"Liều thuốc" nào cho kinh tế Nga khi đồng Rúp mất giá mạnh?

Hoàng Đan |

Theo TS Lê Đăng Doanh, việc đồng Rúp mất giá sẽ gây khó khăn rất lớn cho nền kinh tế Nga và làm cho đời sống của người dân Nga chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Theo tin từ Reuters, chỉ riêng trong hai ngày đầu tuần, tỷ giá đồng Rúp của Nga đã “bốc hơi” gần 20%, nâng tổng mức giảm từ đầu năm đến nay so với đồng USD lên hơn 50%.

Ngày 15/12 (giờ địa phương) được xem là “thứ hai đen tối” ở Nga. Đồng Rúp của Nga mất giá đến 9,5%.

Sang hôm sau, đồng Rúp tiếp tục giảm giá 20%, mức thấp kỷ lục so với USD (1 USD = 80 Rúp) và euro (1 euro = 100 Rúp) kể từ khủng hoảng tài chính năm 1998.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ (TS) Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đồng Rúp Nga mất giá hết sức nhanh chóng và nhất là gần đây có hiện tượng giảm rất đột ngột.

Chỉ trong một ngày mà giảm tới 11%. Và tính từ đầu năm đến nay, theo nhiều nguồn tin khác nhau thì đồng Rúp giảm đến 40 đến 50%.

"Điều đó là hệ quả của việc giá dầu xuống thấp làm giảm thu nhập từ việc bán dầu. Mà nguồn thu từ đây chiếm đến 2/3 thu nhập của nước Nga.

Thêm vào đó nữa, các lệnh trừng phạt, gây sức ép kinh tế từ Mỹ và các nước phương Tây cũng khiến cho nước Nga bị thiệt hại. Các nhà đầu tư nước ngoài thì quan ngại và rút ra khỏi nước Nga", TS Doanh nói.

TS Lê Đăng Doanh

Đồng quan điểm đó, PGS. TS Phạm Văn Dũng, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng nhấn mạnh, nguyên nhân trực tiếp, dễ thấy dẫn đến khủng hoảng hiện nay ở Nga chính là bao vây, cấm vận kinh tế của phương Tây.

"Chính bao vây, cấm vận của các nước phương Tây là nguyên nhân trực tiếp làm cho kinh tế của Nga gặp nhiều khó khăn và từ đó, khiến cho đồng Rúp mất giá mạnh", PGS.TS Dũng cho hay.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng chỉ ra, khó khăn hiện nay của nước Nga chính là do quá trình chuyển đổi, đẩy mạnh hội nhập nhưng lại bị cấm vận.

"Điều này dẫn đến sự mất cân bằng nhất định nhưng với thời gian thì điều này sẽ được khắc phục dần nhưng tất nhiên không phải là dễ dàng", PGS.TS Dũng nhận định.

"Liều thuốc" nào để cứu nến kinh tế?

Theo TS Doanh, trước tình trạng này, Ngân hàng trung ương Nga đã sử dụng biện pháp tăng lãi suất từ 10,5% lên 17% với hy vọng nhà đầu tư sẽ mua lại đồng Rúp để hưởng lãi suất đó.

"Nhưng các nhà đầu tư sẽ không làm như vậy bởi vì đồng Rúp chừng nào còn mất giá thì họ sẽ không sẵn sàng rót tiền.

Việc đồng Rúp mất giá sẽ gây khó khăn rất lớn cho nền kinh tế Nga và làm cho đời sống của người dân Nga chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Niềm tin của người dân sẽ bị xáo động. Tôi cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu rồi, chỉ có điều nó sẽ đi sâu đến thế nào thôi...", TS Doanh nhấn mạnh.

PGS. TS Phạm Văn Dũng, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
PGS. TS Phạm Văn Dũng, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Trong khi đó, PGS. TS Phạm Văn Dũng lại nhìn nhận, trong tình hình hiện nay, khi đồng Rúp mất giá mạnh thì biện pháp tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương Nga vẫn phải thực hiện.

"Thực tế,trong lúc sản xuất của nước Nga đang gặp nhiều khó khăn, chưa thể phát triển lên được thì việc tăng lãi suất sẽ không đạt được nhiều tác dụng.

Nhưng trong tình hình hiện tại của nước Nga thì biện pháp tăng lãi suất vẫn phải thực hiện để hạn chế lạm phát.

Tuy nhiên, việc chống lạm phát thì giải pháp sâu xa nhất vẫn là phải phát triển sản xuất thì mới có thể giúp nền kinh tế sớm phục hồi", PGS.TS Dũng nói thêm.

Đồng thời, từ góc nhìn của mình, PGS.TS Dũng cũng bày tỏ, để vượt qua khó khăn hiện nay thì chính nước Nga phải phát huy nội lực của mình.

"Trong thời đại ngày nay, quan hệ quốc tế có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Bất kỳ quốc gia nào khi bị tổn thương trong quan hệ quốc tế đều rất khó khăn.

Nước Nga hiện nay đang muốn thoát ra khỏi những bao vây, cấm vận kinh tế của các nước phương Tây nhưng việc này không phải là dễ dàng.

Do đó, một việc mà tôi thấy họ đã rất cố gắng làm là phá cấm vận với phương Tây bằng cách mở quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và tăng cường quan hệ với khu vực ASEAN.

Đây được coi là giải pháp hết sức quan trọng để họ có thể thoát ra được khỏi khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, theo tôi, nội lực, tiềm lực của nước Nga và ý chí của dân tộc sẽ chính là động lực quan trọng để họ có thể thoát ra khỏi được khủng hoảng.

Nói cách khác, nước Nga cần phát huy những tiềm năng, thế mạnh để đẩy mạnh sản xuất. Với những mặt hàng bị thiếu hụt do cấm vận thì cần đẩy mạnh sản xuất ở trong nước để thay thế.

Tôi nghĩ rằng, nước Nga có đủ khả năng để làm những điều đó", PGS.TS Dũng chia sẻ.

PGS.TS Dũng cũng tin tưởng, nước Nga sẽ không dễ dàng gục ngã và chắc chắn vượt qua được khó khăn này.

"Họ là một cường quốc, có tiềm lực mạnh cộng thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Cho nên họ nhất định sẽ vượt qua.

Giống như trước đây khi còn Liên Xô (cũ) cũng đã phải chịu bao vây ghê gớm nhưng vẫn vượt qua, phát triển. Tôi tin vào nước Nga", PGS.TS Dũng nhấn mạnh thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại