Máy bay Bf 110: “Chiến hạm trên không” gãy cánh của Phát xít Đức

Anh Tuấn |

Vào giữa những năm 1930, Không quân Phát xít Đức đã bắt gặp một vấn đề khá nan giải: các máy bay ném bom của họ có tầm hoạt động 2.400 km, nhưng các phi cơ tiêm kích hộ tống chúng lại chỉ có tầm hoạt động 650 km.

Trước năm 1939, tất cả những người am hiểu về không quân đều tin rằng máy bay ném bom luôn luôn lọt qua được lưới lửa phòng không của đối phương.

Nhưng khi chiến tranh leo thang, Phát xít Đức nhận ra rằng họ cần một loại máy bay có thể hộ tống oanh tạc cơ cả đi lẫn về trong các nhiệm vụ ném bom các cứ điểm quan trọng. Giải pháp mà họ đưa ra, đó là máy bay Messerschmitt 110, hay còn có tên khác là Bf 110.

Máy bay Bf 110: “Chiến hạm trên không” gãy cánh của Phát xít Đức - Ảnh 1.

Máy bay Messerschmitt 110, còn có tên gọi khác là Bf 110 của Phát xít Đức

Bf 110 có tầm hoạt động là 2.400 km và được trang bị bốn khẩu pháo và bốn súng máy ở phía trước cùng một súng máy ở phía sau để đề phòng bị tập hậu. Với tốc độ tối đa 560 km/giờ, Bf 110 là máy bay nhanh nhất trong số các phi cơ có mặt trong thời kỳ đầu của Thế chiến II.

Thế nhưng, Bf 110 lại có một điểm yếu chết người. Tầm hoạt động của máy bay buộc nó phải có một bình xăng lớn, khiến nó lớn hơn và nặng hơn so với các phi cơ tiêm kích khác. Cụ thể, Bf 110 có trọng lượng hơn 4 tấn, gấp đôi máy bay Bf 109, phi cơ chiến đấu thông dụng nhất của Phát xít Đức trong Thế chiến II.

Dù vậy, các máy bay Bf 110 được quân đội Đức đặt nhiều hy vọng, vì vậy chúng còn được mệnh danh là một “chiến hạm trên không”. 

Bf 110 được coi là một loại vũ khí hiện đại bậc nhất của Đức vào thời bấy giờ. Năm 1939, máy bay đã lập một số chiến công đáng kể khi chúng tiêu diệt các máy bay của Ba Lan hay máy bay ném bom của Anh bay qua không phận Đức.

Thế nhưng đến năm 1940, tình hình đã đổi khác. Khác với trước đây, khi Đức chỉ phải đối đầu với những lực lượng không quân có quy mô nhỏ như Pháp hay Ba Lan, đối thủ của họ là một nước Anh vẫn rất mạnh về quân sự. 

Bf 109 là một máy bay lợi hại, tuy nhiên tầm hoạt động hạn chế của nó chỉ cho phép máy bay này bay trên bầu trời London 10 phút trước khi phải trở lại căn cứ và có thể sẽ khiến các oanh tạc cơ của Đức bị Không quân Anh tiêu diệt.

Vì vậy, Không quân Đức tự tin điều động máy bay Bf 110 tham gia vào chiến dịch oanh tạc Anh. Tuy nhiên, đối đầu với những máy bay đã lỗi thời của Ba Lan là một chuyện, không chiến với các máy bay tốc độ cao như Hurricane và Spitfire của Anh lại là chuyện khác. 

Cái giá phải trả để có được tầm xa và sức tấn công mạnh mẽ là quá đắt, khi Bf 110 tỏ ra chậm chạp trong việc xoay trở khi đối đầu với những máy bay tiêm kích của Anh. Thay vì bảo vệ các oanh tạc cơ, Bf 110 phải bảo vệ chính mình và có lúc phải bay với đội hình vòng tròn để tránh bị tấn công từ phía sau.

Trước khi chiến dịch oanh tạc nước Anh diễn ra, Đức có 237 chiếc Bf 110, nhưng sau khi trận chiến kết thúc, 223 chiếc đã bị tiêu diệt. Trong số những phi công Đức đã thiệt mạng trong chiến dịch này có cả Hans-Joachim Goring, cháu của Tư lệnh Không quân phát xít Đức Hermann Goring.

Sau đó tại chiến trường Bắc Phi và Nga, với hệ thống radar mới, Bf 110 là một máy bay tập kích đêm lợi hại, chuyên săn tìm các máy bay ném bom Lancaster của Anh trên bầu trời nước Đức. 

Được trang bị thêm pháo và các tên lửa không đối không, Bf 110 cũng tiêu diệt khá nhiều máy bay B-17 và B-27 của Mỹ vào năm 1943. Thế nhưng, nó không còn là phi cơ dùng để khẳng định sức mạnh trên không nữa.

Điều đó lại càng được chứng minh khi vào năm 1944, Mỹ đã trình làng máy bay P-51 Mustang, một phi cơ chiến đấu có thể bay với vận tốc hơn 725 km/giờ, có tầm hoạt động lên đến 2.600 km mà vẫn giữ nguyên sự linh hoạt thường thấy của các máy bay tiêm kích cùng thời. 

Trước các máy bay Mustang va Thunderbolt, máy bay Bf 110 trở thành miếng mồi ngon của quân Đồng minh.

Sự xuất hiện của Mustang cũng đánh dấu một kỷ nguyên mới đối với các máy bay tiêm kích. Người Mỹ đã chế tạo một loại máy bay chiến đấu có tốc độ cao, có thể bay đường dài và có khả năng xoay trở cao. Mặc dù không được trang bị nhiều vũ khí, song những ưu điểm của nó đã đủ để tiêu diệt nhiều loại máy bay quân sự khác nhau.

Máy bay Bf 110 trở thành một ví dụ điển hình cho việc một loại vũ khí tưởng như mang tính đột phá về công nghệ có thể nhanh chóng trở nên vô dụng. Vào cuối những năm 1930, khi hầu hết các máy bay của các lực lượng không quân trên thế giới đều còn lạc hậu, Bf 110 là loại vũ khí tối tân chưa từng có trên thế giới. 

Tuy nhiên, người Đức đã không nhận ra rằng thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo là những máy bay có tốc độ cao và tầm hoạt động dài, chứ không phải là những loại máy bay chậm chạp như Bf 110. Và như vậy, “chiến hạm trên không” nhanh chóng “chìm nghỉm” vào dòng lịch sử.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại