Chuyện bắt đầu từ khi các gia đình nông dân tại xã Đại Đồng bị thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng khu công nghiệp (KCN) VSIP (Tiên Du, Bắc Ninh). KCN này đi vào hoạt động đã thu hút hàng nghìn công nhân về xã Đại Đồng tạm trú.
Cũng vì vậy, nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến khiến toàn khu vực luôn trong tình trạng mất điện từ 17h-20h, thậm chí có ngày còn mất tới 22h. Nếu ngày nào có điện thì cũng quá yếu không thể sử dụng được. Đó là chưa kể đến tình trạng chập cháy đường dây xảy ra như cơm bữa.
Bị người dân phản ánh quá nhiều, ngày 27/11/2012, Điện lực Tiên Du đã có buổi làm việc với UBND xã Đại Đồng và đi đến việc thống nhất ra văn bản quy định: Cấm các phòng trọ sử dụng điện để đun nấu, sục nước nóng, là, sấy quần áo, sưởi ấm... Chỉ sử dụng điện phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày như quạt mát, thắp sáng, xem ti vi…
Hộ nào dùng nhiều sẽ bị cắt điện
Và để việc cấm này có hiệu lực, chính quyền xã và Điện lực Tiên Du yêu cầu các hộ dân phải mua at-to-mat loại 30A để lắp đặt nhằm hạn chế công suất sử dụng. Sau đó, Điện lực Tiên Du sẽ tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện hộ nào tự ý thay đổi at-to-mat có dòng điện định mức lớn hơn hoặc đấu tắt sẽ bị xử lý.
Quy định này vừa được ban hành ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những gia đình có phòng trọ cũng như công nhân đang ở trọ tại xã Đại Đồng. Với những công nhân cả ngày đi làm vất vả về, việc dùng điện để phục vụ là tối cần thiết.
Chỉ với tình trạng điện yếu, mất thường xuyên, họ đã khổ sở vì không có nước để dùng và sống trong cảnh tối tăm, mò mẫm. Nay lại “cấm” họ sử dụng điện để nấu cơm thì họ chỉ còn nước... nhịn đói. Chị Nguyễn Thị Thu (quê ở Vĩnh Phúc) phàn nàn: “Tôi ở phòng trọ, nếu không dùng điện thì biết nấu cơm bằng cái gì? Không lẽ mang cả bếp củi vào đốt giữa nhà để chuẩn bị cho bữa tối?".
Chỉ là nhầm câu chữ?
Giải thích về quy định cấm chưa có tiền lệ này, ông Nguyễn Tuấn Mười, Giám đốc Điện lực Tiên Du cho biết: “Quy định này thực ra xuất phát từ sự bần cùng, bất đắc dĩ của xã. Hiện xã có rất nhiều phòng trọ được xây dựng.
Đáng lẽ phòng trọ của công nhân phải nằm ở khu công nghiệp, thế nhưng do tại các khu công nghiệp chưa xây dựng nhà ở cho công nhân dẫn tới việc công nhân tràn vào ở trọ nhà dân. Chính vì vậy, việc này tạo ra sự quá tải cục bộ về tất cả mọi mặt, trong đó điện là một áp lực”.
Cũng theo ông Mười, việc ra văn bản cấm của Điện lực Tiên Du là chưa chính xác, đây là do lỗi câu chữ và đánh máy. Ý của Điện lực Tiên Du là hạn chế người dân sử dụng thiết bị tiêu thụ nhiều điện để giảm tải cho đường dây cũng như trạm biến áp hạ thế. “Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm về việc này” - ông Mười khẳng định.
EVN Bắc Ninh doạ phạt khách hàng vì dùng nhiều điện do bế tắc về giải pháp
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Duy Thụy - Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Ninh cho biết, đã chấn chỉnh Giám đốc Điện lực Tiên Du về việc ra văn bản cấm sử dụng thiết bị tiêu thụ với người dân.
Ông Thụy cũng cho biết: Hiện các trạm biến áp và đường dây tại xã Đại Đồng chỉ đủ phục vụ các hộ dân có hộ khẩu sinh sống tại đó. Còn hàng trăm, hàng nghìn công nhân đến thuê trọ thì phía điện lực không nắm được và cũng không thấy chính quyền địa phương báo cáo.
Về quy định “chưa có trong tiền lệ” của Điện lực Tiên Du và UBND xã Đại Đồng, ông Bùi Ngọc Quang, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi có thông tin về việc Điện lực Tiên Du ban hành quy định cấm người dân sử dụng nhiều điện, LĐLĐ đã có ý kiến đề nghị Điện lực Tiên Du rút lại văn bản trên vì trái luật.
Theo ông Quang, hiện nay lao động ngoại tỉnh làm việc tại các KCN của Bắc Ninh chiếm tỷ lệ rất lớn. Trong khi đó việc lo nơi ăn chốn ở cho họ lại không được ai quan tâm. Do vậy, họ phải ra các khu dân cư ở quanh các KCN để thuê trọ.
“Với trách nhiệm của LĐLĐ tỉnh, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch đồng bộ giữa phát triển công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng về điện nhằm giải quyết được các chính sách an sinh xã hội như nhà ở, điều kiện phục vụ đời sống cho công nhân lao động đang làm việc trong các KCN tập trung hiên nay” - ông Quang khẳng định.