EVN trả nợ được hàng nghìn tỷ nhờ túi tiền dân

Chính thức tăng giá điện từ ngày 1/8 thêm 5%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bỏ thêm vào túi vài ngàn tỷ và đang góp phần đe dọa kết quả nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ hơn một năm qua.

Thi nhau ‘đánh úp’ dân

Cũng giống như giá xăng những lần gần đây liên tiếp tăng giá kiểu ‘đánh úp’ người tiêu dùng, giá điện cũng không kém.

Trong thông cáo phát đi chiều tối ngày 31/7, EVN quyết định, kể từ ngày 1/8 giá bán điện bình quân sẽ tăng 71,85 đồng/kwh, tương đương 5% so với giá bán điện bình quân đang áp dụng là 1.437 đồng/kwh.

Theo tính toán của các chuyên gia, giá điện tăng thêm 5% lần này sẽ khiến CPI tăng khoảng 0,35%. Cộng gộp với một số mặt hàng cũng sẽ đồng loạt tăng từ ngày 1/8 như gas, sữa... chuyên gia lĩnh vực giá cả dự báo sẽ khiến CPI tháng 8 tăng thêm 1% - mức tăng cao nhất trong nửa đầu năm nay.

Đặc biệt việc tăng giá này sẽ khiến cho nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ hơn một năm qua có nguy cơ đổ bể.

EVN tăng giá điện vì chưa thu xếp được nguồn trả nợ cho Tổng công ty khí Quốc gia
EVN tăng giá điện vì chưa thu xếp được nguồn trả nợ cho Tổng công ty khí Quốc gia

Tuy nhiên, giải thích trên truyền hình tối 1/8, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho rằng, khi quyết định tăng giá Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã phải cân nhắc rất kỹ để giảm thiểu tác động đến kinh tế vĩ mô.

Khác với những lần trước đưa ra nguyên nhân tăng giá điện do EVN lỗ, giá thành thấp... thì lần này trong thông cáo phát đi EVN  lại đưa ra dẫn giải buộc phải tăng giá do giá than, khí đã tăng quá mạnh từ đầu năm, đặc biệt là giá than từ ngày 20/4/2013 tăng từ 37 – 41% tùy từng loại than.

Theo ông Cường, áp lực tăng chi phí đầu vào đối với EVN trong việc sản xuất điện từ nay đến cuối năm và những năm tới là rất lớn. Trong quý III/2013 áp lực tăng giá than bán cho điện tiếp sẽ làm tăng chi phí khi EVN mua điện từ các nhà máy nhiệt điện thêm 4.000 tỷ đồng trong những tháng cuối năm 2013.

EVN chưa có tiền trả nợ nên phải tăng giá

Điều mà giới chuyên môn bức xúc là việc tăng giá điện được thực hiện ngay sau một ngày khi trong cuộc họp báo Chính phủ trước đó, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ chia sẻ, tăng giá phải có lộ trình. Và dù tăng giá sẽ đi kèm với nó là điều kiện cơ chế để hỗ trợ cho người dân, nhất là người có thu nhập thấp và người nghèo.

Bộ trưởng Đam cũng phân tích rất kỹ những nhân tố sẽ ảnh hưởng tới người dân, nền kinh tế nếu giá điện tăng.

"Rào" trước thông tin như vậy nhưng ngay sau đó EVN lại phát đi thông báo tăng giá 5%. Dù cứ nói là cân nhắc, tính toán để không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân nhưng thực tế giá xăng, điện tăng kéo theo hàng loạt những chi phí khác khiến túi tiền ngày càng teo dần.

Và có một điều trái ngược, trong phần biện minh cho EVN, ông Cường cho rằng, EVN đang nợ Tổng công ty khí quốc gia một khoản nợ trên 3.000 tỷ đồng do chưa thu xếp được nguồn tiền để trả nên buộc phải quyết định tăng giá điện.

Như vậy, nhiều người lo ngại cứ khi nào doanh nghiệp thua lỗ lại nhằm vào túi tiền người dân để bù đắp.

Nếu tính toán, một hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 kWh/tháng tăng chi 6.800 đ/tháng; sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 10.650 đồng/tháng; sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 15.500 đồng/tháng; sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.000 đồng/tháng; sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 37.200 đồng/tháng.

Cứ nhân con số này với 90 triệu dân sẽ thấy được số tiền sẽ lớn cỡ nào.

"Điện là ngành độc quyền nên mỗi lần giá điện tăng đều gây bức xúc. EVN luôn nói tăng giá là để bù lỗ, thu hút đầu tư vào ngành điện, nhưng thử hỏi chi phí vận hành điện đã tốt chưa, sử dụng nguyên liệu đã hợp lý chưa, với những khoản chi và đầu tư bất hợp lý rồi lỗ mà bắt người tiêu dùng gánh thì quá phi lý"- TS. Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bức xúc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại