Việt Nam có tỉ lệ máy tính nhiễm mã độc cao nhất thế giới

Kiều Linh |

Theo báo cáo tổng kết của Kaspersky năm 2014, Việt Nam là nước đứng đầu thế giới với gần 70% người dùng máy tính nhiễm mã độc, phần mềm độc hại cục bộ qua USB, thẻ nhớ…

Báo cáo này cũng cho biết, trong năm 2014, có 1,4 triệu vụ tấn công người tiêu dùng bằng mã độc trên Android, tăng gấp 4 lần so với năm 2013.

Trong đó, Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn thế giới về số người dùng thiết bị di động bị mã độc tấn công.

Báo cáo chỉ ra rằng, nguy cơ mất an toàn thông tin đang ở mức đáng báo động khi Việt Nam có gần 50% số người dùng có nguy cơ nhiễm mã độc khi sử dụng Internet trên máy tính, xếp hạng thứ 4 trên toàn thế giới.

Việt Nam cũng là nước đứng đầu thế giới với gần 70% người dùng máy tính dễ bị nhiễm mã độc, phần mềm độc hại cục bộ (qua USB, thẻ nhớ…).

Ngoài ra, Microsoft ước tính, tại Việt Nam có khoảng 80% máy tính nhiễm mã độc và phần mềm độc hại.

Theo báo cáo gần đây của Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), phần lớn các cơ quan tổ chức tại Việt Nam cho phép dùng thiết bị cá nhân gồm di động và máy tính bảng truy cập vào mạng lưới tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, VNISA cho biết có tới 74% trong số thiết bị không hề sử dụng bất kỳ biện pháp bảo mật thông tin nào.

Trung tướng Trần Văn Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục An ninh, Bộ Công an, cho rằng nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin thời gian qua gia tăng mạnh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.

Theo ông Thành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp vừa phải ứng phó với các nguy cơ rò rỉ dữ liệu vừa đổi mới giải pháp nhằm khai thác cơ hội kinh doanh tiềm năng từ ứng dụng mạng như: công nghệ di động, điện toán đám mây, thương mại điện tử...

Chính vì vậy, ông Thành cho rằng, an toàn, an ninh thông tin là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp tới các quyết định kinh doanh, đảm bảo năng lực bảo mật, thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng, phát triển của của các DN, tổ chức và cá nhân để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

“Thách thức cho các lãnh đạo công nghệ thông tin và lãnh đạo về an ninh thông tin trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề.

Trong đó việc củng cố năng lực bảo mật thông tin của doanh nghiệp, tổ chức; ứng dụng các công nghệ mới bảo đảm an toàn, bảo mật phải đồng thời với việc đề ra các giải pháp nhằm làm giảm thiểu các tác hại từ hạ tầng thông tin, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh.

Mặc dù các hiểm họa về bảo mật và an toàn thông tin đang hiện hữu, nhưng phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân vẫn chưa triển khai đủ các hoạt động hiệu quả để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại”- ông Thành nhấn mạnh.

Nguyễn Minh Hồng
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông
Kể từ khi Việt Nam kết nối với mạng Internet toàn cầu cho đến nay, cả nước đã có hơn 30 triệu người thường xuyên sử dụng Internet, CNTT được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như trong sinh hoạt hàng ngày của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Song song với sự phát triển đó, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng cũng ngày càng trở nên cấp thiết, các nguy cơ mất ATTT đang gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại