Liệu có xảy ra đối đầu quân sự giữa Iraq và người Kurd tại Kirkuk?

Thu Hoài |

Ngày 16/10, các lực lượng Iraq giành quyền kiểm soát trụ sở chính quyền tỉnh Kirkuk, sát khu tự trị người Kurd mà không gặp phải nhiều sự kháng cự.

Như vậy chỉ trong chưa đầy 24 giờ kể từ khi phát động, quân đội Iraq đã đạt được một phần lớn mục tiêu mà Thủ tướng Haider Al Abadi đã đề ra đối với khu vực tranh chấp giữa chính quyền trung ương và khu tự trị người Kurd này.

Với việc hạ cờ của người Kurd và cắm cờ Iraq ngay trước trụ sở chính quyền Kirkuk, chính phủ Iraq muốn gửi đi thông điệp rằng “chính quyền trung ương đã quay lại tỉnh Tây Bắc này”.

Điều đáng nói là Quân đội Iraq đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Kirkuk khá dễ dàng, không gặp nhiều sự kháng cự từ phía các tay súng người Kurd, ngoại trừ các vụ bắn pháo trong đêm.

Lãnh đạo tỉnh Kirkuk Najm Eddine Karim đã cùng với gia đình chạy trốn sang Khu vực tự trị người Kurd. Ông này trước đó đã bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương, quyết định tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của người Kurd, dù vùng đất này không thuộc Khu vực Tự trị người Kurd. Trong khi đó, các tay súng người Persmerga thuộc Liên minh yêu nước người Kurd cũng đã rút khỏi các vị trí ở phía Nam Kirkuk.

Trong một động thái nhằm gia tăng sức ép với chính quyền Khu vực tự trị người Kurd tại Iraq, Hội đồng an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã khuyến cáo chính phủ nước này nên đóng cửa không phận với chính quyền khu vực tự trị người Kurd, đồng thời mong muốn khu vực cửa khẩu Habour giữa Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực tự trị người Kurd nhanh chóng nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ trung ương Iraq.

“Theo khuyến nghị của Hội động an ninh quốc gia, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý đóng cửa không phận đối với những chuyến bay đi và đến khu vực phía Bắc Iraq” - người phát ngôn văn phòng Nội các Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết. “Ngay lúc này, không chuyến bay nào được phép bay đến các sân bay do chính quyền khu vực tự trị ở miền Bắc Iraq kiểm soát và không chuyến bay nào khởi hành từ đây được sử dụng không phận Thổ Nhĩ Kỳ”.

Nằm dưới sự kiểm soát của các tay súng thuộc lực lượng vũ trang người Kurd Persmerga từ năm 2014, Kirkuk là một khu vực đa sắc tộc ở miền Bắc Iraq, nơi có cả người Kurd, người Thổ và các cộng đồng Arab cùng sinh sống và giàu tài nguyên dầu mỏ, chiếm tới 40% trữ lượng dầu thô của Iraq. Trong số những khu vực và cơ sở hạ tầng của tỉnh Kirkuk mà quân đội Iraq giành được từ cuối tuần qua đặc biệt có 1 trong số 6 giếng dầu của Kirkuk.

Và như vậy với diễn biến mới này, các tay súng người Kurd hiện còn kiểm soát 5 trên 6 giếng dầu tại khu vực, tức là 340.000 trong tổng số 550.000 thùng dầu mà Khu vực tự trị người Kurd xuất khẩu trung bình mỗi ngày.

Chiến dịch giải phóng Kirkuk diễn ra giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa chính quyền trung ương Iraq và khu tự trị người Kurd sau cuộc trưng cầu ý dân gây tranh cãi ngày 25/9 về việc ly khai của cộng đồng người này. Chính vì thế, việc chính phủ Iraq đưa quân tới đây đã làm gia tăng lo ngại nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên.

Tuy nhiên, Thủ tướng Iraq Haider Al Abadi trong một phát biểu cuối tuần qua đã khẳng định sẽ không sử dụng quân đội để chống lại người dân của mình hay tham gia cuộc chiến chống lại người Kurd, cũng như những công dân khác. Với tư cách Tổng Tư lệnh các lực lượng Iraq, ông Haider Al Abadi cũng cho rằng “nhiệm vụ của chính phủ là bảo toàn sự thống nhất đất nước, thực thi hiến pháp và bảo vệ công dân cũng như sự thịnh vượng của quốc gia”. Nhà lãnh đạo Iraq đồng thời cam kết sẽ không để nước này quay lại con đường chia rẽ sắc tộc như trước kia.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, kịch bản xảy ra đối đầu giữa chính quyền trung ương Iraq và khu vực tự trị người Kurd không có nhiều khả năng xảy ra. Bởi trên thực tế, cả hai bên đều đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong suốt hơn 3 năm qua và đều có cùng một nước bảo trợ, đó là Mỹ.

Một số nguồn tin cũng khẳng định, trước khi phát động chiến dịch, Thủ tướng Iraq Haider Al Abadi đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát của nước này kiểm soát các căn cứ ở Kirkuk nhưng tránh đối đầu với lực lượng người Kurd. Liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu vốn đang hỗ trợ cả chính phủ Iraq và các lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống IS đã kêu gọi hai bên tránh leo thang căng thẳng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại