Lý do các nhà khoa học UAE tiêm virus SARS-CoV-2 vào lạc đà

Hà Linh |

Một nhóm các nhà khoa học Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tiêm virus SARS-CoV-2 đã chết vào lạc đà với kỳ vọng loài vật này có thể tạo ra loại kháng thể một ngày nào đó hữu ích trong việc chữa trị COVID-19 cho con người.

Lạc đà được cho mang "chìa khóa" trong điều trị COVID-19. Ảnh: Reuters

Lạc đà được cho mang "chìa khóa" trong điều trị COVID-19. Ảnh: Reuters

Kênh RT (Nga) cho biết nhiều thế kỷ qua các quốc gia Arab vốn dựa vào lạc đà trong nhiều lĩnh vực của đời sống và đến nay vẫn không có nhiều thay đổi. Gần đây, lạc đà thậm chí “được tuyển dụng” để tham gia cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Người đứng đầu Phòng nghiên cứu Thú y UAE, bác sĩ Ulrich Wernery đã chọn lạc đà một bướu để thí nghiệm bởi chúng vốn miễn dịch với Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), một chủng của virus Corona tương tự như SARS-CoV-2. Không giống như con người và các loài khác, lạc đà không có thụ thể virus, vốn là “cánh cổng” các căn bệnh tận dụng để tấn công tế bào.

Bác sĩ Ulrich Wernery chia sẻ với tờ Al Arabiya: “MERS có thể xâm nhập cơ thể lạc đà nhưng chúng không đổ bệnh. Với dịch COVID-19, virus SARS-CoV-2 không thể tiếp cận tế bào niêm mạc trong đường hô hấp của lạc đà”.

Do vậy, các nhà khoa học quyết định tiêm virus SARS-CoV-2 đã chết vào cơ thể lạc đà để chúng có thể sản sinh kháng thể. Mẫu máu từ lạc đà sau đó được phân tích để tìm phương thức hiệu quả giúp chữa trị COVID-19 ở con người.

Hơn 153 triệu người trên toàn thế giới đã mắc COVID-19. Động vật cũng không hề miễn dịch trước COVID-19. Có nhiều thông tin ghi nhận mèo, chó, lừa, sư tử và nhiều loài khác cũng nhiễm virus SARS-CoV-2 và thậm chí tử vong.

Nguồn gốc gây dịch COVID-19 vẫn chưa được làm rõ tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá virus SARS-CoV-2 lây lan từ động vật sang con người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại