Săm soi "lùm xùm" ở các ngân hàng Việt đầu 2013

Theo Kiến thức |

Trong những tháng đầu năm 2013, dư luận đã chứng kiến nhiều vụ sáp nhập, thay tướng nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của các ngân hàng Việt.

Vì sao các ngân hàng sáp nhập?

Sáng 16/3, trong Đại hội cổ đông Ngân hàng cổ phần Phương Tây (Western Bank) tại Cần Thơ, 100% cổ đông đã đồng ý với nguyên tắc hợp nhất với Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC).

Theo đề án xin ý kiến cổ đông, Western Bank và PVFC sẽ hợp nhất trên nguyên tắc tự nguyện để hình thành ngân hàng mới, có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, bằng tổng vốn điều lệ hiện tại của Western Bank (3.000 tỷ) và PVFC (6.000 tỷ). Tổng tài sản của 2 bên sau khi hợp nhất khoảng hơn 105.641 tỷ đồng và trở thành một trong 18 ngân hàng lớn nhất hệ thống.

 

Định chế tài chính mới sau hợp nhất này sẽ giải quyết những tồn tại của cả hai bên. Western Bank là một trong 9 ngân hàng trong diện được thanh khoản kém. Nợ xấu của Western Bank theo Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đánh giá lên tới 21,23%. Hoạt động cho vay của ngân hàng này cũng tồn tại nhiều vấn đề.

Trong khi đó, PVN - đơn vị đang nắm 78% vốn của PVFC - cũng chịu áp lực lớn phải thoái vốn ngoài ngành. PVFC cũng buộc phải chuyển mình thành ngân hàng thương mại khi Thủ tướng yêu cầu “không duy trì” PVFC trong nội dung Đề án Tái cơ cấu PVN.

Dự kiến sau đại hội này, Western Bank sẽ có phiên họp khác rà soát tình hình năm 2012 và kế hoạch 2013 cũng như hoạt động của ngân hàng hợp nhất. Ngân hàng còn xin được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong 5 năm, miễn thuế thu nhập trong 3 năm sau hợp nhất và giảm 50% thuế trong 2 năm tiếp theo.

Ngân hàng Nhà nước Trung ương và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ cũng đến dự Đại hội cổ đông của Western Bank sáng 16/3. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhà điều hành đã đồng ý chủ trương cho hai ngân hàng hợp nhất tự nguyện. Tuy nhiên, đề án hợp nhất do 2 bên trình lên vẫn chưa được phê duyệt.

 

Cũng nằm trong kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng, ngày 15/1 vừa qua, trong Đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng Đại Tín (Trustbank), đại đa số cổ đông đã đồng thuận thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngân hàng.

Đại hội diễn ra tại Hội trường Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh dưới sự chứng kiến của đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, và sự tham dự của 220 cổ đông.

 

Điểm cốt yếu trong đề án tái cấu trúc Trustbank là tập trung sử dụng nguồn lực từ các Tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân trong nước, chủ động giải quyết ổn thỏa các vấn đề nội tại, không trông chờ vào sự “cứu trợ” của Ngân hàng Nhà nước. Và Tập đoàn Thiên Thanh chính thức giữ vai trò là đối tác chiến lược đồng hành cùng tiến trình tái cơ cấu Trustbank.

Về định hướng phát triển, trong ngắn hạn, Trustbank giữ vững và bình ổn hoạt động ngân hàng với các sản phẩm dịch vụ truyền thống như tiếp tục phát huy vai trò ngân hàng “tam nông” tại khu vực trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại các trung tâm kinh tế và bước đầu triển khai nhóm sản phẩm, các dịch vụ phục vụ ngành vật liệu xây dựng, nhà ở bình dân.

Trong dài hạn, với sự song hành của tập đoàn Thiên Thanh - đối tác chiến lược có hệ thống kết nối với hàng nghìn doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh thương mại vật liệu xây dựng, thiết bị nội ngoại thất, nhà ở cho người thu nhập thấp, Trustbank sẽ có những định hướng phát triển mới, từng bước chuyển dịch cơ cấu, để tiến tới mục tiêu chuyên biệt hóa dịch vụ ngân hàng mang tính chất đặc thù.

Theo lộ trình, bước đầu sẽ chuyển nhượng cổ phần và khoản nợ của cổ đông hiện hữu cho nhóm cổ đông mới giá trị 4.500 tỷ đồng từ 29/2/2012 đến 30/6/2013 thông qua việc mua gần 85% vốn Trustbank.

Sau đó, tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng từ nhóm cổ đông Thiên Thanh (30/06/2013). Tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm 2.500 tỷ đồng từ thanh lý tài sản và nguồn tiền khác từ nhóm cổ đông Thiên Thanh (30/09/2013). Tiếp theo là các bước tái cấu trúc về cơ cấu tổ chức...

Ngân hàng âm thầm thay tướng

Cùng với động thái sáp nhập các ngân hàng yếu kém, thì thay tướng cũng là một hoạt động nằm trong diện tái cấu trúc ngân hàng.

Chưa hết quý một năm 2013, một loạt nhà băng đã thông báo thay đổi nhân sự cao cấp. Các chuyên gia dự đoán, xu hướng này vẫn tiếp diễn đến cuối năm khi yêu cầu tái cấu trúc còn nhiều việc phải làm.

Bà Dương Thị Mai Hoa - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) vừa nhận nhiệm vụ mới là Tổng giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank). Trước đó, bà từ nhiệm Tổng giám đốc VIB với lý do cá nhân sau hơn một năm giữ chức.

Hội đồng quản trị VIB ngay sau đó bổ nhiệm ông Lê Quang Trung, từ vị trí Phó tổng giám đốc, Giám đốc khối nguồn vốn và ngoại hối lên nắm quyền Tổng giám đốc. Tuy nhiên, một nguồn tin từ nhà băng này cho biết, người chính thức thay thế bà Hoa tại VIB dự kiến là lãnh đạo cấp cao của một nhà băng ngoại.

Trước đó, hồi tháng 1, cùng với việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông Nguyễn Mạnh Quân, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) đã bổ nhiệm ông Lê Xuân Vũ vào vị trí Phó tổng. Ông Vũ từng giữ chức Phó tổng Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

 
 

Trước đó, từ năm 2012, nhân sự ngành ngân hàng đã có đợt xáo trộn khi lần lượt 18 nhà băng thay tổng giám đốc, chưa kể những nhân sự cấp cao khác. Biến động mạnh nhất về nhân sự phải kể đến Ngân hàng ACB, Habubank, Sacombank...

Một loạt nhân sự điều hành dịch chuyển từ nhà băng này sang ngân hàng khác. Ngoài ra, rất nhiều ngân hàng đồng loạt mời tổng giám đốc ngoại để tận dụng kinh nghiệm quốc tế và khả năng quản trị trong thời kỳ khủng hoảng.

Như vậy, trong 9 tổ chức thuộc diện phải tái cơ cấu thì có 3 đã hợp nhất thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn, HBB sáp nhập vào SHB, Tienphongbank tự tái cơ cấu. Giờ là hai ngân hàng là Western Bank và Đại Tín… Và người ta đang trông đợi các ngân hàng tiếp theo, có thể là GPBank và Navibank.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại