Mức lương "chết đói", mạng sống bị đe dọa nhưng họ vẫn bay cao ở World Cup

Minh Nguyên |

Với mức lạm phát dự kiến lên đến 2.500% vào năm tới, để mua một vài quả trứng, người dân Venezuela phải dùng đến một ba lô đựng đầy bolivar (đơn vị tiền tệ của Venezuela).

Các đội bóng nam của Venezuela chưa bao giờ vào tứ kết bất cứ một giải đấu nào tham dự. Tuy nhiên, đội U20 nước này đã thay đổi lịch sử cho bóng đá quê hương khi vào bán kết U20 World Cup, nhờ chiến thắng 2-1 trước U20 Mỹ sau 120 phút. Đó thật sự là một kỳ tích.

Nguy hiểm luôn cận kề

Theo thống kê của Hiệp hội cầu thủ nhà nghề thế giới (FIFPro), mức lương trung bình của cầu thủ thi đấu ở Venezuela chừng 200 USD/tháng. "Chúng tôi thích những hợp đồng ngắn hạn bởi chỉ sau 6 tháng đồng tiền sẽ mất giá nghiêm trọng", một người chơi tên Jose chia sẻ.

Cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị khiến đời sống người dân Venezuela rơi vào khốn khó bởi mức lạm phát không có điểm dừng. Nó khiến đồng tiền bolivar mất giá nghiêm trọng. Người dân khi ra đường không phải đựng tiền trong ví mà phải dùng đến ba lô. Chẳng hạn nếu muốn mua một tá trứng, họ cần trả đúng 1 ba lô đầy.

Mức lương chết đói, mạng sống bị đe dọa nhưng họ vẫn bay cao ở World Cup - Ảnh 1.

Cuộc sống ở Venezuela đang đầy khốn khó.

Người dân là thế, cầu thủ bóng đá cũng không khá hơn là bao. FIFPro năm ngoái đã cảnh báo với Liên đoàn bóng đá Venezuela (FVF) về việc cải thiện điều kiện cho cầu thủ đang thi đấu tại đây sau cái chết bi thảm của Carlos de Castro. Cầu thủ người Uruguay qua đời vì một tai nạn trên đường cao tốc do CLB Estudiantes de Merida gây ra.

Carlos là một trong số rất nhiều cầu thủ đang hành nghề ở Venezuela không được trả lương đầy đủ, không có bảo hiểm cũng như bất cứ khoản phúc lợi xã hội nào. Thậm chí, Carlos còn bị CLB chủ quản nợ hơn 1 năm lương với con số 55.000 USD.

Đích thân FIFPro phải lên tiếng để đội bóng của Venezuela trả lại con số này cộng với các khoản phát sinh cho vợ và con của cầu thủ xấu số trên.

Đó chỉ là một trong những nguy cơ mà cầu thủ Venezuela có thể phải đối mặt. Với gần 29.000 vụ giết người mỗi năm (trung bình 79 người/ngày), quốc gia này là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới. Việc cầu thủ bị bắn chết không còn là chuyện lạ ở đây.

Nhưng trên tất cả, bóng đá ở đây vẫn sống. Vì sao?

Bước ngoặt đến từ năm 2007 khi Venezuela chính thức đăng cai Copa America – giải đấu số một khu vực Nam Mỹ. Khi đó, quốc gia này còn có nguồn thu lớn từ dầu mỏ và sự ủng hộ hết mình của chính quyền. Ước tính hơn 900 triệu USD đã được bỏ ra để xây mới 3 SVĐ, cải tạo 6 sân khác và cải thiện hàng loạt công trình giao thông, khách sạn.

Tuyển Venezuela không thể làm nên kỳ tích gì đặc biệt, nhưng cột mốc này đánh dấu bước chuyển mình của bóng đá nơi đây. Giải VĐQG tăng từ 10 đội lên 18 đội.

Nhiều trẻ em mong muốn trở thành một cầu thủ bóng đá. Nên nhớ quốc gia này mạnh nhất là… bóng chày, nơi một người sẽ trở thành triệu phú USD ngay lập tức nếu ký hợp đồng chuyên nghiệp hoặc được 1 CLB ở Mỹ chiêu mộ.

Mức lương chết đói, mạng sống bị đe dọa nhưng họ vẫn bay cao ở World Cup - Ảnh 2.

U20 Venezuela thắng Nhật Bản 1-0 để vào Tứ kết U20 World Cup gặp U20 Mỹ.

Bóng đá bắt đầu trở thành lựa chọn để một thanh thiếu niên mơ thoát khỏi việc có thể trở thành một tay anh chị ở khu ổ chuột nào đó. Cũng như một số quốc gia Nam Mỹ khác, môn thể thao này được phát triển chủ yếu ở những thành phố, nơi tập trung đông người dân có gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Italia.

Người hâm mộ Venezuela quen dần với việc cầu thủ của họ sang châu Âu thi đấu từ Juan Arango cho đến Salomo Rondon. Đó là động lực lớn để những tài năng trẻ noi theo. Trong quá trình tìm kiếm các tài năng trẻ, các CLB lớn ở châu Âu đã chú ý hơn đến Venezuela.

Cách đây không lâu, City Football Group – Tập đoàn đứng đằng sau các đội Man City, New York City… đã đặt trụ sở tại đây cũng như Uruguay.

Mức lương chết đói, mạng sống bị đe dọa nhưng họ vẫn bay cao ở World Cup - Ảnh 3.

U20 Venezuela thắng Mỹ 2-1 để vào Bán kết U20 World Cup gặp U20 Uruguay.

Đây là tiền đề để Man City chiêu mộ tiền vệ đội trưởng Yangel Herrera rồi cho mượn sang thi đấu ở giải nhà nghề Mỹ, trước khi sang Anh. Cầu thủ này chỉ là một trong số hàng loạt thành viên của U20 Venezuela sẽ có cơ hội đổi đời sau U20 World Cup như Cordova, Penaranda, Ronaldo Lucena…

Thành công tại Hàn Quốc có thể sốc với nhiều người nhưng HLV Dudamel tiết lộ ông đã chuẩn bị cho đội từ cách đây 2 năm. Ông xây dựng một đội bóng mạnh về thể lực nhưng cũng khoa học trong tổ chức. U20 Venezuela có thể sử dụng linh hoạt nhiều chiến thuật, công thủ toàn diện. Tính đến nay, họ mới để thua đúng 1 bàn sau 5 trận đấu.

Bất chấp những khó khăn về kinh tế, FVF vẫn hỗ trợ tối đa cho đội U20 nước này. Họ sắp xếp hàng loạt trận đấu giao hữu để thầy trò HLV Dudamel rèn quân. Những điều đó cộng với tinh thần chiến đấu để đoàn kết dân tộc, U20 Venezuela sắp sửa hoàn thành câu chuyện cổ tích tại U20 World Cup năm nay biết đâu bằng chiếc cúp vô địch...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại