Loạn “thần đèn”

Nam Yên |

“Thần đèn” nổi tiếng di dời nhà cửa, các công trình xây dựng hàng ngàn tấn mà mọi người biết đến nhiều nhất là ông Nguyễn Cẩm Lũy (sinh năm 1948, quê ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Tính đến nay ông đã di dời trên 250 công trình lớn nhỏ ở nhiều tỉnh, thành trong nước và một số nước khác như Philippines, Malaysia, Italy...

Nhiều công trình trở thành “chuyện thần thoại về thần đèn” ông và những người thợ di dời thành công tiêu biểu như: Đền Nại Nam (Quảng Nam), nâng cao 70cm cổng tam quan Chùa Vĩnh Nghiêm (TP Hồ Chí Minh), lùi 30m Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), chống thẳng Bửu Tháp ở An Giang cao 10m... 4 người con của ông theo nghề cha truyền con nối.

Làng “thần đèn” ở đất cù lao...

Còn “làng thần đèn” nức tiếng phương Nam thì nằm ở xã Long Điền, thuộc cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Hầu hết chủ nhân di dời nhà cửa, công trình làm nên danh hiệu “thần đèn” đều xuất thân từ nghề ruộng rẫy, thợ hồ, thợ mộc và cũng chỉ trình độ văn hóa ABC... nhưng họ đã làm rạng danh cho vùng đất Chợ Mới với nghề “thần đèn” gia truyền.

Ông Hai Phó, một người dân ở đây giới thiệu: nghề “thần đèn” nổi danh xứ này có ông Tư Lũy (Lương Thành Lũy, đã mất năm 2011) nay vợ ông là bà Võ Thị Mè kế nghiệp và các ông Ba Bé, Tám Được, Năm Rời, Út Thanh...

Tuy không ai chịu thừa nhận “thầy tổ” nghề “thần đèn” là ai, nhưng kể từ sau năm 1991 những công trình di dời nhà cửa đã manh nha xuất hiện do yêu cầu tránh lũ, mở rộng đường lộ và dần dà xuất hiện những đội nhóm chuyên di dời nhà.

Có lẽ, người dân miền Tây ai cũng kính nể, gọi “đệ nhất thần đèn” là ông Lương Thành Lũy ở ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, người đã di dời hàng trăm nhà cửa, công trình nguyên trạng. Đang độ tuổi sung sức nhất thì ông đột ngột qua đời vì cơn bạo bệnh vào tháng 3-2011.

Căn cứ vào chiếc sim điện thoại lưu lại toàn bộ mối kèo làm ăn của Tư Lũy đã bị một số người giành giật trong những ngày tang lễ cho thấy ông Tư Lũy lúc đó đang là “thần đèn” số một ăn nên làm ra.

Loạn “thần đèn” - Ảnh 1.

Loạn “thần đèn” - Ảnh 2.

Hình ảnh di dời chùa Vạn Linh Núi Cấm.

Ông Tư Lũy chỉ học lớp 4 trường làng như ông Nguyễn Cẩm Lũy bên Đồng Tháp, nhưng rất giỏi tính toán, chi tiết, chính xác và rất trọng chữ tín nên các công trình ông đã nhận thi công đều đạt chất lượng và an toàn tuyệt đối.

Từ một anh thợ mộc giỏi nghề đóng thuyền ở Chợ Mới, Tư Lũy chuyển sang làm “thần đèn” di dời nhà cửa, công trình.

Theo lời bà Mè vợ ông kể lại, ông học nghề từ thầy Năm Dương ở huyện Phú Tân. Tới năm 1990, nhà nước mở đường nối Chợ Mới với Phú Tân, ông trăn trở, mày mò, nghiên cứu di dời nhà và làm thử nghiệm.

Một chiếc ghe hàng chục tấn còn đẩy lên bờ để sửa chữa được, thì sao lại không thể dời một căn nhà từ chỗ này sang chỗ khác? Suy nghĩ đầu tiên đã làm nên một “thần đèn” rất đơn giản như vậy.

Rồi cũng từ dạo đó, thành công trong việc di dời các công trình từ nhà ở, đền chùa... của Tư Lũy đã dẫn đến thành lập Công ty TNHH MTV Tư Lũy. Với doanh thu tiền tỷ hằng năm đã mở ra một phong trào làm nghề “thần đèn” Chợ Mới thi nhau mọc lên như nấm sau mưa.

Các công ty, dịch vụ, cơ sở mang danh “thần đèn” rầm rộ mọc lên từ Nam ra Bắc và nhiều đại gia từ các nước Lào, Campuchia, Philippines, Ấn Độ, Italy... tìm đến ký hợp đồng xoay chuyển hướng nhà, biệt thự, lâu đài, đền chùa, tháp.

Đô thị nhiều nơi phát triển, quy hoạch lại hoặc mở rộng thì nhu cầu về di dời, chuyển xoay công trình, nhà ở càng nhiều. Chợ Mới có các cơ sở “thần đèn” đăng ký kinh doanh lên tới 30 doanh nghiệp với gần 600 lao động thường xuyên.

Trở lại thăm làng “thần đèn”, khi vừa cập bến đò lộ mới, hỏi thăm một người phụ nữ đi xe cùng chiều, chị rất vồn vã cho biết: “Làng “thần đèn” bây giờ cũng như hồi xưa thôi. Đó, đó chú nhìn thấy bây giờ bảng hiệu công ty, dịch vụ gần như san sát hai bên đường. Ai có nhu cầu thì liên hệ sẽ có người nhận ngay.

Có khác so với thời trước là bây giờ có nhiều công đoạn được thay thế bằng máy móc, kỹ thuật cao nên việc di dời, xoay hướng một công trình hàng trăm tấn dễ dàng, nhanh hơn, chính xác hơn”.

Hóa ra người phụ nữ mà tôi đang hỏi chuyện cũng là gia đình một tiểu “thần đèn” mới xuất hiện gần đây. Do đó, bà rất rành rẽ về kỹ thuật, chuyên môn liên quan đến “thần đèn”.

Nhớ lại mấy năm về trước, khi cùng với điêu khắc gia Thụy Lam lên núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) xây công trình đài tượng Di Lặc và chùa Phật Lớn chúng tôi từng trò chuyện với “thần đèn” Tư Lũy khi ông đang dời chùa Vạn Linh đến chỗ mới cách hơn 20m và mặt trước chính điện xoay 90 độ, ước tính trọng lượng ngôi chùa trên 1.500 tấn trên núi Cấm có độ cao trên 535 m và là nơi rất thiêng trong tâm linh người dân vùng Thất Sơn.

Nhưng tiếc thay, sau 3 tháng thực hiện công trình, “thần đèn” Tư Lũy đột ngột qua đời vì bạo bệnh.

Chồng mất, bà Võ Thị Mè cùng người cháu ruột Lương Văn Hải, là đồ đệ theo ông nhiều năm và 2 con nhỏ của ông quyết vượt qua nỗi đau và kế tục sự nghiệp dang dở của chồng. Bà Mè cùng những người thợ đã quyết tâm thực hiện công trình dời và xoay chùa Vạn Linh trên núi Cấm thành công như ý các sư thầy.

Ngày 15-7-2011 âm lịch, nhằm ngày lễ Vu Lan, công trình dời chùa Vạn Linh đến nơi mới và xoay hướng 90 độ đã thành công như một giấc mơ. Công trình đó đã thật sự đánh dấu một quyết tâm rất lớn của người phụ nữ Nam bộ dù chỉ biết chút đỉnh về kỹ thuật và đang đeo tang chồng “thần đèn” Tư Lũy.

Cũng từ dạo đó, người dân miền Tây còn có thêm một “nữ thần đèn” là bà Võ Thị Mè - vợ của “thần đèn” Tư Lũy. Ngoài công việc di dời các công trình trong nước, bà Tư Mè còn mang 14 công nhân, kỹ sư sang Lào chỉ huy nâng cấp tháp A Chan Sữa, một trong những đền tháp linh thiêng nhất của đất nước Triệu Voi.

Bà Mè nghiên cứu cải tiến kỹ thuật di dời đạt hiệu quả cao nhất và tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc giữ cân bằng mọi vị trí của công trình trong quá trình di dời.

Buồn vui nghề “thần đèn”

Thấy nghề “thần đèn” dễ ăn nên làm ra nên bỗng dưng cả hai ấp Long Hòa 1, 2 của Long Điền, “thần đèn” thi nhau mọc lên như nấm với vài chục đội di dời nhà cửa có trương bảng hiệu nhan nhản hai bên mặt lộ như: Ba Tuấn, Nguyễn Huỳnh, Sáu An, Chín Cọp, Út Mập, Tám Bé, Hai Lý, Như Tiên, Duy Cường, Bảy Bình, Tư Nghĩa, Ba Liễm... Chợ Mới là mảnh đất cù lao “ra ngõ gặp thần đèn” như lời dân gian đồn quả không sai.

Nhưng làm nghề “thần đèn” tự phát, không phải bao giờ cũng thành công mỹ mãn. Bên cạnh nhiều niềm vui, mang lại lợi nhuận, cũng có không ít những tang thương, buồn đau, mất mát. Bởi cả chủ lẫn thợ đều là những nông dân “Hai Lúa” rặt, trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật không cao, chủ yếu là nghề dạy nghề và học lỏm bằng kinh nghiệm thực tế.

Do đó, có những nhóm “tiểu thần đèn” mới hành nghề đã gặp phải những sự cố ngoài mong muốn rất đáng tiếc. Nghề “thần đèn” không phải lúc nào cũng mang lại nụ cười mà đôi khi lại là nước mắt, đắng cay.

Ông Nguyễn Văn Giỏi, ngụ ấp Long Hòa 1 (xã Long Điền A) đôi mắt đỏ hoe khi kể về con trai ông là Nguyễn Thanh Phong tử nạn. Hồi đó là năm 2004, con tôi đi làm công cho gánh “thần đèn” ông Năm Rời, trong khi kéo dời nhà tường ở TP Mỹ Tho thì căn nhà trượt, ép công nhân vào tường nhà bên cạnh. Nhiều người thoát hiểm trong gang tấc nhưng con trai tôi đã chết. Sau đó, ông cũng giải nghệ luôn...

Còn bà Nguyễn Thị Lâu, ở ấp Long Hòa 2, không thể nào quên cái chết của chồng là ông Nguyễn Văn Kia xảy ra năm 1997. Từ một người làm công, ông Kia lập nhóm “thần đèn” khoảng 8 người mua sắm đồ nghề để hành nghề độc lập.

Khi tai nạn xảy ra, ông đang cùng nhóm thợ đang dời căn nhà gỗ tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành. Mọi công việc đã hoàn tất, chỉ còn trồng thêm một cây móng phụ thì đột nhiên nhà dịch chuyển về phía sau và đổ sập.

Loạn “thần đèn” - Ảnh 3.

Bà Võ Thị Mè kế nghiệp chồng là "thần đèn" Lương Thành Lũy.

Ông mất đi, để lại cho người vợ 3 đứa con nhỏ dại với lời thề sẽ không bao giờ cho các con làm nghề dời nhà. Cùng ấp Long Hòa 2 còn có ông Phan Văn Vạn tuy may mắn thoát chết khi bị tai nạn dời nhà nhưng vĩnh viễn tàn phế, nằm liệt một chỗ từ vụ tai nạn năm 1997.

Đến nay, vợ cũng bỏ đi tìm cuộc sống mới, từ gia đình khá giả nay trở thành người bán thân bất toại.

Nghề “thần đèn” từng là cứu tinh cho những người nông dân nghèo, nhưng cũng đã từng cướp đi sinh mạng và làm tiêu tan bao gia đình.

Vậy mà ngày nay vẫn có rất nhiều tiểu “thần đèn” “tay không bắt giặc” cứ thi nhau mọc ra và hành nghề từ hợp pháp đến hành nghề chui khiến cho làng “thần đèn” một thời huy hoàng, rực rỡ bị nhiều tai tiếng, ảnh hưởng đến uy tín những cơ sở làm ăn chân chính lâu nay.

Càng nhiều người làm “thần đèn” thì thị trường càng thu hẹp lại và hệ lụy xấu về cạnh tranh, phá giá tất yếu xảy ra. Kết cục buồn thường là những công trình di dời giá rẻ, kém chất lượng, mất an toàn khiến cho nhiều người băn khoăn...

Nhiều cơ sở “thần đèn” không treo bảng hiệu, không đăng ký hành nghề kinh doanh, nhưng khi có mối lái, họ tụ hội lại, tập kết thiết bị, nhân vật lực rồi chốt giá, thấp hơn các doanh nghiệp khác để giành mối làm.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng rất khó quản lý được tình hình hành nghề, kinh doanh tự phát của các cơ sở, doanh nghiệp “thần đèn”. Bởi không hề có doanh nghiệp nào được nhà nước đào tạo hay có bằng cấp chuyên môn.

Tất cả đều là nông dân nghèo, chuyên nghề mần mướn, trình độ lớn nhất là cấp 2 còn phần đông là tiểu học.

Khi hành nghề di dời nhà cửa, công trình, rất cần đến việc tính toán thiết kế, kết cấu móng nền... mà không phải ai cũng giỏi và chính xác như các bậc thầy “thần đèn” vang danh như Cẩm Lũy, Tư Lũy, Ba Tuấn, Nguyễn Văn Cư... Do đó, bất kỳ một sai sót nào về kỹ thuật đều có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.

Nghề “thần đèn” như doanh nghiệp Tư Lũy từng là một bước ngoặt độc đáo từ những năm đầu 1990 khi di dời nhà hai bên để mở tỉnh lộ 942.

Chính Tư Lũy lúc sinh thời đã kể lại, năm 1989 tôi làm nghề thợ mộc, lúc đó 33 tuổi mới lập gia đình, cất được căn nhà lá. Nhìn thấy nhiều nhà phải dời lui 5m để mở lộ, tui mới nghĩ đến việc di dời...

Dùng các con đội nâng đều các cây cột lên, lấy gỗ tròn làm ống lăn, thiết kế rãnh tương tự cách hạ thủy tàu ghe để dời nhà lùi ra xa...

Thay vì đập bỏ, thiệt hại toàn bộ thì chủ nhà chỉ tốn 20-30% giá trị. Hằng năm, An Giang là một tỉnh nằm thượng nguồn sông Mê Kông hứng trọn mùa nước lũ tràn về nên hầu như nhà dân đều bị ngập.

Những “thần đèn” xuất hiện vào thập niên 1990 đã giúp rất nhiều hộ dân nhanh chóng di dời lên chỗ cao ráo để sống qua mùa lũ và giảm thiểu những thiệt hại vật chất, nhà cửa do nước ngập gây ra.

Như lời ông Hai Bút xã Tấn Mỹ cho biết: Hồi đó làm lộ mới, nhà dân dời ra hàng chục mét. Rồi chính quyền xây đê bao khép kín để bảo vệ lúa và đón lũ nên nhà nào cũng có nguy cơ ngập hết nóc. Nếu không có mấy ông “thần đèn” dời nhà, nâng sàn lên cao thì chẳng ai còn sống yên ổn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại