Mạng xã hội phải có trách nhiệm trước vấn nạn Fake News

Cường - Thúy |

Việc phát tán Fake News trên mạng đang gây nguy hại cho xã hội. Nếu chiếu theo luật hiện hành, có thể thấy các trang mạng này có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trước vấn nạn Fake News, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Văn Tính, đoàn Luật sư TP.Hà Nội. Theo luật sư Tính, căn cứ Điều 25 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quy định về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng thì Facebook phải có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định của bộ Thông tin và Truyền thông;

Mạng xã hội phải có trách nhiệm trước vấn nạn Fake News - Ảnh 1.

Luật sư Vũ Văn Tính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Bên cạnh đó, mạng xã hội này phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để loại bỏ hoặc ngăn chặn thông tin có nội dung vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định này khi có yêu cầu. Theo đó, phải có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng; thông báo cho người sử dụng về quyền, trách nhiệm và các rủi ro khi lưu trữ, trao đổi và chia sẻ thông tin trên mạng. Ngoài ra, cũng phải bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng khi cho phép thông tin cá nhân của mình được cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác;

Cũng theo điều 5 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP thì các hành vi sau bị nghiêm cấm. Theo đó, Facebook có thể vướng vào điều khoản lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm các mục đích như: chống lại nhà nước Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định…

Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, nếu các cá nhân, tổ chức vi phạm thì theo thẩm quyền bộ Thông tin & Truyền thông và bộ Công an cùng các cơ quan khác sẽ yêu cầu thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bảo đảm an ninh thông tin đối với doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội như Facebook , phối hợp xử lý các thông tin vi phạm bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử.

Nếu phát hiện các thông tin vi phạm khoản 1, Điều 5 đe dọa đến lợi ích quốc gia thì cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ thực thi ngay lập tức các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn thông tin vi phạm không được cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam đồng thời gửi yêu cầu xử lý thông tin vi phạm tới các doanh nghiệp cung cấp trang mạng xã hội Facebook.

Cũng theo luật sư Vũ Văn Tính, tại châu Âu, tình trạng để những tin tức giả tràn lan, Facebook đã từng bị phạt hàng trăm triệu USD và đương nhiên khi mạng xã hội này đặt máy chủ tại Việt Nam thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật của nước sở tại.

Như báo Người Đưa Tin nhiều lần phản ánh, đối chiếu với các quy phạm pháp luật nêu trên, có thể thấy, thời gian qua, đã rất nhiều kẻ xấu đã dùng Facebook như một công cụ phạm pháp “hữu hiệu” như quảng cáo bán tiền giả, các loại chất gây nghiện, bôi nhọ…tung tin đồn xấu nhằm trục lợi bất chính.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại