TS Lê Đăng Doanh: Bỏ chộp giật, doanh nghiệp Việt có thể vươn lên

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, ngoài năng động, sáng tạo, chớp thời cơ thì việc bỏ được cung cách làm ăn chộp giật sẽ giúp ích cho doanh nghiệp Việt trong năm Giáp Ngọ.

Năm 2013 đã khép lại với rất nhiều sự kiện gây xúc động và phẫn nộ; hy vọng và bối rối. Báo điện tử Trí thức trẻ xin trân trọng gửi tới Quý độc giả loạt bài viết: NĂM 2013, 2014 DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NHỮNG CHUYÊN GIA NỔI TIẾNG NHẤT VIỆT NAM.

ĐỌC THÊM NHỮNG DỰ BÁO ĐẶC BIỆT VỀ KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2014 TẠI ĐÂY

BÀI 1: Hy vọng và tuyệt vọng của "Bông hoa thép trên thương trường Việt Nam"

BÀI 2: TS Alan Phan "chẩn bệnh": 3 điểm bất an của kinh tế Việt Nam

BÀI 3: TS Alan Phan: Tất cả dự báo bất động sản có thể sai hết

BÀI 4: Năm 2014 nên đầu tư vào lĩnh vực nào để thu lời?

BÀI 5: Năm 2014: "Doanh nghiệp cần nhận ra thời thế đã đổi thay"

BÀI 6: Chuyên gia VN "mách" người dân hai lĩnh vực kiếm tiền năm 2014

BÀI 7: Dự báo "rất sốc" về kinh tế Việt Nam 2014 của một viện trưởng

BÀI 8: Phong thủy gia VN "hé lộ" lĩnh vực đầu tư sẽ thắng đậm năm 2014

Năm 2013 đã đi qua, xét trên bình diện kinh doanh và đầu tư, nhiều nhận định xem đây là năm “xuống đáy”, nhiều doanh nghiệp đang lún sâu trong nợ nần và chưa thấy lối ra, các nhà đầu tư thì thua lỗ, tâm lý bi quan.

Đánh giá về tình hình kinh tế năm qua, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đã ghi nhận một số tiến bộ cho thấy nền kinh tế bắt đầu vượt qua đáy.

Những dấu hiệu rất rõ thể hiện điều này như tốc độ tăng trưởng cao hơn, lạm phát được giữ ổn định, xuất khẩu tăng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng vượt bậc… Tuy nhiên, năm 2013 cũng cho thấy là một năm "rất nghiêm trọng" với doanh nghiệp Việt Nam.

"Nếu như chúng ta thấy, trong giai đoạn 2008 - 2009, mỗi năm chỉ có 4.000 - 5.000 doanh nghiệp phá sản nhưng đến năm 2013 thì có đến gần 61.000 doanh nghiệp phá sản thì đó là một tổn thất rất nặng nề đối với Việt Nam.

Nếu trước đây chúng ta mất các doanh nghiệp đa phần là nhỏ, yếu thì về sau nay, các doanh nghiệp có kinh nghiệm trên thương trường, vượt được qua những khó khăn của 4 - 5 năm liền và có những đóng góp nhưng đến 2013 không chịu nổi những khó khăn, thách thức, tạm ngưng hoạt động. Đó lại càng là điều nghiêm trọng hơn...", TS Doanh nói.

TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh

Thực trạng "rất nghiêm trọng" này, theo TS Doanh, ngoài các yếu tố khách quan xuất phát từ khó khăn của nền kinh tế thì không thể không nói đến những yếu tố nội tại, cung cách làm ăn theo kiểu chộp giật, thiếu sự sáng tạo, định hướng lâu bền của một bộ phận doanh nghiệp Việt.

"Một ví dụ điển hình là cách đây 7 năm, người Nhật có lấy giống quả mướp đắng từ Quảng Nam đưa về để nghiên cứu, đến nay, người ta đã có quả mướp đắng dài tới 2m. Và từ lâu nay, chúng ta mới chỉ có các món mướp đắng nhồi thịt, mướp đắng sấy khô làm trà, mướp đắng hấp... nhưng hiện tại, ở Nhật đã có tới trên 50 sản phẩm làm từ mướp đắng bao gồm trà, sữa tắm cho trẻ em...

Nói như vậy, để thấy rằng, thực tế, trong cung cách làm ăn của một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn theo hướng chộp giật quá nhiều, thấy hướng nào có lãi thì nhảy xô vào còn không có đầu tư lâu dài, không có dự cảm đổi mới, sáng tạo, cải tiến, làm đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường... Điều đó chính là một phần nguyên nhân khiến tình trạng doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động ngày càng ra tăng...", TS Doanh bày tỏ.

Ông Doanh cũng cho rằng, trong năm 2014 và những năm sau này, lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam là cần phải có một chiến lược lâu dài và mạnh dạn đổi mới cải cách, sáng tạo thì mới mong trụ được trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.

"Thông qua đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ một điều rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam bước sang năm 2014 và những năm tiếp theo là cần phải từ bỏ cung cách kinh doanh theo kiểu chộp giật, phải có sự đầu tư với chiến lược lâu dài, đổi mới, sáng tạo thì mới có thể trụ được, vươn lên trong tình hình khó khăn như hiện nay.

Cùng với đó, Chính phủ cũng cần phải thay đổi chính sách, có sự ủng hộ với những người kinh doanh nghiêm túc, lâu dài. Nếu chúng ta cứ mãi làm theo cách, cứ có mối quan hệ thì đến đấy tôi cho ông một cái mỏ hay cái gì đó thì tất cả sẽ không thể nào bền vững được...

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, trong khi gần 61.000 doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động thì vẫn có 65% doanh nghiệp báo cáo có lãi, điều đó để cho thấy, chúng ta vẫn có những doanh nghiệp đầu tư đúng hướng, đúng ngành nghề, không làm ăn chộp giật, đầu tư vào bất động sản, vàng hay chứng khoán...", ông Doanh cho biết.

Dự cảm về nền kinh tế năm 2014, theo TS Doanh bày tỏ mong muốn về sự đổi mới, cải cách nhiều hơn từ Chính phủ và chính các doanh nghiệp.

"Các chuyên gia thế giới cũng đã đưa ra những nhận định về sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2014, còn với trong nước chắc chắn Chính phủ sẽ tiếp tục chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và dự kiến lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Nếu không có nỗ lực để tăng cường cải cách thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế không thể cao được.

Tôi cho rằng nền kinh tế năm qua đã có biểu hiện trầm cảm vì lạm phát giảm nhưng sức mua không tăng, lãi suất giảm nhiều nhưng tín dụng không tăng tức là nền kinh tế đang tắc về vốn. Một nền kinh tế mà vốn bị chôn trong ngân hàng thì không thể tăng trưởng cao được. Đó là những điều tôi hy vọng năm 2014 sẽ có cải cách mạnh mẽ.

Điều quan trọng nhất mà người dân hy vọng là 2014 phải là một năm cải cách thể chế, từ thể chế bộ máy nhà nước đến thể chế thị trường để giảm bớt tham nhũng, giảm bớt lãng phí và có đề án tái cấu trúc đầu tư công, làm cho bộ máy và sử dụng ngân sách có hiệu quả hơn", TS Doanh nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại