Trung Quốc và Israel ào ạt chiếm thị trường UAV quân sự, Mỹ tức tốc hành động

Trung Phạm |

Các tổ hợp công nghiệp quốc phòng hàng đầu của Mỹ đang nỗ lực chiếm giữ thị phần lớn hơn trong thị trường UAV quân sự toàn cầu - một "chiếc bánh lớn" trị giá nhiều tỷ USD.

Theo Reuters, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gấp rút hoàn tất việc ban hành những quy định mới giúp cho việc xuất khẩu các máy bay không người lái (UAV) của Mỹ trở nên dễ dàng hơn. Đây được xem là động thái nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh, "so găng" trực tiếp với hai đối thủ chính của Mỹ trên thị trường UAV quốc tế là Trung Quốc và Israel.

Dẫn thông tin từ các nguồn tin thuộc chính phủ và ngành công nghiệp Mỹ, Reuters cho biết, trước sức ép nặng nề từ các nhà sản xuất Mỹ, đội ngũ phụ tá của ông Trump đang tích cực vận động nới lỏng các quy định nội địa về việc bán máy bay không người lái cho một số quốc gia đồng minh có chọn lọc.

Ngoài ra, Washington cũng sẽ tìm cách đàm phán lại Hiệp ước kiểm soát tên lửa năm 1987 với mục đích nới lỏng các giới hạn quốc tế cho hoạt động xuất khẩu UAV của Mỹ.

Nằm trong nỗ lực cải cách toàn diện quy chế xuất khẩu vũ trang của Mỹ, những thay đổi trên, theo Reuters, có thể sẽ được ban hành vào cuối năm nay dưới dạng một sắc lệnh hành chính của Tổng thống.

Mục đích của những thay đổi này là nhằm giúp các công ty chế tạo UAV của Mỹ, những đơn vị đi tiên phong về máy bay điều khiển từ xa - loại phương tiện từng giữ vai trò chủ chốt trong chiến lược chống khủng bố, tái khẳng định vai trò của họ ở các thị trường quốc tế nơi Trung Quốc, Israel và một số quốc gia khác đang chiếm lĩnh nhờ những ràng buộc kém chặt chẽ hơn.

Những bên được hưởng lợi trước tiên là các công ty chế tạo UAV hàng đầu nước Mỹ như General Atomics, Boeing, Northrop Grumman, Textron và Lockheed Martin.

"Cải cách này sẽ cho phép chúng tôi tham gia cuộc chơi theo cách mà chúng tôi chưa từng trải nghiệm trước đây", một quan chức cao cấp của Mỹ cho biết.

Thúc đẩy chương trình "mua UAV của Mỹ"

Theo Reuters, rất nhiều quy định dự kiến sẽ được nới lỏng, đặc biệt là các điều khoản liên quan tới việc bán UAV phi vũ trang thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, do thám và trinh sát.

Phần lớn những UAV tiên tiến nhất của Mỹ đều được trang bị camera có độ phân giải cao và các hệ thống chỉ thị mục tiêu dẫn đường bằng laser để hỗ trợ cho các tên lửa phóng đi từ máy bay chiến đấu, tàu hải quân hay bệ phóng tên lửa mặt đất.

Những tính toán thay đổi các quy định về xuất khẩu UAV vũ trang có trang bị tên lửa như Predator và Reaper gặp nhiều trở ngại hơn. Nhưng nhu cầu về những UAV "truy sát" từng góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo chiến tranh hiện đại này lại đang tăng cao và các mẫu của Mỹ luôn được xem là những thiết bị tiên tiến nhất.

Động lực thay đổi không chỉ là một phần trong Chương trình tổng thể "Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ" của Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh ra bên ngoài mà còn cho thấy một cách tiếp cận buôn bán vũ khí thuận tiện hơn được chính quyền Mỹ xem đó như cách thức để gia tăng ảnh hưởng với các đối tác nước ngoài.

Theo bản dự thảo các quy định xuất khẩu mới, một danh mục bí mật gồm các quốc gia được đánh số sẽ được ưu tiên trong mua bán máy bay quân sự với Mỹ. Nhóm này sẽ bao gồm một số đồng minh thận cận nhất của Washington trong khối NATO và các đối tác trong bộ 5 liên minh tình báo, gồm: Anh, Australia, Canada và New Zealand.

Năm 2015, người tiền nhiệm của ông Donald Trump khi đó là tổng thống Barack Obama đã từng sửa đổi chính sách xuất khẩu UAV quân sự. Tuy nhiên, các công ty sản xuất máy bay không người lái của Mỹ cho rằng nó vẫn còn quá giới hạn so với các đối thủ cạnh tranh chính là Trung Quốc và Israel.

Các nhà sản xuất UAV của Mỹ đang nỗ lực chiếm giữ một thị phần lớn hơn trong thị trường UAV quân sự toàn cầu. Chưa cần tới khi ban hành những thay đổi chính sách mới, hãng nghiên cứu thị trường Teal Group đã dự báo, giá trị giao dịch mặt hàng này sẽ tăng từ 2,8 tỷ USD năm 2016 lên tới 9,4 tỷ USD vào năm 2025.

Anh, và gần đây nhất có thêm Italy, là hai quốc gia duy nhất được phép mua các máy bay không người lái có vũ trang của Mỹ.

Tuy cuối cùng hợp đồng trị giá 2 tỷ USD bán hệ thống máy bay do thám Guardian của hãng General Atomics cho Ấn Độ cũng được Mỹ thông qua vào tháng 6/2017 nhưng đề nghị mua UAV vũ trang của New Delhi vẫn bị trì hoãn.

Trở ngại chính trong việc mở rộng hoạt động xuất khẩu các mẫu UAV uy lực nhất của Mỹ chính là Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR), một thỏa thuận năm 1987 được Mỹ và 34 quốc gia khác ký kết, trong đó đặt ra các quy định khá ngặt nghèo về mua bán tên lửa.

Thỏa thuận này liệt kê các UAV có tầm hoạt động lớn hơn 300 km và có tải trọng đầu đạn trên 500 kg vào loại tên lửa hành trình, đòi hỏi phải có sự kiểm soát xuất nhập khẩu cực kỳ chặt chẽ.

Để có được sự chấp thuận của quốc tế cho việc nới lỏng các quy định xuất khẩu của Mỹ, các quan chức Mỹ muốn MTCR phải được đàm phán lại. Thế nhưng, không có gì đảm bảo sẽ đạt được sự đồng thuận khi mà Nga, nước có biên giới tiếp giáp với nhiều thành viên NATO, có thể sẽ phản đối những thay đổi như vậy.

Trung Quốc và Israel ào ạt chiếm thị trường UAV quân sự, Mỹ tức tốc hành động - Ảnh 1.

Máy bay do thám không người lái Guardian Mỹ bán cho Ấn Độ. Ảnh: First Post

Trực tiếp cạnh tranh với Trung Quốc và Israel

Là bên không tham gia ký kết MTCR, thời gian qua Trung Quốc đã rất tích cực đẩy mạnh xuất khẩu máy bay không người lái cho một số quốc gia có quan hệ gần gũi với Washington như Iraq, Saudi Arabia và Nigeria, những nước không đáp ứng được các quy định chặt chẽ của Mỹ.

Trung Quốc và Israel ào ạt chiếm thị trường UAV quân sự, Mỹ tức tốc hành động - Ảnh 2.

Một chiếc máy bay không người lái CH-4 cải tiến của Trung Quốc. Ảnh: IHS

Các mẫu UAV của Trung Quốc như CH-3 và CH-4 từng được so sánh với Reaper của Mỹ nhưng lại được chào bán ở mức giá rẻ hơn nhiều và cũng ít phải chịu các ràng buộc đi kèm.

Không phải thành viên của MTCR nhưng Israel vẫn cam kết tuân thủ Hiệp ước này và cạnh tranh khốc liệt với các nhà chế tạo Mỹ trên các tiêu chuẩn công nghệ cao.

Tuy giữ chính sách không bán UAV của mình cho các nước láng giềng ở khu vực Trung Đông nhiều bất ổn nhưng Israel cũng đã thu về 525 triệu USD từ các thương vụ năm 2016.

Các hãng chế tạo UAV của Mỹ cùng những người ủng hộ họ trong Chính quyền Donald Trump hiện nay lập luận rằng, nhiều quốc gia khác đang tích cực đẩy mạnh nỗ lực phổ biến máy bay không người lái, vì thế họ rất không nên là bên bị bỏ lại phía sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại