Mao Trạch Đông từng ca ngợi Lưu Bang là hoàng đế giỏi nhất lịch sử phong kiến TQ, vì sao?

Thủy Thu |

Mao Trạch Đông từng cho rằng Lưu Bang là "hoàng đế tài giỏi nhất trong các hoàng đế phong kiến Trung Quốc".

Lưu Bang thắng, Hạng Vũ bại - thành bại nhìn từ xuất thân

Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, thiết lập một triều đại thống nhất, thay đổi cục diện chính trị trước đó và đưa lịch sử Trung Quốc đến một điểm khởi đầu mới. Ban đầu khi mới lên ngôi, ông đã rất thấu hiểu việc quản lý đất nước như thống nhất văn tự, thống nhất đơn vị đo lường v.v...

Tuy nhiên, sau khi thống nhất, thay vi thực hiện chính sách hưu binh dưỡng dân nhưng ông lại tiến hành hai kế hoạch lớn một là xây dựng lăng mộ, hai là xây dựng Vạn Lý Trường Thành khiến dân chúng oán hận. Đến thời Tần Nhị Thế, cùng với sự bất tài của Hồ Hợi và loạn chính Triệu Cao dẫn đến một loạt các cuộc nổi dậy.

Người đầu tiên giương cờ nổi dậy là Trần Thắng và Ngô Quảng. Tuy nhiên, trong các tranh chấp xưng bá thiên hạ vào cuối thời nhà Tần, hai nhân vật có thực lực nhất lại chính là Hạng Vũ và Lưu Bang.

Đáng chú ý, trong hai nhân vật này thì sức mạnh quân sự của Hạng Vũ lại lấn lướt hơn hẳn. Tuy nhiên, số phận của Hạng-Lưu lại đan xen lẫn nhau và phát triển theo hướng đầy kịch tính. Kết quả cuối cùng là Hạng Vũ thất bại, Lưu Bang lên ngôi nhưng nguyên nhân của sự đảo ngược này là gì? Trong thực tế, những lý do này được ẩn giấu trong xuất thân của họ.

Giữa Hạng Vũ và Lưu Bang, Hạng Vũ - người nắm binh lực mạnh hơn - cũng là người giành được thiên hạ trước tiên. Thời gian xảy ra vào năm 206 TCN. Trước đó, Trương Nhĩ bị quân Tần bao vây ở trận Cự Lộc và yêu cầu sự giúp đỡ từ nước Sở. Sở Hoài Vương đã cử Hạng Vũ và Lưu Bang đi cứu viện.

Theo đó, vua Sở cử Lưu Bang cầm quân theo đường chính diện phía tây để tiến vào Quan Trung; còn cánh quân của Hạng Vũ đi lên phía bắc giải cứu Trương Nhĩ. Đồng thời, Sở Hoài vương còn quy ước, ai vào Quan Trung trước sẽ được xưng Quan Trung vương, quy ước này tương tự như một phần thưởng.

Mao Trạch Đông từng ca ngợi Lưu Bang là hoàng đế giỏi nhất lịch sử phong kiến TQ, vì sao? - Ảnh 1.

Hạng Vũ đã thất bại trong cuộc chiến giành thiên hạ với Lưu Bang. Ảnh minh họa

Nhưng sự sắp xếp này phát sinh một vấn đề ngay sau đó. Đó là Hạng Vũ phải đối mặt với lực lượng chính của quân đội Tần trong khi đội quân nhà Tần mà Lưu Bang tấn công không phải là lực lượng chính.

Tuy mức độ khó khăn khác nhau nhưng do đội quân thiện chiến nên cuối cùng Hạng Vũ cũng chiến thắng khi khiến chủ tướng quân Tần là Chương Hàm phải dẫn 200.000 quân đầu hàng. Tuy nhiên, trong quy ước vào Quan Trung, Hạng Vũ lại chậm hơn Lưu Bang một bước.

Có ý kiến cho rằng, lúc này Hạng Vũ đã bày tỏ sự bất mãn bởi đội quân của ông lập chiến công lớn nhất trong cuộc chiến tiêu diệt quân đội nhà Tần những lại chịu nhường bước trước Lưu Bang - người không giỏi bằng mình.

Sau này khi tiến vào Hàm Dương, Hạng Vũ được đánh giá là một nhà lãnh đạo rất xứng đáng, cả về sức mạnh và danh tiếng. Do đó, có thuộc hạ kiến nghị, Hạng Vũ có thể lập nghiệp đế vương ở Hàm Dương. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Hạng Vũ lại gây tranh cãi.

Sau thắng lợi, Hạng Vũ đã làm hai việc: Thứ nhất, đốt cháy cung Hàm Dương. Thứ hai là phong chư hầu, bao gồm Hán Trung vương Lưu Bang, Ung vương Chương Hàm, Cửu Giang vương Anh Bố v.v...

Từ đây, một câu hỏi được được đặt ra: Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, ông tự xưng là hoàng đế và phân chia quản lý đất nước theo hệ thống quận huyện. Cách này được đánh giá là sự tiến bộ của lịch sử. Vậy thì, sau khi Hạng Vũ giành được thiên hạ, tại sao không tiếp tục áp dụng thể chế nhà Tần? Điều này có lẽ liên quan rất chặt chẽ đến xuất thân của Hạng Vũ.

Mao Trạch Đông: Lưu Bang là hoàng đế tài giỏi nhất lịch sử phong kiến TQ

Hạng Vũ vốn là quý tộc nước Sở. Từ Hạng Yến đến Hạng Vũ, đời đời đều là tướng quân nước Sở, tổ thiên ông thậm chí còn được phong đất Hạng.

Sử ký - Hạng Vũ bản kỷ của Tư Mã Thiên ghi rằng: "Hạng Tịch là người Hạ Tương, tự là Vũ... Họ hạng đời đời là tướng quân nước Sở, được phong đất Hạng nên mang họ Hạng".

Trước thời Tần, quý tộc là một tầng lớp có địa vị rất cao và những quý tộc này được đãi ngộ rất tốt, có vùng đất đai riêng và thân phận cao quý. Tuy nhiên, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, tất cả các nước chư hầu bị tiêu diệt khiến đội ngũ quý tộc cũng mất đi vinh quang của mình.

Do đó, một số nhà sử học tin rằng sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, người dân của tất cả của các nước chư hầu trên thực tế, ngoài việc bị buộc phải xây dựng Vạn Lý Trường Thành và Lăng mộ, họ có cuộc sống thoải mái hơn nên sự phẫn nộ của họ đối với nhà Tần không quá lớn.

Mao Trạch Đông từng ca ngợi Lưu Bang là hoàng đế giỏi nhất lịch sử phong kiến TQ, vì sao? - Ảnh 2.

Lưu Bang được đánh giá là người dễ thu phục nhân tâm nhờ xuất thân từ nông dân. Ảnh minh họa

Trên thực tế, giành sự bất mãn sâu sắc nhất đối với  nhà Tần là giới quý tộc của các nước chư hầu đã bị diệt vong. Do đó, sau cuộc nổi dậy của Trần Thắng và Ngô Quảng, các đội quân chống Tần về cơ bản là hậu duệ của tầng lớp quý tộc của các nước chư hầu cũ như Hạng Lương, Hạng Vũ.

Do đó, sau khi giành thắng lợi, điều đầu tiên Hạng Vũ làm chính là đốt cháy cung Hàm Dương, đại diện cho nhà Tần. Điều này ngoài thể hiện sự bất mãn của tầng lớp quý tộc với nhà Tần, thực tế còn mang ý nghĩa thể hiện sự bất mãn và phủ nhận mô thức chính trị thống nhất của nhà Tần.

Vì thế, Hạng Vũ mới xóa bỏ thể chế chính trị của Tần, trở lại hệ thống thời nhà Chu và tái thiết lập chế độ phong hầu. Tuy nhiên, những trường hợp đảo ngược lịch sử thường không giành được kết quả tốt đẹp.

Bởi sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Nguyên, đã phát hiện ra những điều bất cập trong thể chế nhà Chu. Việc nhà Chu bị tiêu diệt cũng chứng minh rằng, thể chế nhà Chu không phù hợp với thực tế phát triển của lịch sử. Tuy nhiên, Hạng Vũ đã làm điều ngược lại và tự dẫn tới sự thất bại.

Trong khi đó, xuất thân của Lưu Bang, trái ngược với Hạng Vũ. Hạng Vũ là một quý tộc và có địa vị còn Lưu Bang chỉ là một nông dân. 

Mặc dù sau khi trở thành hoàng đế, để mỹ hóa bản thân, Lưu Bang đã tự tạo một phả hệ hào nhoáng nhưng dù tổ tiên của ông trên gia phả có cao quý đến đâu đi chăng nữa thì cha con Lưu Bang chỉ là những người nông dân, đó là một sự thật không thể chối cãi.

Tuy nhiên, việc xuất thân thấp kém không có nghĩa là không có lợi. Hạng Vũ được sinh ra trong tầng lớp quý tộc, thường xem trọng địa vị và hư vinh còn Lưu Bang vì xuất thân từ nông dân nên ông coi trọng lợi ích thực tế và để đạt những điều đó ông biết buông bỏ sĩ diện và biết nhún nhường.

Ví dụ, Hạng Vũ khi tiến vào Quan Trung vì muốn thể hiện sức mạnh nên đã đốt phá cung điện nhà Tần khiến dân chúng sợ hãi. Trái lại, khi tiến vào Quan Trung, Lưu Bang đã thi hành "Ba chương ước pháp" để thu phục nhân tâm.

Sau khi đánh bại Hạng Vũ và thống nhất Trung Quốc, cách tiếp cận của Lưu Bang cũng khác với Hạng Vũ. Ông không tự phong mình là bá vương, mà đăng cơ xưng đế vào ngày 28/2/202 TCN. Về chế độ, ông kế thừa thể chế nhà Tần nên lịch sử Trung Quốc gọi việc này là "Hán thừa Tần chế".

Vậy tại sao Lưu Bang có thể làm điều này? Lưu Bang không hận nhà Tần sao? Thực tế, với tư cách là một người nông dân, sự phẫn nộ của Lưu Bang đối với nhà Tần không sâu sắc bằng một người xuất thân quý tộc như Hạng Vũ. 

Thậm chí có thể nói rằng chính vì là nông dân mà Lưu Bang hiểu rõ rằng thế chế của nhà Tần có tác dụng tốt hơn và có thể tiếp tục áp dụng thể chế  này.

Ngoài ra, sau khi Lưu Bang lên ngôi, trên cơ sở tiếp tục sử dụng thể chế nhà Tần để cai trị đất nước, ông cũng thực hiện chính sách phân phong. Điều này là do truyền thống và tình hình thực tế đưa lại. Sự phân phong này là điều bắt buộc, và đây là phần thưởng cho những công thần khi đó. Tuy nhiên, Lưu Bang cũng rất cẩn thận khi thi hành chính sách này.

Chẳng thế mà, lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông đã rất đề cao Lưu Bang, từng đánh giá Lưu Bang là "hoàng đế tài giỏi nhất trong các hoàng đế phong kiến Trung Quốc" và cho rằng, "Lưu Bang giành được thiên hạ vì quyết định đúng đắn và cách sử dụng con người hợp lý".

Theo Nhân dân nhật báo, Mao Trạch Đông từng nhiều lần đặt Lưu Bang và Hạng Vũ lên 'bàn cân'. Ví dụ, khi đọc xong Sử ký - Cao Tổ bản kỷ, Mao Trạch Đông nhận xét rằng: "Hạng vương không phải là một chính trị gia. Hán vương mới là một chính trị gia tài giỏi", bởi theo ông, Lưu Bang giỏi dùng người và biết nghe can gián.

Từ tháng 12/1959 đến tháng 2/1960, trong một cuộc nói chuyện về cuốn Sách giáo khoa Kinh tế chính trị Liên Xô, Mao Trạch Đông nói: "Lưu Bang có thể đánh bại Hạng Vũ vì Lưu Bang không giống một Hạng Vũ có xuất thân quý tộc, ông ấy quen với đời sống xã hội và hiểu tâm lý người dân".

Tham khảo: KKNews, Nhân dân nhật báo

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại