Luật sư: "Nhân chứng bí ẩn" Mai Phương hoàn toàn có quyền ngồi phòng kín khi xét xử

Hoàng Đan |

Theo luật sư, quy định của pháp luật cho phép nhân chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khỏe... và các quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia tố tụng.

Tại phiên tòa xét xử Trương Hồ Phương Nga chiều nay (27/6), "nhân chứng bí ẩn" của vụ án là bà Nguyễn Mai Phương đã yêu cầu được ngồi trong phòng kín khi trả lời tòa và không cho (báo chí) ghi hình. Yêu cầu này sau đó đã được Hội đồng xét xử đáp ứng.

Trao đổi với PV, luật sư, thạc sỹ Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cho hay, theo Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 đã có quy định, người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng...

Đồng thời, người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; khai trung thực tất cả tình tiết mà mình biết về vụ án.

Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng hoặc khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

"Do đó, nhân chứng Mai Phương có quyền yêu cầu tòa có biện pháp bảo vệ mình khi ra tòa trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ án.

Đối với yêu cầu được ngồi trong phòng kín thực hiện thẩm vấn, đối chất bằng âm thanh qua micro, theo tôi là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Đây là nhân chứng quan trọng, nắm giữ nhiều thông tin của vụ án nên việc đảm bảo, bảo vệ an toàn sẽ giúp họ tránh phải những vấn đề nguy hại có thể xảy ra về sau.

Đồng thời, không chỉ vụ án này mà các vụ án khác cũng có thể thực hiện như vậy", luật sư Cường nêu.

Trước lo ngại về việc thẩm tra lý lịch nhân chứng, cam kết khai báo trung thực khi đối chất, trả lời công khai tại tòa có liệu được thực hiện khi nhân chứng này ngồi phòng kín, trả lời qua micro và ai dám chắc đây có phải là cô Mai Phương? luật sư Cường đã chỉ rõ, việc này không nên lo lắng.

Vì, đối với các phiên xét xử, dù nhân chứng trả lời trực tiếp hay trong phòng kín thì tòa án đều phải thẩm tra rõ lý lịch, yêu cầu cam kết khai báo trung thực.

"Tất cả các trình tự, thủ tục đều phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật chứ không thể có gian dối được. Nếu làm sai các quy trình, thủ tục thì các cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", luật sư Cường nhấn mạnh thêm.

Đồng quan điểm đó, luật sư Nguyễn Tiến Dũng (đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành thì kể cả đối với nhân chứng được áp tải đến thì vẫn được quyền yêu cầu bảo vệ bí mật cho mình.

Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp cụ thể, Hội đồng xét xử sẽ là nơi ra quyết định cuối cùng.

Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Người làm chứng

1. Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng.

2. Những người sau đây không được làm chứng:

a) Người bào chữa của bị can, bị cáo;

b) Người do có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

3. Người làm chứng có quyền:

a) Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng;

b) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

c) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

4. Người làm chứng có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

b) Khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án.

Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại