Vụ bầu Đức nhập đường gây dậy sóng: "Không vi phạm pháp luật"

Phương Quế |

(Soha.vn) - Theo ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Tú, việc bắt tay hợp tác nhập đường Lào về Việt Nam của công ty bầu Đức và Đường Biên Hòa là không vi phạm pháp luật.

Bầu Đức và Đường Biên Hòa không vi phạm luật

Trao đổi với chúng tôi về việc Công ty cổ phần Đường Biên Hòa dự định nhập khẩu 30.000 - 40.000 tấn đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sản xuất ở Lào để về Việt Nam tinh luyện và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, Luật sư Nguyễn Văn Tú – Giám đốc công ty Luật Fanci (Hà Nội) khẳng định: Công ty cổ phần Đường Biên Hòa không vi phạm tiêu chí về nguồn gốc nguyên liệu

Theo luật sư Tú: "Công ty Đường Biên Hòa thay vì mua nguyên liệu ở Việt Nam thì hoàn toàn có thể mua nguyên liệu của HAGL ở Lào để gia công rồi xuất toàn bộ sang Trung Quốc. Việc Đường Biên Hòa hay bất kỳ nhà sản xuất đường trong nước nào tìm mua đường nguyên liệu trên thị trường trong và ngoài nước đều không vi phạm pháp luật".

Bên cạnh đó, việc Đường Biên Hòa tìm được nguyên liệu giá rẻ để gia công sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá trong việc cung cấp đường vào Trung Quốc.

“Nhà nước ta bảo hộ cho người nông dân trồng mía phải tiêu thụ hết lượng mía trồng trong nước và đường nhập khẩu không được tiêu thụ thị trường nội địa. Nhà nước không ép buộc các nhà máy có công suất lớn phải để dây truyền của mình nằm không, trong khi mía nguyên liệu thu mua ở nội địa không đủ sản xuất” - Luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết.

 	Luật sư Nguyễn Văn Tú – Giám đốc công ty Luật Fanci (Hà Nội)

Luật sư Nguyễn Văn Tú – Giám đốc công ty Luật Fanci (Hà Nội)

Trước đó, Hiệp hội mía đường Việt Nam thắc mắc: Tại sao công ty cổ phần Đường Biên Hòa không nhập khẩu đường nguyên liệu để sản xuất theo con đường tạm nhập và tái xuất chính ngạch qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế có sự giám sát chặt chẽ của Hải quan, mà lại xuất qua đường tiểu ngạch.

Luật sư Tú phân tích: Việc bên bán (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) và bên mua (Công ty cổ phần Đường Biên Hòa) không làm thủ tục thông quan vào và ra khỏi Việt Nam tại các cửa khẩu chính ngạch mà theo đường thông quan phụ cũng không bị pháp luật về thông quan của Việt Nam ngăn cản.

Luật sư Tú cũng chỉ rõ: “Về ý kiến cho rằng không tạm nhập và tái xuất chính ngạch để lách chính sách của Nhà nước thì đó không phải lỗi của Đường Biên Hòa hay HAGL. Để tránh hiện tượng này thì Hiệp hội mía đường Việt Nam nên có văn bản chú ý các cơ quan thông quan về lô hàng này, nếu có sai sót thì xử lý theo pháp luật, không khoan nhượng”.

Về sự lo ngại số lượng đường HAGL đề nghị bán không phải là 30.000 hay 40.000 tấn mà có thể nhiều hơn nữa, hoặc sẽ không được xuất toàn bộ sang Trung Quốc mà thẩm lậu vào thị trường trong nước, Luật sư Nguyễn Văn Tú nói: “điều này phải theo dõi và nhờ đến cơ quan Nhà nước. Nếu Đường Biên Hòa không làm đúng cam kết thì phải chịu sự xử lý của pháp luật”.

 	Việc Bầu Đức bắt tay với Biên Hòa hay bất kỳ nhà sản xuất đường trong nước nào tìm mua đường nguyên liệu trên thị trường trong và ngoài nước đều không vi phạm pháp luật

Việc Bầu Đức bắt tay với Đường Biên Hòa hay bất kỳ nhà sản xuất đường trong nước nào tìm mua đường nguyên liệu trên thị trường trong và ngoài nước đều không vi phạm pháp luật

Đường Lào của HAGL sẽ bình đẳng với các loại đường khác

Theo thỏa thuận của Việt Nam và Trung Quốc, chính sách biên mậu khu kinh tế cửa khẩu chỉ cho phép mua bán trao đổi hàng hóa do nhân dân hai nước sản xuất ra.

Liệu việc Bộ Công thương cho phép Công ty cổ phần Đường Biên Hòa nhập khẩu đường từ Lào của HAGL rồi tinh chế xuất khẩu qua cửa khẩu mậu biên có vi phạm nguồn gốc hàng hóa, Trung Quốc có đủ cơ sở để phạt hoặc đóng biên đối với mặt hàng đường?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Tú chỉ rõ: “Trung Quốc cũng không có lý do để xử lý như vậy. Việc công ty CP Đường Biên Hòa bán cho Trung Quốc lượng đường mà nguồn nguyên liệu không phải ở Việt Nam thì công ty này chỉ không được hưởng ưu đãi theo thỏa thuận trên của hai nước. Lượng đường này hoàn toàn bình đẳng với các loại đường khác mà Trung Quốc nhập khẩu trên trường quốc tế”.

Trước đó, việc công ty đường Biên Hòa dự định nhập khẩu 30.000 - 40.000 tấn đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sản xuất ở Lào để về Việt Nam tinh luyện và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đã gây ra nhiều tranh cãi.

Quan điểm của Hiệp hội mía đường Việt Nam lên tiếng phản đối, đấu tranh vì giá đường nhập ở Lào về sẽ rẻ hơn so với đường nội địa. Công ty cổ phần đường Biên Hòa và HAGL sẽ có ưu thế hơn so với các doanh nghiệp mía đường trong nước.

Trong khi đó, quan điểm của Bộ Công thương thiên về ủng hộ cho Công ty cổ phần đường Biên Hòa nhập đường thô của Lào do HAGL sản xuất về Việt Nam, sau đó gia công, xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Hiện việc nhập khẩu đường của bầu Đức đang chờ thêm ý kiến của các bộ: NN-PTNT, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Ngoại giao rồi trình lên Thủ tướng Chính phủ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại