Một cái nhìn hiếm về tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông

Công Thuận |

Nếu căng thẳng giữa Trung Quốc, các nước láng giềng ở Biển Đông và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) trở nên tồi tệ, có thể chắc chắn rằng những chiếc tàu ngầm này sẽ xuất hiện trong khu vực.

Một bản tin trên kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc đã cung cấp một cái nhìn hiếm có bên trong một trong những chiếc tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc. Chiếc tàu ngầm lớp Kilo này được mua từ Nga trong những năm 1990 và là "mũi nhọn" của Bắc Kinh ở những khu vực tranh chấp trên biển với các nước láng giềng.

Một cái nhìn hiếm về tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo trang mạng Popularmechanics ngày 29/11, Trung Quốc đã mua 12 tàu ngầm lớp 636 trong những năm 1990 và đầu những năm 2000. Những chiếc tàu ngầm này, NATO định danh là lớp Kilo, ban đầu được thiết kế bởi Liên Xô để hoạt động ở những vùng ven biển châu Âu thời Chiến tranh Lạnh. 

Sau khi Liên Xô sụp đổ và Hiệp ước Warsaw kết thúc, tàu ngầm lớp 636 trở thành một phương tiện hữu dụng cho Nga để kiếm tiền trong giai đoạn khó khan, và những chiếc tàu ngầm loại này đã được xuất khẩu tới Trung Quốc, Algeria, Ấn Độ, Iran và Việt Nam.

Tàu ngầm lớp 636 là khá nhỏ theo tiêu chuẩn hiện đại, chỉ dài khoảng 70 m và rộng gần 10 m. Chúng có lượng choáng nước là 3.076 tấn khi lặn, thấp hơn 1/2 so với một tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ. 

Những chiếc tàu ngầm này chạy bằng động cơ diesel, cho phép chúng di chuyển với tốc độ lến tới 5 m/s khi nổi và 8,7 m/s khi lặn. Độ sâu hoạt động tối đa của chúng là 300 m.

Tàu ngầm lớp 636 vượt trội ở hai lĩnh vực: hoạt động yên tĩnh và trong vùng biển cạn. Được Hải quân Mỹ đặt mệnh danh là "Hố đen", thân tàu hình giọt nước của chúng giúp làm giảm lực cản của nước. 

Tàu ngầm Kilo được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đường kính tiêu chuẩn 533 mm, vốn có thể khai hỏa các ngư lôi tự điều khiển, tên lửa chống ngầm SS-N-15A Starfish, và tên lửa chống tàu Klub. Trong đoạn video trên, tàu ngầm của Trung Quốc đã phóng một quả ngư lôi dưới nước.

Trung Quốc đã triển khai những tàu ngầm 636 của mình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, giám sát Đài Loan và những "hòn đảo" mới (mà Trung Quốc xây dựng phi pháp) ở Biển Đông. Chúng là những tàu ngầm lý tưởng để thực hiện nhiệm vụ này. 

Gần Trung Quốc, độ sâu trung bình của Eo biển Đài Loan chỉ 60 m. Ở Biển Đông, trong khi độ sâu trung bình khá lớn, có một số eo biển kết nối là cạn. Nếu căng thẳng giữa Trung Quốc, các nước láng giềng ở Biển Đông và Đài Loan trở nên tồi tệ, có thể chắc chắn rằng những chiếc tàu ngầm này sẽ xuất hiện trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại