Lời ân hận khi tạo áp lực quá lớn lên con trẻ mà bố mẹ nào cũng nên đọc

Ngân Hà |

“Hãy quên đi việc ép con phải làm thế này, thế kia. Xin hãy dạy con sự thẳng thắn, dạy cách tự nói ra được con thích gì, muốn làm gì. Rồi ta sẽ mỉm cười tự nhủ, tại sao ta không nhận ra điều ấy sớm hơn?”

Kì vọng quá nhiều có thể vô tình "giết chết" con bạn!

Cha mẹ thường kỳ vọng rất nhiều vào con cái, vô hình chung gây áp lực tới sự phát triển của trẻ.

Trong thực tế, đã có nhiều trẻ ở tuổi vị thành niên mắc bệnh trầm cảm, tâm thần, thậm chí đau lòng hơn cả là tự tử vì bị bố mẹ gấy áp lực quá nhiều, khi không đạt kết quả học tập như mong muốn, nhất là ở các kì thi quan trọng.

Chủ đề này chưa bao giờ hết "hot", thế nên bài chia sẽ một cách rất thẳng thắn và thực tế của bà mẹ một con đến từ Hà Nội đã thu hút sự chú ý của người đọc.

Lời ân hận khi tạo áp lực quá lớn lên con trẻ mà bố mẹ nào cũng nên đọc - Ảnh 1.

Quan điểm mới mẻ của bà mẹ 9x Hà thành nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng mạng.

"Hôm nay, cậu bé con một người bạn cũ của tôi tự sát! Không một dấu hiệu gì báo trước. Không một lời từ biệt. Không một câu trăn trối.

Tầng tầng lớp lớp những dằn vặt bủa vây lấy người ở lại.

Trong cuốn Nhật ký năm 14, cậu bé viết: "Năm lớp 6 mình có mối tình đầu tiên, mẹ phát hiện việc mình thích N, mẹ đọc trộm những mẩu thư ngăn bàn N viết, mẹ đến tận nhà N và yêu cầu bố mẹ N xem lại cách dạy con.

Mình không còn nhớ nổi mối tình đầu của mình kết thúc ra sao. Chỉ biết sau đấy hai đứa không bao giờ nhìn mặt nhau nữa dù còn học chung lớp đến trung học.

Mãi sau này, mẹ hỏi tại sao mình xa cách mẹ vậy, tại sao không tâm sự với mẹ? Vì sao? Vì mẹ đã biết quá nhiều, nên không bao giờ mẹ được quyền biết thêm bất cứ điều gì nữa cả"

Sau đám tang, trên đường về, tôi không khỏi suy nghĩ mông lung.

Những đứa trẻ tự sát, mọi người nói chúng ngu dại, nhưng tôi lại thấy chúng già trước cả chúng ta - những người cha, người mẹ tưởng mình trưởng thành và luôn đúng!

Chúng không bồng bột đâu. Để có thể đi đến quyết định đau đớn thế, chắc hẳn chúng phải chuẩn bị từ rất rất lâu, tỉ mỉ và cặn kẽ, từ tốn nhưng quyết liệt.

Cuối cùng thì những con người như bọn mình đang làm gì cuộc đời của nhau? Mỗi ngày bạn có hỏi nó rằng, hôm nay có gì khiến con buồn, và có gì khiến con vui? 

Đứa cháu gái con chị tôi, tôi từng chứng kiến nó hỏi mẹ: "Mẹ không có câu nào khác để hỏi con à?" khi chị tôi nói "Nay đi học được mấy điểm hả con?"

Đành rằng ta luôn cho con những điều tốt đẹp nhất, nhưng ta có bao giờ quan tâm điều con thực sự cần?"

Kì vọng vào con cái: "Hãy gửi gắm, đừng ép buộc"

Chủ nhân bài viết là chị Lê Vi, sinh năm 1991, hiện đang làm công việc kinh doanh. Lê Vi cùng chồng là Minh Hoàng, sinh năm 1989, hiện đang sống tại Hà Nội. Hiện tại, cặp đôi này đã có một cô công chúa vô cùng đáng yêu, thường gọi là bé Táo.

Lời ân hận khi tạo áp lực quá lớn lên con trẻ mà bố mẹ nào cũng nên đọc - Ảnh 2.

Từ khi sinh bé Táo, chủ đề những câu chuyện kể của đôi vợ chồng ngày càng trở nên phong phú.

Cuộc sống gia đình với vô vàn câu chuyện, tình huống diễn ra hằng ngày đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để Minh Hoàng và Lê Vi thường xuyên viết chuyện kể về cuộc sống đời thường của mình.

Từ khi sinh được bé gái đầu lòng, chủ đề những câu chuyện họ kể ngày càng trở nên phong phú, không chỉ xoay quanh chuyện tình yêu, vợ chồng mà còn có thêm chia sẻ về cách nuôi dạy, chăm sóc con cái.

Khi được hỏi vậy cặp đôi này muốn định hướng con phát triển như thế nào, Lê Vi bộc bạch: "Đêm nằm ôm con, tôi hỏi chồng: "Anh, sau này anh muốn con làm nghề gì? Anh muốn con yêu người thế nào?"

Chồng tôi nói: "Làm gì hay yêu ai chẳng được em. Miễn là nó vui!"

Phải! Tôi sẽ chỉ dạy con cách suy nghĩ đúng đắn, cách bảo vệ bản thân, cách phản ứng, cách đối đáp, cách đối nhân xử thế, cách tiếp thu kiến thức trong cuộc đời.

Lời ân hận khi tạo áp lực quá lớn lên con trẻ mà bố mẹ nào cũng nên đọc - Ảnh 3.

"Tôi sẽ không dạy nó phải chơi với người thế này, yêu người thế kia, học gì, làm gì...Tôi sẽ lắng nghe con trước. Nếu nó thật sự muốn tôi khuyên nhủ, tôi sẽ khuyên" - Lê Vi cho hay.

Tôi hỏi chồng thêm: "Nếu lỡ con chúng mình sau này vì lý do khách quan mà hư đốn, anh có hận nó không? Hận vì công sinh thành nuôi nấng rồi nó quay lưng với mình?"

Anh hỏi lại tôi: "Ô nó yêu cầu mình đẻ nó ra à mà mình lại đặt áp lực lên nó thế? Anh không thích kể công. Anh tin con mình chẳng bao giờ hư cả.

Nhưng nếu nó có làm mình thất vọng thì cũng đành chấp nhận. Nó đã dành cho anh cả tuổi thơ của nó, cho anh trải nghiệm sự vui vẻ hạnh phúc chưa từng có. Anh biết ơn nó! Không trông mong, không cần gì nhiều!"

Quả thật, những bậc làm cha, làm mẹ, ai chẳng mong muốn đặt lên vai con những ước mơ hoài bão nào đó. Nhưng hãy gửi gắm, chứ đừng ép buộc.

Hãy cầu mong cho những đứa trẻ của chúng ta đủ mạnh mẽ trên đời. Sống như nhánh cỏ bị vùi dập sau cơn giông vẫn vươn mình trước gió.

Bài viết nói lên quan điểm mới mẻ, khá hiện đại trong việc nuôi dạy con cái và đặt kì vọng vào các con của Lê Vi nhận được phản hồi tích cực của đông đảo dân mạng, với gần 20.000 lượt thích và hàng nghìn lượt bình luận.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít quan điểm trái chiều được đưa ra. Theo Minh Hoàng, người bạn đời của Lê Vi tâm sự thì: "Khi Vi chia sẻ bài viết này, đã có một người mẹ vào nói chúng tôi đừng xúi giục các em nhỏ tự sát.

Trời ơi, trầm cảm và sự mất mát được tạo nên bởi cả một hành trình, bất cứ ai cũng có thể mắc chứng rối loạn này mà không cần ai dẫn đường hay xúi giục.

Người trẻ bồng bột, hay người trưởng thành điềm tĩnh đều có thể có một nỗi niềm riêng khiến họ ngạt thở mỗi ngày.

Làm ơn bớt phán xét, hãy lắng nghe, mở lòng nhiều hơn. Bạn không bao giờ hiểu người ấy phải chiến đấu với bao điều tăm tối trong thế giới riêng của họ như thế nào.

Mình tin, những người tự tử vốn không muốn chết. Nếu họ tìm được có lựa chọn khác ngoài cái chết, thì chắc chắn họ sẽ không chọn cái chết".

Cũng vì thấu hiểu được điều này nên trong cuộc sống hằng ngày, Minh Hoàng luôn nỗ lực trở thành một ông chồng tâm lý, yêu thương vợ con hết mực để có thể dành cho người thân yêu của mình những điều tốt đẹp nhất.

"Có một lần, tôi nghe được người quen của tôi phán xét Vi bị bệnh "nghiêm trọng hoá nỗi buồn". Tôi đã không kiềm chế được.

Và tôi rất dị ứng khi nghe người chồng nào đấy chửi vợ: "Có tí chuyện đã kêu khổ, ngoài kia nhiều người khổ hơn cô nhiều!".

Đến khi nào chúng ta mới thôi kiểu so sánh tàn nhẫn như vậy? Ngoài kia nhiều người khổ nên chúng ta để vợ chúng ta phải khổ được như họ mới công bằng sao?" – ông chồng 9x chia sẻ.

Đã bao lâu rồi bạn không nói với người thân của mình một câu yêu thương? Bạn tin không? Nhiều khi chỉ một lời nói giản đơn thôi, có thể bạn đã cứu được cả một mạng người.

Ảnh: NVCC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại