Mạng xã hội giờ quá nguy hiểm!

Ths.Phan Văn Tú - Giảng viên khoa Báo chí, ĐH KHXH&NV TP.HCM |

Tin đồn về chuyện một ông bí thư tỉnh có bồ nhí, dù không có bất cứ bằng chứng gì, nhưng vẫn gây ồn ào trên truyền thông suốt những ngày qua.

Những thông tin này xuất hiện trên các blog, mạng xã hội, được chia sẻ chóng mặt, nhận được khá nhiều bình luận. Sức lan tỏa với biên độ lớn và cường độ mạnh của những thông tin chưa kiểm chứng này đã tạo áp lực khiến một số cơ quan báo chí đã "vào cuộc".

Tuy tính chất có phần khác nhau, nhưng chuyện ồn ào ấy gợi nhớ đến một sản phẩm truyền thông xã hội khác hồi tháng 3/2014 có tên "Hương mắt lồi". Bấy giờ, cái tên "Hương mắt lồi" xuất hiện trên một số trang báo mạng như một nữ quái chuyên dàn cảnh để cướp tài sản ngay giữa lòng TP.HCM.

Cư dân mạng chia sẻ cho nhau một cách nhanh chóng bức ảnh chụp người phụ nữ đi xe gắn máy với biển số rõ ràng và cho rằng đó là nhận dạng của "Hương mắt lồi". Nhiều người tuyên bố sẽ truy lùng cho bằng được chiếc xe với biển số trên, đồng thời "xử" luôn nếu gặp "Hương mắt lồi".

Nhưng, thực chất "Hương mắt lồi" chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Cơ quan công an xác nhận chưa từng nghe nói đối tượng nào có tên, biệt danh là "Hương mắt lồi". Người phụ nữ sở hữu chiếc xe máy với biển số kia cũng không biết "Hương mắt lồi" là ai, nhưng phải sống trong sợ hãi vì những đe dọa từ dân mạng, phải gọi đến một cơ quan báo chí có uy tín để cầu cứu.

Và đây không phải là tình huống cá biệt. Rất nhiều tin đồn ác ý trên mạng xã hội như "hủ tiếu nấu bằng thịt chuột", "Người dẫn chương trình X / ca sĩ Y bị ung thư / qua đời"... đã "được" các trang báo mạng khai thác lại, rồi "cộng đồng mạng" tiếp tục chia sẻ gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến danh sự, nhân phẩm của nhiều nạn nhân, cắt đường làm ăn của dân nghèo… khó có thể đo đếm hết.

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, truyền thông xã hội có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí mà một trong những biểu hiện đáng lo ngại là sự vi phạm những nguyên tắc đạo đức nghề.

Thực tế cho thấy nhiều vụ việc "việt vị" của các cơ quan báo chí trong quá trình khai thác thông tin từ mạng xã hội do thiếu thẩm định, kiểm chứng nguồn tin như vụ "câu chuyện cảm động về em bé 9 tuổi Haruo Soma trong vụ động đất, sóng thần", vụ việc đời tư của diễn viên Hồng Ánh qua trang nhật ký cá nhân của Lương Hoàng Anh, vụ "clip tỏ tình của đại gia" mà nhân vật chính trong clip được cho là Phạm Nhật Hoàng (con trai ông Phạm Nhật Vượng) v.v…

Với truyền thông xã hội, nghề báo được "xã hội hóa" theo nghĩa ai cũng có thể góp phần tạo ra và phổ biến tin tức. Nhưng truyền thông xã hội là nơi giải phóng cái tôi cá nhân, nên mặc nhiên, nhiều thành viên cộng đồng tự cho mình cái quyền viết, chụp, quay phim chia sẻ tất cả những gì nghĩ, thấy mà không cần kiểm chứng điều đó đúng hay là sai.

Đồng thời, các thành viên mạng xã hội cũng tự cho mình cái quyền bình luận, phát ngôn như những luật sư, chánh án, "nhà đạo đức"… Điều đáng tiếc là dù đã được cảnh báo, song hiện tượng một số phóng viên bị truyền thông xã hội "dẫn dắt" vẫn còn xảy ra. Có trường hợp được biện minh bằng "niềm tin nội tâm", bằng mục đích tốt khi phản ánh các đề tài "nhân văn", thương tâm.

Nhưng cũng có trường hợp phóng viên cố tình bị cái gọi là "cộng đồng mạng" lôi kéo xuất phát từ những ý đồ cụ thể của một nhân vật trong giới showbiz, một nhà quản lý hay một công ty đang có sản phẩm cần cạnh tranh với đối thủ nào đó.

Và ngay cả trong trường hợp "vô tình" thì những thông tin sai trái, có tác hại trên mạng xã hội nếu cơ quan báo khai thác thiếu kiểm chứng cũng sẽ dẫn đến tác động xấu trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tổ chức; tiếp tay cho sự lừa đảo, tiếp tay cho mục đích xấu khó có thể lường hết.

Trên môi trường truyền thông xã hội, hiện tượng "kéo bè kết phái" qua các dạng fanpage ủng hộ hay phản đối, tẩy chay nhãn hàng hay cá nhân, kỳ thị người vùng này, miền nọ v.v… có khi lôi kéo được hàng trăm ngàn người tham gia.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tung tin sai sự thật vì những động cơ nhất định (như vụ Ebola mà công an Hà Nội đã xử lý) nhưng các thành viên cộng đồng vô tình, vô tư chia sẻ do nhẹ dạ, cả tin. Khi mức độ chia sẻ lên cao, áp lực dư luận từ truyền thông xã hội có thể tác động để một số phóng viên khai thác đề tài.

Cách tiếp cận thông tin từ mạng xã hội thiếu thận trọng, sai nguyên tắc nghiệp vụ sẽ dẫn đến những sơ sót, sai sót, thậm chí sai lầm nghiêm trọng, trên báo chí chính thống. Chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về số đông.

Và vì thế, nhà báo nếu không tỉnh táo trước một sự kiện, một vấn đề được đẩy thành "bão dư luận", sẽ vô tình vi phạm các nguyên tắc đạo đức trong tác nghiệp.

Khai thác thế mạnh của truyền thông xã hội trong làm báo nói riêng, trong báo chí nói chung, đối với nhà báo, cơ quan báo chí cần tuân thủ một số nguyên tắc, cần lập ra các bộ quy tắc ứng xử để tránh tình trạng không phân biệt được ý kiến của cá nhân nhà báo và quan điểm của cơ quan báo chí trên môi trường truyền thông này, đồng thời, để bảo vệ uy tín, danh dự của cơ quan báo chí và nhà báo.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại