Máy bay Saudi Arabia có thể “rụng như sung” nếu trúng tên lửa hoán cải này

Trung Phạm |

Phiến quân Houthi đã hoán cải được nhiều tên lửa không đối không thành đất đối không để tấn công các máy bay chiến đấu của Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu.

Trong cuộc họp báo ngày 5/11, Đại tá Turki al-Maliki, phát ngôn viên của Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu đã tiết lộ các phiến quân Houthi đã thành công trong việc hoán cải các tên lửa không đối không R-27T và R-73E do Liên Xô (Nga) chế tạo thành các tên lửa đất đối không như thế nào.

Houthi nhiều khả năng đã lấy được tên lửa R-27T và R-73E từ các căn cứ của Không quân Yemen mà lực lượng này chiếm giữ từ năm 2015. Không quân Yemen từng vận hành các loại tên lửa không đối không dạng này và nhiều dạng khác như R-27R trên các máy bay MiG-29SMT.

R-73E có tầm bắn chỉ 30 km trong khi tầm bắn của R-27T lên tới 70 km. Nhiều khả năng phiến quân Houthi lựa chọn các tên lửa trên bởi cả hai loại đều được dẫn đường bằng hồng ngoại và đều có tính năng "bắn và quên".

Máy bay Saudi Arabia có thể “rụng như sung” nếu trúng tên lửa hoán cải này - Ảnh 1.

Tên lửa R-73 hoán cải trên xe phóng

Các loại tên lửa không đối không khác như R-27R được dẫn đường bằng radar bán chủ động khiến cho việc cải tiến chúng thành các tên lửa đất đối không trở nên khó khăn hơn vì hệ thống dẫn đường của nó cần phải có sự hỗ trợ từ một radar dẫn hướng riêng rẽ để phát hiện mục tiêu cho tên lửa.

Để khai hỏa các tên lửa R-27T và R-73E từ mặt đất, lực lượng Houthi đã lắp các tên lửa và ray phóng trên xe tải. Đầu dò các tên lửa được cấp điện từ một máy phát riêng rẽ vì pin của những tên lửa này chỉ chạy được vài phút.

Tuy nhiên, Houthi không bổ sung thêm một động cơ đẩy để gia tăng tầm bắn. Các tên lửa không đối không sẽ giảm mất ít nhất một nửa tầm bắn khi chúng được phóng từ mặt đất vì nguyên bản chúng được thiết kế để phóng từ các máy bay chiến đấu ở tầm cao.

Máy bay Saudi Arabia có thể “rụng như sung” nếu trúng tên lửa hoán cải này - Ảnh 2.

Tên lửa R-60 hoán cải

Trong chiến dịch không kích năm 1999 của NATO, Quân đội Serbia cũng từng hoán cải các tên lửa không đối không R-60 và R-73 thành đất đối không để tấn công các máy bay NATO.

Tuy nhiên, không giống với Houthi, Serbia đã giải quyết được vấn đề tầm bắn bằng cách bổ sung thêm động cơ đẩy cho tên lửa ở giai đoạn đầu nên các tên lửa này có tầm bắn xa hơn dù chúng được phóng từ một xe thiết giáp cố định.

Mặc dù vậy, trong khi Quân đội Serbia chưa bao giờ bắn hạ được bất kỳ một máy bay chiến đấu nào của NATO bằng các tên lửa không đối không cải tiến thì Houthi đã làm được điều đó khi bắn hạ được một chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ trên bầu trời thủ đô Sanaa của Yemen vào ngày 10/10.

Houthi bắn hạ máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ ngày 10/10/2017

Các tên lửa phòng không cải tiến này nhiều khả năng cũng đã được sử dụng để tấn công một máy bay F-16 của Không quân Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE ) bay qua Thủ đô Sanaa hôm 8/6 và một chiếc F-15 của Không quân Hoàng gia Saudi Arabia ngày 21/5. Tuy nhiên cả hai chiếc máy bay đều không bị bắn hạ.

Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu cáo buộc Iran đã giúp đỡ lực lượng Houthi hoán cải các tên lửa không đối không này. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng những cải tiến như vậy có thể thực hiện được bởi bất cứ kỹ sư quân sự nào được huấn luyện tốt về loại tên lửa này trước đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại