Kinh hãi: Lợn chảy cả ổ mủ, người "sổ" cả vốc sán, uống phải thuốc giả nguy hại khôn lường

Linh Chi |

Sự kiện thuốc chữa ung thư giả gây ồn ào tuần này là trung tâm sự chú ý của dư luận.

Những nội dung chính trong Bản tin Thực phẩm an toàn số 29:

• Mua cồn uống thay rượu, bợm nhậu tử vong vì ngộ độc methanol

• Nguy kịch vì nửa đêm thèm rượu lại uống nhầm... dầu tràm

• Mang cả vốc sán trong bụng vì nghiện ăn rau sống

• Kinh hãi "ổ mủ" chảy ra từ miếng thịt lợn cung cấp vào bếp ăn trường học

• Sắp tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm?

• Nguy hại khôn lường khi uống phải thuốc giả

• Một số tin nổi bật khác trong bản tin TPAT tuần qua

Mua cồn uống thay rượu, tử vong vì ngộ độc methanol

Theo bác sĩ ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh nhân nam 64 tuổi ở Thanh Hóa bị ngộ độc methanol rất nặng. Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm cho biết, bệnh nhân đã mua cồn sát trùng loại 500 ml về uống thay rượu.

Khi được người nhà đưa vào viện, tình trạng bệnh nhân đã rất nặng, hôn mê, tụt huyết áp, dấu hiệu nhiễm toan nặng là biểu hiện ngộ độc methanol, não bị phù căng cả hai bên. Nồng độ methanol trong máu bệnh nhân 210 mg/dL, gấp nhiều lần so với nồng độ có thể gây tử vong cho người là 40-50 mg/dL.

Bệnh nhân được cấp cứu, hồi sức, lọc máu thải độc, dùng các thuốc giải độc. Tuy nhiên, do bệnh nhân đến viện muộn, não tổn thương quá nặng, nên gia đình xin về để mất tại nhà.

Kinh hãi: Lợn chảy cả ổ mủ, người sổ cả vốc sán, uống phải thuốc giả nguy hại khôn lường - Ảnh 2.

BS Nguyễn Trung Nguyên kiểm tra phim chụp của bệnh nhân ngộ độc methanol. (Ảnh: CAND)

Tình trạng ngộ độc methanol có xu hướng tăng gần đây. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận một số bệnh nhân ngộ độc methanol do uống cồn y tế, trong đó có người tử vong, có người bị di chứng não. Ngoài nguyên nhân uống phải loại rượu không rõ nguồn gốc còn có những người uống cồn y tế pha thay rượu do nghiện rượu, thiếu rượu để uống hoặc hiểu nhầm cồn y tế an toàn.

Methanol vào trong cơ thể chuyển hóa thành chất độc, phát tác chậm, 1-2 ngày sau khi uống các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Đa số bệnh nhân ngộ độc methanol nhập viện muộn, đã có biểu hiện mờ mắt (thậm chí mù), hôn mê, rối loạn chuyển hóa nặng, tổn thương não, hoại tử não. Những bệnh nhân thoát chết cũng để lại di chứng não, mắt.

Nguy kịch vì nửa đêm thèm rượu lại uống nhầm... dầu tràm

Thông tin từ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), hôm nay (30.8), cho biết, cụ ông P.V.T. (69 tuổi, ở Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện (ngày 29/8) trong tình trạng hôn mê sâu, viêm phổi nặng, ngộ độc dầu tràm.

Kinh hãi: Lợn chảy cả ổ mủ, người sổ cả vốc sán, uống phải thuốc giả nguy hại khôn lường - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Theo người nhà cho biết cụ hay uống rượu. Chiều hôm đó, cụ có uống rượu say và nằm ngủ. Thức giấc nửa đêm thèm rượu, cụ ông vơ lấy chai dầu tràm để dưới gốc giường tưởng chai rượu và ngã cổ uống một ngụm.

Sau khi uống hai giờ, người nhà phát hiện ông trong tình trạng hôn mê sâu, khó thở, hơi thở sặc mùi dầu tràm. Người nhà hốt hoảng đưa ông vào cấp cứu tại bệnh viện. Hiện sức khỏe ông T. trong tình trạng nguy kịch, được điều trị và chăm sóc đặc biệt.

Cả vốc sán lúc nhúc trong bụng vì nghiện ăn rau sống

Chị Nguyễn Hải V. 34 tuổi, trú tại Hà Nam đã đi khám bệnh ở nhiều nơi nhưng bác sĩ không tìm ra bệnh. Chị V. cho biết, chị thường xuyên bị đau bụng và đỉnh điểm nhất đó là bị phù nề người. Mặt, da của chị lúc nào cũng đỏ và sưng ngứa. Chị đi khám được bác sĩ kê đơn thuốc trị mề đau nhưng bệnh không giảm.

Chị lại được chỉ định thải độc gan nhưng uống càng nhiều thuốc sức khoẻ càng tệ hơn. Chị V. đến bệnh viện Bạch Mai Hà Nội khám trong lòng luôn bất an vì đã đi khám tổng cộng 6 – 7 lần mà không ra bệnh.

Bác sĩ làm các xét nghiệm nhưng chỉ số xét nghiệm đều bình thường. Bác sĩ khuyên chị nên đi kiểm tra xét nghiệm ký sinh trùng và được bác sĩ chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng sán ruột. Bác sĩ kê thuốc sổ sán và thật kinh hoàng cả vốc sán ruột được đào thải ra ngoài.

Kinh hãi: Lợn chảy cả ổ mủ, người sổ cả vốc sán, uống phải thuốc giả nguy hại khôn lường - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa)

Lục lại thói quen sinh hoạt, chị V. cho biết chị rất thích ăn rau sống và các loại rau sống thuỷ sinh như rau rút, rau cần cũng hay ăn tái có thể loại rau này nhiễm sán rồi trong quá trình ăn uống sán vào cơ thể, ký sinh và sản sinh trong cơ thể chị. Khi bệnh nặng mới có các biểu hiện.

Theo GS Nguyễn Văn Đề - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm bệnh sán, ký sinh trùng cao trong đó có sán lá ruột.

Phòng khám của GS Đề hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân không mắc sán lá gan lớn thì sán lá ruột mà nguyên nhân chủ yếu là do ăn các loại rau thuỷ sinh như rau cần, rau cải xoong, rau rút, củ niễng, ngó sen, rau ngổ, rau muống nước chưa nấu chín. Một vài loài rau khác cũng có khả năng nhiễm sán.

Kinh hãi "ổ mủ" chảy ra từ miếng thịt lợn cung cấp vào bếp ăn trường học

Được nhà trường mời lên chứng kiến nhân viên bếp ăn phát hiện 153kg thịt lợn do đơn vị cung cấp không đảm bảo, nhiều phụ huynh sợ hãi khi thấy có "ổ mủ" chảy ra từ miếng thịt nạc vai bị nhạt màu.

Mới đây trên mạng xã hội xôn xao sự việc do chủ tài khoản "P.T.H" chia sẻ: Sáng ngày 15/8 trường phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark (tỉnh Hưng Yên) gọi điện mời Ban phụ huynh trường vào chứng kiến nhân viên bếp ăn phát hiện lô thịt 153kg do một đơn vị cung cấp cho nhà trường không đảm bảo chất lượng.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, nhân viên y tế và bếp trưởng quyết định rạch thớ thịt để kiểm tra thì phát hiện ổ mủ bã đậu chảy ra từ trong miếng thịt.

"Đến bây giờ vẫn thấy buồn nôn khi ấn tay vào miếng thịt, mủ chảy ra rất nhiều, thành vũng ở túi, bốc mùi tanh hôi. Nhà trường, Ban phụ huynh và đại diện đơn vị cung ứng thực phẩm đã cùng lập biên bản sự việc.

Cả lô thịt được trả lại và đơn vị cung ứng thực phẩm cho trường đã đưa mẫu thịt đi làm xét nghiệm…", chủ tài khoản "P.T.H" bày tỏ.

Sắp tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm?

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Kinh hãi: Lợn chảy cả ổ mủ, người sổ cả vốc sán, uống phải thuốc giả nguy hại khôn lường - Ảnh 5.

(Ảnh minh họa)

Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất của khung tiền phạt theo quy định mà vẫn thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với cá nhân) hoặc thấp hơn 7 lần tổng giá trị (đối với tổ chức) thì mức phạt được áp dụng bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với cá nhân, hoặc 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với tổ chức.

Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung khác (Đọc tin chính)

Nguy hại khôn lường khi uống phải thuốc giả

Bên cạnh các thông tin về an toàn thực phẩm, tuần qua dư luận cũng hết sức quan tâm đến thông tin thuốc ung thư giả H-Capita của công ty VN Pharma.

Từ vụ việc này, các chuyên gia y tế cảnh báo thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng nếu không may dùng phải thuốc giả thì không những thất bại trong điều trị mà còn tăng độc tính, tăng kháng thuốc và bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong.

Theo lời một bác sĩ của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị cũng tiếp bệnh nhân bị ngộ độc với các triệu chứng đau bụng kéo dài, sốt không rõ nguyên nhân vì sao. Chỉ đến khi tiến hành siêu âm ổ bụng mới phát hiện trong dạ dày của bệnh nhân có rất nhiều các vỏ thuốc hình con nhộng.

Do loại thuốc bệnh nhân uống là thuốc giả nên không được hoà tan như thuốc thật và thứ bột trong trong các viên thuốc giả đã ứ đọng trong dạ dày và gây ngộ độc toàn thân.

"Bệnh nhân uống phải thuốc giả không những không khỏi bệnh mà còn rước thêm bệnh. Ngộ độc nhẹ có thể qua khỏi, còn ngộ độc nặng có thể dẫn tới suy thận, suy gan, nhiễm trùng máu và tử vong", vị bác sĩ này cho biết.

Bác sỹ Lê Tuấn Thành, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng với bệnh nhân ung thư thuốc giả có tác hại rất lớn bởi thành phần không rõ ràng, có thể chứa độc chất nào đó đối với cơ thể, hoặc hàm lượng không đủ để đảm bảo khả năng tiêu diệt tế bào ung thư.

Bởi một trong những đặc tính của mầm bệnh (tế bào ung thư hay vi khuẩn, nấm…) đó là tính nhờn thuốc, nghĩa là nếu thuốc không đủ nồng độ đến mầm bệnh thì có thể kích hoạt cơ chế thích nghi, do vậy dẫn đến kháng thuốc và người bệnh có thể tử vong.

Một số tin nổi bật khác trong bản tin TPAT tuần qua

- Ngày 31/8, đại diện Công an TP. Đà Nẵng cho hay, đơn vị này vừa xử phạt 30 triệu đồng một cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất kích thích tăng trưởng. Kết quả cho thấy mẫu giá đỗ có chứa chất cấm 6-Benzyl Aminopurin, đây là loại hóa chất kích thích tăng trưởng, giúp giá đỗ phát triển nhanh, tăng sản lượng và trắng đẹp hơn. (Đọc tin chính).

- Ngày 31/8, Công an thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh bắt liên tiếp 2 vụ thực phẩm bẩn, gồm 1 xe chở 200kg mực đông lạnh qua sơ chế, 1 xe khác chở 170 lít dầu ăn đã qua sử dụng. (Đọc tin chính)

- Sau bữa ăn trưa, trong khoảng thời gian từ 13 giờ 30 đến 19 giờ ngày 30/8/2017, tổng cộng có 399 công nhân của Công ty Lode Star có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, một số ít công nhân cho biết có nôn đã được đưa đến bệnh viện và các phòng khám lân cận để khám, theo dõi. (Đọc tin chính)

- Trưa ngày 26/8, 183 thực khách ở Ninh Thuận sau khi dùng các món thịt và lẩu do gia chủ tự nấu tại tiệc cưới có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Hàng chục người phải nhập viện. (Đọc tin chính)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại