MiG-29 của Ba Lan khiến Bulgaria như ngồi trên đống lửa

Tuấn Hưng |

Theo Đài phát thanh Gdansk ngày 30/5, năm chiếc tiêm kích MiG-29 của Ba Lan đã phải hạ cánh khẩn xuống sân bay dân sự Gdansk do phát sinh sự cố.

Các máy bay trên bay từ Căn cứ không quân chiến thuật số 23 ở Minsk Mazowiecki, theo hướng Krulevo-Malborska. Tổng cộng, nhóm này gồm 6 máy bay chiến đấu.

Một chiếc trong số đó gặp trục trặc phải hạ cánh xuống sân bay quân sự gần Malbork. 5 chiếc còn lại buộc phải hạ cánh xuống sân bay dân sự Lech Walesa (Rebiechowo) ở Gdansk, Đài Gdansk dẫn nguồn tin từ Không quân Ba Lan cho biết.

MiG-29 của Ba Lan khiến Bulgaria như ngồi trên đống lửa  - Ảnh 1.

Tiêm kích MiG-29 của Không quân Ba Lan.

Việc tiêm kích MiG-29 của Ba Lan bất ngờ phát sinh sự cố không chỉ khiến Warszawa lo lắng mà thông tin này đang khiến Bulgaria như ngồi trên đống lửa. Được biết, hồi tháng 8/2015, sau hết hợp đồng nâng cấp với Nga, Bulgaria đã ký hợp đồng với Ba Lan để nâng cấp toàn bộ phi đội gần 20 chiếc MiG-29.

Tuy nhiên, ngay khi bản hợp đồng này được 2 bên ký kết, Nga đã cảnh báo tiêm kích MiG-29 này có thể sẽ không an toàn khi được nâng cấp bởi Ba Lan.

Khi trao đổi với Ria Novosti, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác Kĩ thuật – Quân sự Liên bang Nga, ông Anatoly Punchuk cho biết, phía Nga sẽ không thể đảm bảo tính an toàn cho chiến đấu cơ MiG-29 hiện phục vụ trong Không quân Bulgary nếu Ba Lan nâng cấp chúng.

Không quân Ba Lan nhận những chiếc tiêm kích hạng nhẹ MiG-29 đầu tiên từ Liên Xô giai đoạn 1989-1990 (số lượng 12). Đến năm 1995-1996, họ mua tiếp 10 chiếc cũ từ Cộng hòa Czech và tới năm 2004 là mua 22 MiG-29 từ kho lưu trữ Cộng hòa Liên bang Đức. Tính đến 2008, Ba Lan là quốc gia lớn nhất ở NATO sử dụng MiG-29.

Ba Lan chủ yếu sử dụng hai phiên bản MiG-29 gồm: tiêm kích đánh chặn MiG-29 9.12A và máy bay huấn luyện MiG-29UB 9.51A. Chúng đều thuộc thế hệ đầu tiên của dòng MiG-29 lừng danh do Liên Xô sản xuất. Ba Lan dự định sử dụng MiG-29 tới giai đoạn 2020-2025 mới cho nghỉ hưu.

Dù là một mẫu tiêm kích Liên Xô và không phù hợp với chuẩn NATO nhưng Ba Lan lại thường xuyên dùng MiG-29 tham dự các hoạt động tập trận chung với chiến đấu cơ tối tân của NATO.

Tiêm kích đánh chặn MiG-29 được trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy RD-33 cho tốc độ tối đa Mach 2,25 (tương đương 2.400km/h), bán kính chiến đấu 700km, trần bay hơn 18.000m, vận tốc leo cao 330m/s.

Hệ thống hỏa lực thế hệ đầu MiG-29 chỉ mang tối đa 3,5 tấn vũ khí gồm tên lửa không đối không R-60, R-27 và R-73 cùng bom hàng không không điều khiển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại