành phần thường được quan tâm nhiều nhất trong các loại túi nilon là Bisphenol A (BPA) và Bis(2-ethylhexyl) adipat (DEHA) và các chất hóa dẻo (plasticizer) – thường được gọi là các "dẫn chất phtalat".

BPA và DEHA thường có liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe như ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh nở, hen suyễn, béo phì, buồng trứng đa nang và chức năng gan.

Tác hại của các dẫn chất phtalat vào trong cơ thể, sẽ gây hại nhiều mặt nhưng hại lớn nhất là làm xáo trộn nội tiết hay phá vỡ nội tiết.

Ngoài ra, túi nilon được làm từ những chất khó phân huỷ, khi thải ra môi trường phải mất ít nhất khoảng 1000 năm mới bị phân huỷ hoàn toàn – điều này vô cùng nguy hiểm với môi trường.

PV: Dùng túi giấy rõ ràng đắt hơn túi nylon. Không phải ai cũng có điều kiện để dùng túi giấy? Chuyên gia có cách nào chỉ cho bà nội trợ vẫn bảo quản tích trữ đồ ăn tốt mà lại tiết kiệm kinh tế cho gia đình không?

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh: Hiện nay, trên thị trường có một số loại túi nilon tự hủy sinh học được làm từ nguồn nguyên liệu hữu cơ (bột bắp, bột mì), có thể sử dụng để bảo quản, tích trữ đồ ăn an toàn hơn việc sử dụng túi nilon làm từ nhựa PP hoặc PE.

Các bà nội trợ có thể sử dụng loại túi này để giảm bớt tác hại của túi nilon. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý là cũng không nên dùng loại túi nilon tự hủy sinh học này để bọc, đựng các thực phẩm nóng (canh, cháo…) để giảm nguy cơ thôi nhiễm styrene – có thể gây tổn hại gan và nhiều cơ quan trong cơ thể.

Để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân một cách an toàn và hiệu quả nhất, nên quay lại thời kì mang làn để đi chợ hàng ngày, tất cả thịt cá, rau củ không cần đựng trong túi nilon mà để trực tiếp vào làn hoặc túi.

Khi về, nếu chưa chế biến thức ăn ngay, hãy rửa sạch để vào trong các dụng cụ bằng sứ, nhựa chất lượng cao và để vào tủ lạnh. Nếu không, người tiêu dùng có thể trực tiếp mang các loại dụng cụ đựng bằng sứ, nhựa chất lượng cao đi chợ và đựng thẳng thực phẩm vào trong đó, không sử dụng túi nilon.

Ngoài ra, có thể sử dụng một số loại lá cây trồng có sẵn để bao gói thực phẩm rất an toàn mà lại thân thiện với môi trường như lá chuối, lá dong, lá dừa, lá sen… Các loại lá này rất sạch, mùi thơm đặc trưng, mềm, mịn, bề mặt trơn nên ít bám bụi và không giữ nước do đó chỉ cần rửa sơ, lau sạch là có thể bao gói thực phẩm rất an toàn.

PV: Việc sử dụng túi nilon lâu nay truyền thông đã có rất nhiều cảnh báo và lưu ý, vậy còn túi giấy thì sao? Có lưu ý nào cần quan tâm không, thưa chuyên gia?

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh: Một lưu ý quan trọng khi bảo quan thực phẩm kể cả trong túi nilon hoặc túi giấy, đó là: Không để chung rau củ với trái cây, nên tách riêng từng loại để có thể bảo quản được lâu ngày, cho dù là để trong tủ lạnh, hay trong chạn cũng cần tách riêng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại