Mối tình của tên cướp khét tiếng và người phụ nữ bị tâm thần

Hà Hằng |

Ông luôn nghĩ sẽ không người phụ nữ nào chấp nhận lấy một người từng vào tù, ra tội làm chồng cả. Thế rồi thương cảm, ông Nhu đã quyết định lấy người con gái bị tâm thần cùng xã về làm vợ.

Hiền “mèo trắng” từng là thành viên của băng cướp “người không mang họ” do Trương Hiền (Toọng) cầm đầu.

Toọng bị bắt, Hiền cùng đồng bọn cũng bị lực lượng chức năng sờ gáy. Sau đó, gã bị tuyên phạt án chung thân, nhưng do cải tạo tốt, nên được giảm án.

Trở về quê, “Hiền mèo trắng” yêu và nên duyên với cô gái bị tâm thần cùng xã. Suốt 16 năm qua, người đàn ông một thời lầm lỡ ấy trở thành người lương thiện khiến cho nhiều người nể phục.

Thoát án tử tìm đường về nẻo thiện

Một ngày cuối tháng Tư, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Nhu (SN 1958, trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).

Nhìn người đàn ông chăm chỉ với công việc, tận tụy với vợ con, chẳng ai nghĩ ông Nhu từng là giang hồ khét tiếng của băng cướp một thời là nỗi lo sợ của dân lành có tên Người không mang họ.

Sau khi hoàn tất công việc ở chợ làng, người đàn ông này lại tất bật về lo cơm nước cho gia đình.

Thời gian này, vợ ông Nhu phát bệnh tâm thần phải đưa vào bệnh viện Tâm thần Nghệ An để điều trị. Do vợ ốm đau thường xuyên, số tiền ông Nhu kiếm được ở chợ cũng không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.

Vì vậy, 16 năm qua, gia đình ông vẫn không thoát được “danh hiệu” hộ nghèo “bền vững” ở địa phương.

Được biết, ông Trần Văn Nhu sinh ra trong gia đình nghèo có 10 anh chị em ở xã Quỳnh Long. Đông con nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Cả gia đình Nhu phụ thuộc vào những đồng tiền ít ỏi mà người cha đi biển đánh cá mang về. Do hoàn cảnh khó khăn, nên Nhu phải bỏ học sớm để mưu sinh cùng bố mẹ nuôi các em.

Số phận trớ trêu thay, trong một lần đi biển, cha ông cùng một số thuyền viên khác gặp nạn và mất. Kể từ đó, Nhu và mấy anh em mồ côi bố.

Cũng từ đó, cuộc sống ngày càng khó khăn, Nhu phải lưu lạc khắp nơi, ai thuê gì làm nấy để kiếm tiền nuôi các em.

Cuộc đời xô đẩy, Nhu theo đám bạn bè xấu và trở thành tên trộm chuyên nghiệp lúc nào không hay.

“Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, khi đang thực hiện hành vi trộm chiếc đồng hồ trên tàu Nhu bị lực lượng chức năng bắt giữ và sau đó bị tuyên phạt 19 tháng tù.

Mãn hạn tù, về nhà không có công việc ổn định, bị mọi người xa lánh, chán nản, Nhu tiếp tục bỏ đi lang thang. Sau đó, Nhu gia nhập vào băng cướp” do Trương Hiền (Toọng) cầm đầu.

Trong băng cướp này, Nhu được đặt biệt danh là “Hiền mèo trắng”. Từ năm 1978 – 1979, băng cướp của Toọng đã thực hiện hàng chục vụ cướp táo tợn, cưỡng đoạt tài sản của người dân.

Bọn chúng trang bị vũ khí nóng khiến cho người dân vô cùng khiếp sợ.

Năm 1978, “Hiền mèo trắng” cùng đồng bọn đóng giả bộ đội rồi bắt xe ra ga ở huyện Diễn Châu để hành nghề cướp bóc. Khi đến ga Yên Lý thuộc huyện Diễn Châu, “Hiền mèo trắng” cùng đồng bọn bị bắt.

Sau đó, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Trần Văn Nhu án tử hình về tội Chống người thi hành công vụ và tội Cướp tài sản xã hội. Nhu đã làm đơn kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Nhu được giảm án xuống chung thân. Do cải tạo tốt, chỉ 19 năm 11 tháng, Nhu được mãn hạn tù.

Ra tù trở về quê nhà, Nhu không được mọi người đón nhận, hàng xóm xa lánh. Thậm chí mẹ và anh em ruột thịt cũng ruồng bỏ. “Lúc đó, tôi chỉ muốn bỏ đi một nơi thật xa để làm lại cuộc đời.

Nhưng rồi sau khi suy nghĩ lại, tôi quyết tâm làm lại cuộc đời. Dù khó khăn thế nào, tôi cũng phải vượt qua và trở thành một công dân lương thiện. Trong quá khứ, tôi đã làm nhiều điều tội lỗi rồi” ông Nhu chia sẻ.

Hạnh phúc không phải giấc mơ

Sống một mình cô đơn và buồn tủi, ông luôn khát khao một mái ấm gia đình. Nhưng ông luôn nghĩ sẽ không người phụ nữ nào chấp nhận lấy một người từng vào tù, ra tội làm chồng cả.

Thế rồi thương cảm, ông Nhu đã quyết định lấy người con gái bị tâm thần cùng xã về làm vợ.

“Khi biết Định bị bệnh tôi đã đồng cảm và rất thương người phụ nữ này. Tôi nghĩ mình phải che chở và chăm sóc Định đến suốt cuộc đời. Tôi làm như vậy là để trả nợ cuộc đời”, ông Nhu nói

Được biết, người vợ “đặc biệt” của ông tên là Tô Thị Định (SN 1972). Sinh ra và lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác, thế nhưng đến tuổi trưởng thành Định bỗng nhiên phát bệnh tâm thần.

Mặc dù đã được bố mẹ đưa đi chữa trị khắp nơi, nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Mỗi khi trái gió trở trời, Định nói lảm nhảm, chửi bới và đập phá đồ đạc. Thậm chí còn bỏ đi lang thang khắp nơi.

Tối ngày tất bật với công việc ở chợ nhưng ông Nhu vẫn chăm sóc vợ con chu đáo.
Tối ngày tất bật với công việc ở chợ nhưng ông Nhu vẫn chăm sóc vợ con chu đáo.

Biết được bệnh tình của Định, ông Nhu quyết định sang nhà để xin hỏi cưới. Mới đầu nghe nguyện vọng của ông Nhu nhiều người vô cùng sửng sốt.

Họ không thể ngờ ông Nhu lại quyết định lấy người con gái tâm thần làm vợ. Nhiều người còn ngờ vực ý đồ của người đàn ông này. Nhưng thấy sự quyết tâm, gia đình cũng cho chị Định kết hôn với ông Nhu.

“Biết lấy 1 người tâm thần sẽ khổ cực nhưng tôi vẫn quyết tâm lấy cô ấy. Có những khi trái gió trở trời, bao nhiêu đồ đạc trong nhà vợ tôi đập phá hết. Thậm chí, lúc lên cơn Định đi lang thang phải mất mấy ngày tôi mới tìm về được.

Năm 2001, cô ấy mang bầu và sinh con nhưng cuối cùng cũng không nuôi được. Năm 2003, vợ tôi tiếp tục mang bầu và sinh được đứa con trai đặt tên là Trần Văn Nhật.

Tôi vui mừng và hạnh phúc lắm. Hiện tại, con trai tôi đã học lớp 7 rồi”, ông Nhu vui mừng chia sẻ.

Thương cho ông Nhu không có việc làm, chính quyền địa phương xã Quỳnh Long đã bố trí cho ông làm quản lý khu chợ làng. Công việc là đảm bảo an ninh, giữ vệ sinh khu chợ.

Hàng ngày bận rộn với công việc ở chợ, chăm sóc vợ con, tối lại đi dọn rác đến khuya mới về nhưng người đàn ông này không hề than vãn. Rất may đứa con trai của ông Nhu rất thông minh, nhanh nhẹn và thương bố.

Ngoài giờ đi học, Nhật còn phụ giúp bố trông mẹ, nấu cơm lo cho gia đình.

“Trong làng này, ai cũng phục ông Nhu. Mặc dù vợ đập phá nói lẩm bẩm cả ngay nhưng chưa bao giờ ông ấy đánh vợ. Ông ấy dỗ vợ rất khéo, ai cũng nể phục.

Trong làng không ai cần mẫn với vợ như ông ấy đâu”, chị Nguyễn Thị Hồng hàng xóm chia sẻ.

Được biết, năm 2010, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây một căn nhà khang trang cho gia đình ông Nhu.

“Từ khi ra tù đến giờ mẹ và mấy anh em trong nhà không quan tâm đến tôi. Tôi buồn lắm. May nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ, tôi mới có ngày hôm nay. Giờ đây, tôi sống là vì vợ vì con.

Tôi sống lương thiện là để tích đức cho con sau này. Tôi mong muốn vợ luôn khỏe mạnh, con khôn lớn, ngoan.

Cầu ông trời ban cho tôi sức khỏe để tôi còn lo lắng cho vợ con. Giờ vợ tôi đang phải điều trị ở bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Thỉnh thoảng hai bố con mới vào thăm được”, ông Nhu chia sẻ.

Không vì hoàn cảnh khó khăn mà làm liều

Ông Bùi Chung Thủy – Xóm trưởng xóm Đại Tân hồ hởi: “Từ khi ra tù trở về sống ở địa phương, ông Nhu sống lương thiện, chưa hề có mâu thuẫn với ai.

Người đàn ông này cũng chịu khó làm ăn, đặc biệt, ông ấy rất yêu thương người vợ tâm thần của mình, lo cho đứa con trai ăn học đàng hoàng.

Do vợ đau ốm suốt nên gia đình ông ấy chưa bao giờ thoát được hộ nghèo. Nhưng không phải vì hoàn cảnh khó khăn mà ông làm liều, thu phí chợ một cách tùy tiện.

Ông ấy được bà con tiểu thương buôn bán ở chợ hết sức tin tưởng và luôn hoàn thành trách nhiệm của một người chồng, người cha tốt”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại